Nhiều năm trước, trong vai trò cổ đông lớn nhất của Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex (PJICO), có mạng lưới xăng dầu lớn nhất và kinh doanh tới 50% sản lượng xăng dầu trên toàn quốc, với mạng lưới hơn 2.200 cửa hàng xăng dầu, có đội tàu biển lớn nhất Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã giúp PJICO phát triển các sản phẩm cốt lõi như bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm con người. Các cổ đông khác của PJICO như Tổng công ty Thép Việt Nam, Vinare đều có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của PJICO khi vừa phát huy vai trò của cổ đông lớn, vừa là khách hàng lớn. Tuy nhiên, theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Petrolimex, vài năm gần đây, doanh thu từ các cổ đông lớn của PJICO chiếm dưới 10%, đồng nghĩa với việc PJICO đã “xã hội hóa” được hoạt động kinh doanh.
Thực tế cho thấy, khách hàng của PJICO đang được mở rộng, trong đó, thay vì các cổ đông lớn chỉ đơn thuần là khách hàng thì nay đã trở thành kênh phân phối và đón nhận khách hàng ở khắp mọi miền cả nước.
Tại Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI), ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty chia sẻ, 10 năm trước, nguồn thu của PTI chủ yếu trông chờ vào cổ đông sáng lập là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Năm 2007, trên 70% doanh thu của PTI đến từ VNPT, khi đó, cổ đông đề nghị PTI cần phải đi bằng nhiều chân, giảm sự lệ thuộc doanh thu vào một cổ đông lớn. Trước thực tế trên, Ban lãnh đạo PTI đã quyết liệt triển khai các giải pháp để thúc đẩy doanh thu khai thác từ bên ngoài. Đến nay, doanh thu từ VNPT chỉ chiếm tỷ trọng 10 – 15% trong tổng doanh thu của PTI. Hiện tại, VNPT không còn là “mẹ đỡ đầu” khi tập đoàn này chuyển phần vốn nắm giữ tại PTI cho Vietnam Post.
Đại diện Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC) cho biết, năm 2013, ngoài cổ đông lớn là MB, MIC đã mở rộng mối quan hệ với các khách hàng lớn là các tổng công ty, tập đoàn nhà nước như EVN, Vinacomin, Vinapco, Mipec. Hoạt động này tiếp tục được MIC thực hiện trong năm 2014.
Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) cho hay, ngoài cổ đông Công ty mẹ là BIDV, năm 2014, BIC sẽ triển khai hợp tác với một số ngân hàng khác.
Một số lãnh đạo DN bảo hiểm tự tin cho rằng, dẫu cổ đông lớn hay cổ đông tổ chức có thoái vốn thì cũng không khiến họ bị ảnh hưởng nhiều.
“Một số tổng công ty từng góp vốn vào Bảo Minh đã và đang thoái vốn. Tuy nhiên, việc này sẽ không ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của Bảo Minh”, ông Trần Vĩnh Đức, Chủ tịch HĐQT Bảo Minh nói.
Thực tế, để tránh lệ thuộc vào cổ đông lớn, cũng như lường trước nguy cơ thoái vốn, các DN bảo hiểm đã và đang lên kế hoạch bù đắp phần thiếu hụt doanh thu từ cổ đông lớn.
Tại Bảo Minh, nếu như 3 năm trước đây, do định hướng kinh doanh theo hướng tập trung, co cụm nên không phát triển doanh thu qua đại lý thì hiện tại, Bảo Minh đã mở lại và phát triển thêm các phòng khai thác tại các tỉnh, thành lớn như TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương, đi đôi với việc xây dựng chiến lược sản phẩm bán qua kênh ngân hàng.
Tuy nhiên, diễn biến nêu trên không có nghĩa là vai trò của cổ đông lớn bị xem nhẹ. Tại Tổng CTCP Tái bảo hiểm PVI (PVI Re), vai trò của cổ đông lớn đặc biệt quan trọng. PVI Re coi sự ủng hộ của cổ đông Công ty mẹ là PVI Holdings (sở hữu gần 70% cổ phần PVI Re) và Bảo hiểm PVI là cơ hội để DN xây dựng và triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2014 cũng như các năm kế tiếp. Điều này khá dễ hiểu, bởi PVI Re vừa mới thành lập được 1 năm và để “xã hội hóa” hoạt động như các công ty khác, chắc chắn không dễ dàng và cần thời gian.
Năm 2013 vừa qua, PVI Re có được kết quả kinh doanh khả quan là nhờ sự ủng hộ của các cổ đông lớn. PVI Re cùng với Bảo hiểm PVI đã ký kết thỏa thuận hợp tác kinh doanh cho giai đoạn 5 năm kế tiếp, triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp nhằm đảm bảo tái tục 100% các hợp đồng năm 2014 và thu xếp tái bảo hiểm các dịch vụ tạm thời cho các dự án trong và ngoài ngành.
Năm 2014, PVI Re tiếp tục khảo sát và tiếp cận các thị trường Myanmar, Indonesia, Malaysia, Trung Đông, Đức, Ấn Độ, Pakistan, Nam Phi và các công ty con của HDI-Gerling.