Bán quyền thu phí hạ tầng giao thông: Không ngại giá – chỉ ngại rủi ro

(DĐDN) –  Để tìm được nhà đầu tư tiềm năng mua quyền thu phí hạ tầng giao thông, cái khó nhất là thương thảo cơ chế bảo hiểm rủi ro. Đây là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường liên quan tới vấn đề bán quyền thu phí hạ tầng giao thông mà DĐDN đã có nhiều bài viết phản ánh.

Theo ông Trường, xã hội hóa hạ tầng giao thông là một chủ trương đã được thống nhất từ trung ương đến các cấp các ngành từ nhiều năm qua. Bán quyền thu phí hạ tầng giao thông chỉ là một trong những hình thức xã hội hóa. Chúng ta muốn có nhiều vốn thì phải tận dụng mọi khả năng.

– Hạ tầng giao thông vận tải là lĩnh vực cần rất nhiều vốn. Bộ GTVT muốn đa dạng các hình thức xã hội hóa thì có thể tập trung vào các hình thức nào, thưa ông?

Muốn xã hội hóa hạ tầng giao thông, chúng ta có thể tập trung vào 3 hình thức là BOT, PPP và Nhà nước vay vốn rồi cho các TCty phát triển hạ tầng vay lại. Thực tế thời gian vừa qua, chúng ta đã triển khai khá tốt hình thức BOT. Tức là nhà đầu tư xây dựng công trình rồi được quyền khai thác để thu hồi vốn, sau đó bàn giao lại cho nhà nước. Trong hơn 2 năm vừa qua, Bộ GTVT đã thu hút được hàng chục dự án BOT đường bộ và cảng biển, với tổng nguồn vốn triển khai là trên 150.000 tỷ đồng. Các nhà đầu tư thực hiện thu phí để thu hồi vốn một cách hợp lý, đảm bảo ổn định tình hình kinh tế – xã hội.

Tiếp đến là hình thức đầu tư PPP hay còn gọi là hợp tác công tư. Nhà nước và tư nhân cùng tham gia đầu tư, hình thức PPP đang được Bộ GTVT xây dựng trên các dự án như: TP HCM đi Dầu Giây, đi Phan Thiết, hay một số dự án khác mà TCty VEC đang đầu tư đường cao tốc… Tuy nhiên, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho các dự án trên đang gặp nhiều khó khăn. Bộ cố gắng trong năm 2015 sẽ thực hiện được một vài dự án PPP.

 

Nhà đầu tư không quan tâm nhiều đến vấn đề mức thu phí và thời gian thu phí. Cái mà họ quan tâm nhất là vấn đề giải quyết rủi ro khi có biến động.

 

Hình thức thứ 3 nhà nước vay ODA và cho các Tcty đầu tư phát triển hạ tầng vay lại để đầu tư. Ví dụ thời gian vừa qua, Chính phủ vay ODA rồi cho Tcty VEC vay đầu tư các tuyến cao tốc Hà Nội – Lào Cai, Pháp Vân – Cầu Giẽ, Long Thành – Dầu Giây… Để thực hiện xã hội hóa thu vốn đối với hình thức này, các TCty đề xuất 3 giải pháp.

 

Thứ nhất, bán quyền thu phí trong một thời gian. Việc này đã thực hiện tại một số dự án như: bán quyền thu phí TP HCM – Trung Lương trong 5 năm để lấy tiền đầu tư cho dự án mới. Hay dự án Pháp Vân – Cầu Giẽ cũ cũng được bán quyền thu phí để đầu tư dự án Pháp Vân mới…

Thứ hai, xây dựng Cty cổ phần để bán cổ phần cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thực tế, chúng đang xây dựng dự án bán cổ phần cho nhà đầu tư trong nước có cổ phần chi phối. Nhà đầu tư nước ngoài nắm cổ phần không chi phối. Nhà đầu tư có thể xây dựng các trạm thu phí để thu hồi phần vốn đầu tư. Hình thức này, Bộ đang trình Chính phủ cho triển khai như tuyến Hà Nội – Hải Phòng và một số dự án đường cao tốc khác, chúng ta có thể bán cho một số nhà đầu tư nước ngoài mua đến 49%.

 

 
Bán quyền thu phí hạ tầng giao thông là một trong những hình thức xã hội hóa

 

Thứ ba là bán toàn bộ dự án, gồm có quyền thu phí, quyền khai thác và quyền sử dụng hành lang hai bên đường để thu hồi vốn. Đây là vấn đề rất lớn liên quan đến nhiều cơ chế chính sách. Bộ đang xây dưng đề án và trình Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm một số dự án… Yêu cầu quan trọng của hình thức này là phải chọn được nhà đầu tư có uy tín, tiềm năng để thực hiện tốt các chính sách pháp luật của VN, các yêu cầu về phát triển kinh tế cũng như quốc phòng an ninh.

– Những hình thức trên chủ yếu liên quan tới hạ tầng giao thông đường bộ. Vậy đối với hàng hải và hàng không thì sao, thưa ông?

