Rời lịch cất cánh chuyến bay đầu tiên sang quý I/2019, sự xuất hiện của Bamboo Airways được kỳ vọng sẽ khiến thị trường bảo hiểm hàng không trở nên nhộn nhịp hơn trong năm nay, khi mà doanh thu, thị phần của mảng này mới chỉ tập trung tại một vài cái tên như PVI, Bảo Việt, VNI…
Trước đó, Hãng hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) của CTCP Tập đoàn FLC lên kế hoạch sẽ cất cánh chuyến bay đầu tiên vào cuối tháng 12/2018, với 10 máy bay được đưa vào khai thác tại 13 sân bay. Mới đây, trả lời báo chí, ông Đặng Tất Thắng – Tổng giám đốc Bamboo
Airways cho biết, hãng dự kiến sẽ nâng số máy bay hoạt động lên 20 chiếc tại 25 sân bay ngay trong quý I/2019 và đạt 40-50 chiếc trong năm nay.
Nhờ lợi thế của Công ty mẹ là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) đã đạt được thỏa thuận cung cấp bảo hiểm cho Bamboo Airways, trong khi “người anh em” CTCP Nhiên liệu Bay (Petrolimex Aviation) là đơn vị cung cấp nhiên liệu bay cho hãng bay này.
Do hợp đồng bảo hiểm hàng không chưa được chính thức ký kết, nên các thông tin còn trong vòng bí mật. Nhưng theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, Bamboo Airways ký hợp đồng bảo hiểm với liên danh 4 nhà bảo hiểm. Trong đó, Bảo hiểm PVI là nhà bảo hiểm gốc, các nhà đồng bảo hiểm là PJICO, Bảo hiểm Bảo Việt và một hãng bảo hiểm khác, riêng tỷ lệ của PJICO là 15%.
Hiện tại, do tính chất đặc thù của bảo hiểm hàng không, hiện chỉ có 8/30 hãng bảo hiểm phi nhân thọ tham gia mảng này, trong đó thị phần tập trung vào 2 “ông lớn” là PVI và Bảo Việt, các hãng còn lại chủ yếu tham gia trong vai trò đồng bảo hiểm. Được biết, PVI đang cung cấp bảo hiểm hàng không cho tất cả các hãng hàng không tại Việt Nam.
Tính đến nay, vẫn chưa có số liệu thống kê chính thức cho cả năm 2018, nhưng theo số liệu mới nhất được công bố bởi Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), 6 tháng đầu năm nay, trong tổng số phí bảo hiểm gốc thu được từ mảng bảo hiểm hàng không (sau khi đã trừ giảm phí, hoàn phí) của toàn thị trường là 246,672 tỷ đồng, PVI đứng đầu với 109,81 tỷ đồng (chiếm gần 50% thị phần), đứng thứ hai là Bảo Việt với 86,893 tỷ đồng (chiếm hơn 35% thị phần).
Tổng CTCP Bảo hiểm Hàng Không (VNI) đứng thứ 3 thị trường với 28,620 tỷ đồng (chiếm hơn 10% thị phần). Hơn 5% thị phần còn lại do 5 hãng bảo hiểm phi nhân thọ khác cung cấp trong vai trò là nhà đồng bảo hiểm, đó là Bảo Minh (hơn 9,3 tỷ đồng), GIC (hơn 6,8 tỷ đồng), PTI (hơn 4,3 tỷ đồng), MIC (677 triệu đồng) và BIC (91 triệu đồng).
Về hoạt động bồi thường, cũng theo IAV, trong 6 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ bồi thường của mảng bảo hiểm hàng không đạt 35,83% (tương đương 88,3 tỷ đồng), trong đó PVI đạt tỷ lệ bồi thường cao nhất ở mức 57,82% (tương đương 63,49 tỷ đồng), sau đó đến VNI (22,43%), Bảo Việt (21,26%). 5 hãng bảo hiểm còn lại tỷ lệ bồi thường không đáng kể.
Trở lại với Bamboo Airways, nhờ kinh nghiệm cũng như uy tín trên thị trường bảo hiểm hàng không, PVI và Bảo Việt được cho là 2 nhà bảo hiểm có lợi thế nhất trong hợp đồng bảo hiểm với hãng hàng không này. Chưa kể, PVI và Bảo Việt cũng đã từng đạt được thỏa thuận hợp tác về bảo hiểm với Tập đoàn FLC trước đó.
Với riêng PJICO, theo biên bản ghi nhớ được ký kết, Bamboo Airways sẽ ưu tiên sử dụng các sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ của nhà bảo hiểm này như bảo hiểm vật chất máy bay, bảo hiểm trách nhiệm hàng không, bảo hiểm máy móc và các sản phẩm bảo hiểm khác, cũng như các sản phẩm nhiên liệu bay của Petrolimex Aviation.
Theo các chuyên gia trong ngành, sự xuất hiện của Bamboo Airways có thể sẽ giúp thị trường bảo hiểm hàng không sôi động hơn, nhưng chưa thể khiến nguồn thu từ mảng này tăng cao ngay trong năm 2019 do số lượng máy bay, cũng như nhu cầu đối với Bamboo Airways vẫn còn trong giai đoạn thăm dò thị trường.
Hiện tại, Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines), CTCP Hàng không Vietjet (VietJet Air) đang là 2 hãng bay mang lại doanh thu lớn nhất về bảo hiểm hàng không, tiếp đó là Tổng công ty Trực thăng Việt Nam – Công ty TNHH (Vietnam Helicopters); CTCP Hàng không Jetstar Pacific Airlines…
Theo tinnhanhchungkhoan.vn