Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho biết, về nguyên tắc, đa số các bệnh hiểm nghèo phổ biến đều được bảo hiểm và sẽ có sự khác nhau về phạm vi bảo hiểm đối với một số bệnh tùy thuộc vào định nghĩa của mỗi bệnh hiểm nghèo.
Ví dụ, một số sản phẩm chỉ bảo hiểm HIV do truyền máu, nhưng không bảo hiểm HIV do nghề nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, số bệnh hiểm nghèo càng nhiều có nghĩa là khả năng nhận được quyền lợi sẽ cao hơn nếu chẳng may mắc phải bệnh hiểm nghèo. Chính vì thế, nếu là người mua bảo hiểm, việc cân nhắc sản phẩm bảo hiểm bao nhiêu bệnh là một yếu tố quan trọng để quyết định có nên mua sản phẩm hay không, vì sản phẩm thể hiện phạm vi bảo hiểm rộng hay hẹp.
Tất nhiên, ngoài khả bảo hiểm các bệnh hiểm nghèo có thể mắc phải, khách hàng cũng nên cân nhắc một số quyền lợi và dịch vụ khác. Chẳng hạn, sản phẩm có thể kết hợp nhu cầu vừa bảo vệ, vừa tiết kiệm hay đầu tư tích lũy không? Quyền lợi bảo vệ được kéo dài đến năm bao nhiều tuổi (cần lưu ý là tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh cũng càng cao, trong khi khả năng tài chính có thể bị hạn chế)? Hay sản phẩm có bảo hiểm cho những nguy cơ biến chứng phổ biến khác của người mắc bệnh hiểm nghèo thường mắc phải như tim mạch…?
Theo số liệu vừa được đại diện Hội Ung thư TP.HCM chia sẻ, Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng về các bệnh không lây nhiễm đang ngày càng gia tăng. Tại Việt Nam, ước tính năm 2012, cả nước có 520.000 ca tử vong các loại, 73% trong đó là các bệnh không lây nhiễm, chủ yếu là các bệnh ung thư, tim mạch, phổi mãn tính, đái tháo đường…
Một điểm đáng quan ngại là tỷ lệ mắc ung thư có xu hướng gia tăng nhanh ở phần lớn các nước trên thế giới và Việt Nam cũng không nghoại lệ.
Theo thống kê, năm 2010, Việt Nam có 126.307 ca ung thư mới mắc ở cả 2 giới, trong đó hơn 54.000 nữ và 72.000 nam. Ước tính, trong năm 2020, sẽ có ít nhất gần 200.000 ca ung thư mới mắc. Tỷ lệ mắc mới ung thư ở nam là 101.000 ca. Dẫn đầu là ung thư phổi, sau đó đến dạ dày, gan, đại trực tràng, thực quản, vòm, hạch, máu, tiền liệt tuyến… Tỷ lệ mắc mới ở nữ là 83.385 ca, nhiều nhất lần lượt là ung thư vú, dạ dày, phổi, đại trực tràng, cổ tử cung, giáp trạng, buồng trứng…
Trong bối cảnh bệnh tật gia tăng, bảo hiểm bệnh hiểm nghèo có thể là một giải pháp bảo vệ không tồi cho khách hàng và các công ty bảo hiểm cũng nhìn nhận, sản phẩm này sẽ vẫn là một trong những sản phẩm chủ lực trong thời gian tới.
Tuy nhiên, trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán về dự đoán tỷ lệ ung thư nói riêng và các bệnh hiểm nghèo nói chung trong vài năm tới ở Việt Nam có thể khiến các các công ty bảo hiểm nhân thọ sẽ phải chi trả bồi thường nhiều hơn cho các bệnh hiểm nghèo, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nói rằng, tỷ lệ bệnh hiểm nghèo, đặc biệt là ung thư, ngày càng gia tăng là một trong những rủi ro chính của sản phẩm.
Vị này cũng nhìn nhận, tỷ lệ bồi thường thực tế có thể cao hơn dự tính của các công ty bảo hiểm. Khi tỷ lệ bồi thường tăng quá cao, có thể công ty bảo hiểm sẽ phải điều chỉnh thay thế sản phẩm đang bán bằng một sản phẩm mới.
“Vì phí bảo hiểm của sản phẩm được đảm bảo và không thay đổi trong thời hạn đóng phí, nên nếu tỷ lệ bồi thường thực tế cao hơn nhiều so với dự đoán, thì ngừng bán hợp đồng mới là một trong những giải pháp của công ty bảo hiểm. Và trước khi dừng bán, công ty bảo hiểm đó thường có sản phẩm thay thế”, đại diện một công ty bảo hiểm cho biết.
theo tinnhanhchungkhoan.vn