Hành lang pháp lý nói chung, chúng ta xây dựng cho tất cả các lĩnh vực đường bộ, hàng hải và hàng không. Tuy nhiên, đối với cảng biển chúng ta đã thực hiện cổ phần hóa và bán cổ phần cho rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài cùng khai thác, thu phí. Ví dụ như các nhà đầu tư Pháp, Mỹ, Đan Mạch… Việc bán cổ phần đã được thực hiện dưới hình thức, có thể chúng ta nắm cổ phần chi phối 51%, họ nắm 49%, hoặc ngược lại. Hay một số cảng chúng ta đã cho thuê. Thời gian thuê có thể là 5 hay 10 năm. Trong thời gian đó, chúng ta chỉ thu phí còn họ toàn quyền khai thác…

Đối với hàng không, chúng ta đang xây dựng phương án cổ phần cảng hàng không. Ví dụ trong phương án xây dựng cảng hàng không Long Thành cũng sẽ thành lập các Cty cổ phần để thu hút nhà đầu tư, trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, chúng ta phải nắm cổ phần chi phối để thực hiện đúng định hướng đầu tư. Sau khi đi vào khai thác, chúng ta sẽ giảm dần cổ phần để phù hợp với lộ trình phát triển.

– Thưa ông, chủ trương bán quyền thu phí thời gian qua đang khiến dư luận rất băn khoăn lo ngại sẽ bị “bán hớ” hoặc nhà đầu tư nước ngoài ép người dân phải thu mức phí cao. Kinh nghiệm tại Pháp vừa qua đã “bán hớ” cho nhà đầu tư, khiến mức phí quá cao. Đây có phải là vấn đề đáng lo ngại đối với Việt Nam, thưa ông?

Trên thực tế khi xây dựng và thực hiện các dự án BOT, chúng ta đã có kinh nghiệm để kiểm soát vấn đề này. Các nhà đầu tư không thể tùy ý nâng giá được. Các dự án có lộ trình và quy định cụ thể về vấn đề này. Muốn tăng phí phải có đề xuất của Bộ GTVT và sự chấp thuận của Bộ Tài chính… Tất cả vấn đề đó đã có trong các hợp đồng kinh tế quy định rồi. Người dân không phải lo ngại vấn đề tăng phí.

Thực tế, các nhà đầu tư không quan tâm nhiều đến vấn đề mức thu phí và thời gian thu phí. Cái mà họ quan tâm nhất là vấn đề giải quyết rủi ro khi có biến động. Ví dụ nhà đầu tư muốn khi mua dự án nếu lưu lượng xe không đủ thì có cơ chế bù thu cho họ không, hay chính sách có ổn định không… Tất cả những vấn đề đó phải thông qua đàm phán hợp đồng. Vì đây là những vấn đề mới đối với chúng ta nên Bộ GTVT sẽ thuê tư vấn quốc tế độc lập, khi triển khai các dự án.

– Bộ GTVT đã định thuê tư vấn nào chưa, thưa ông?

Rất nhiều nhà tư vấn nước ngoài có thể tư vấn về vấn đề này. Tuy nhiên, chúng tôi đang lưu ý tới các nhà tư vấn Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là những quốc gia có nhiều sự tương đồng về văn hóa và có nhiều năm kinh nghiệm về vấn đề này.

Mặc khác, chúng ta vừa triển khai vừa xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý. Bộ đang giao cho Tcty VEC chủ trì đề suất các chính sách. Từ quá trình triển khai thực tế, họ có thể trình các phương án phù hợp. Ví dụ mức giá bán, thời gian bán ra để hoàn vốn… làm sao để hài hòa lợi ích các bên.

– Xin cảm ơn ông!

Hợp đồng bán quyền khai thác hạ tầng thực tế đã được triển khai với dự án đường cao tốc TP HCM – Trung Lương. Đây là dự án đầu tiên được bán quyền thu phí trong năm 2014, với giá 2.004 tỷ đồng trong thời hạn 5 năm. Nhóm các nhà đầu tư do DN Ấn Độ đứng đầu đã ký hợp đồng nguyên tắc với TCty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính VN (VIDIFI) để mua 70% cổ phần dự án BOT cao tốc Hà Nội – Hải Phòng dù theo dự kiến, tuyến đường này đến cuối năm 2015 mới hoàn thành.

Không chỉ đường bộ, việc bán quyền khai thác sân bay Phú Quốc cũng đang được Bộ GTVT đưa ra bàn bạc. Ông Lại Xuân Thanh – Cục trưởng Cục Hàng không VN cho rằng, sân bay Phú Quốc được xây dựng với số vốn 3.000 tỷ đồng, là sân bay quốc tế đầu tiên chủ yếu được đầu tư bằng nguồn vốn của TCty Cảng hàng không VN (ACV) nên việc bán quyền khai thác cho nhà đầu tư là có cơ sở và tính khả thi cao.

Bảo Hiểm Bảo Việt (theo dddn.com.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.