Mảng bán lẻ tiếp tục đóng góp tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu doanh thu của khối doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ năm 2018. Đây cũng là vũ khí cạnh tranh trong cuộc đua thị phần của các doanh nghiệp khối này.
Vũ khí cho cuộc đua thị phần
Với việc giữ khoảng cách khá xa so với các đối thủ trong 9 tháng đầu năm và tăng tốc đáng kể trong những tháng cuối năm, 2018 có thể là năm thứ 3 liên tiếp Bảo hiểm Bảo Việt giành lại “ngôi vương” trên thị trường phi nhân thọ sau 2 năm (2014, 2015) bị PVI “vượt mặt”.
Số liệu từ Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho thấy, trong 9 tháng đầu năm, Bảo hiểm Bảo Việt dẫn đầu thị trường về doanh thu phí bảo hiểm gốc với 7.374 tỷ đồng, tăng 26,87% so với cùng kỳ năm 2017, chiếm thị phần 21,66%.
Tiếp theo là PVI (5.518 tỷ đồng doanh thu phí, tăng 9,14% so với cùng kỳ 2017, chiếm thị phần 16,21%); PTI (3.000 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm gốc, tăng 30,08% so với cùng kỳ 2017, chiếm thị phần 8,81%); Bảo Minh (2.492 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm, tăng 1,75% so với cùng kỳ 2017, chiếm thị phần 7,32%); PJICO (2.013 tỷ đồng doanh thu phí, tăng 11,03% so với cùng kỳ 2017, chiếm thị phần 5,91%).
Lý giải việc liên tục đứng vị trí số 1 về thị phần thời gian qua, đại diện Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, do các năm gần đây, Công ty liên tục ra mắt sản phẩm mới có quyền lợi tối ưu về việc khám chữa bệnh, bảo lãnh tại các bệnh viện trong nước và quốc tế.
“Các sản phẩm đều đạt mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng trong 9 tháng đầu năm nay. Chẳng hạn, bảo hiểm trách nhiệm chung, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm y tế ước đạt mức tăng trưởng lần lượt là 35,9%; 33,4% và 29,7%. Các sản phẩm khác như bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm tàu thủy vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt, góp phần giữ vững vị trí số 1 trên thị trường và tỷ lệ tăng trưởng cao gần gấp đôi so với thị trường”, đại diện Bảo hiểm Bảo Việt nói.
Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, “phong độ” của Bảo hiểm Bảo Việt được duy trì là nhờ chiến lược đẩy mạnh bán lẻ, với hàng loạt chương trình bán hàng mang tính hợp lực với các công ty thành viên trong hệ thống tập đoàn mẹ Bảo Việt được triển khai.
Với PVI, nhà bảo hiểm công nghiệp số 1 Việt Nam, mảng bán lẻ cũng mang lại hơn 3.000 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm trong 9 tháng, tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái; có phần “lấn át” so với mảng bảo hiểm công nghiệp (với gần 2.500 tỷ đồng doanh thu phí).
Tất nhiên, các doanh nghiệp bảo hiểm trong khối phi nhân thọ vẫn cạnh tranh mạnh ở mảng bảo hiểm bán buôn (dành cho tổ chức và doanh nghiệp), nhưng bán lẻ, trong đó trọng tâm là bảo hiểm xe cơ giới vẫn được xem là “vũ khí” trong cuộc đua thị phần doanh thu của các doanh nghiệp bảo hiểm.
PTI cho biết, tính đến hết tháng 11/2018, doanh nghiệp này đạt doanh thu 3.650 tỷ đồng, hoàn thành 105% kế hoạch, tăng trưởng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai nghiệp vụ chính là bảo hiểm xe cơ giới và con người tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng: xe cơ giới đạt doanh thu 1.820 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với cùng kỳ 2017; bảo hiểm con người đạt 1.150 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng gần 40% so với cùng kỳ.
Hoạt động hợp tác chéo qua nhiều kênh bán hàng khác nhau, cũng đang được các doanh nghiệp đẩy mạnh.
Nhờ có bán lẻ, các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn tăng trưởng doanh thu ổn định, thậm chí bứt phá. Thị trường cũng chứng kiến những cái tên mới đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc cao trong 9 tháng so với cùng kỳ năm ngoái như VBI (979 tỷ đồng, tăng 66,43%); SGI (30 tỷ đồng, tăng 58,16%); VNI (633 tỷ đồng, tăng 44,13%).
Chỉ một số doanh nghiệp và chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài có doanh thu phí bảo hiểm gốc giảm so với cùng kỳ năm 2017, là BHV (106 tỷ đồng, giảm 33,85%); UIC (514 tỷ đồng, giảm 24,16%); Phú Hưng (74 tỷ đồng, giảm 22,29%); GIC (802 tỷ đồng, giảm 11,77%); MIC (1.279 tỷ đồng, giảm 10,15%).
Nhìn vào cơ cấu doanh thu phí bảo hiểm gốc của toàn ngành bảo hiểm phi nhân thọ trong 9 tháng đầu năm cũng có thể thấy rõ sự đóng góp chủ đạo của mảng bán lẻ.
Bảo hiểm xe cơ giới vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu, với 10.487 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 30,80%. Tiếp theo là bảo hiểm sức khỏe, với 10.151 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 29,82%. Như vậy, chỉ riêng nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm sức khỏe đã chiếm hơn 60% trong cơ cấu doanh thu phí bảo hiểm.
“Tiến công” trên mọi mặt trận
Cuộc đua thị phần trên thị trường bảo hiểm ngày càng quyết liệt, không chỉ diễn ra giữa các công ty bảo hiểm thuộc nhóm dẫn đầu, mà còn gay gắt tại các doanh nghiệp có thị phần nhỏ hơn khi các công ty này mạnh tay đầu tư cho việc mở rộng mạng lưới phân phối, bồi thường.
Dẫu vậy, điểm đáng ghi nhận là sang năm nay, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã chú trọng hơn đến hiệu quả sinh lời từ hoạt động lõi là bảo hiểm. Một số doanh nghiệp đầu tư lớn cho hệ thống công nghệ, cho ứng dụng bán hàng trên website, điện thoại di động trong bối cảnh internet đã phổ cập tới hầu hết người dân Việt Nam, vừa để gia tăng doanh số, nhưng vẫn kiểm soát tốt chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Chẳng hạn, với việc phối hợp bán chéo sản phẩm bảo hiểm Ngũ Phúc Ưu Việt với Asahi và sản phẩm bảo hiểm tai nạn cá nhân, hỗ trợ nằm viện với Smart Buddy cùng nhiều sản phẩm khác đang được bán trực tuyến, cấp giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử, Bảo hiểm PVI cho biết, đang đẩy mạnh bán hàng qua các kênh điện tử, phù hợp xu thế trong thời đại 4.0 hiện nay.
Bảo Việt thì cho biết đang cập nhật các xu thế công nghệ mới không chỉ trong hoạt động kinh doanh, quản trị, quản lý, mà còn trong tương tác với khách hàng (phát triển kênh bán hàng trực tuyến, website, phần mềm quản lý bảo hiểm, bồi thường trực tuyến…).
Các doanh nghiệp khác như PTI, BIC, VBI, VASS… đã và đang đầu tư cho hệ thống công nghệ. Mới đây, VASS đã cho ra mắt ứng dụng LIAN “mua 1 phút, bồi thường 30 giây”. VASS hy vọng, ứng dụng này sẽ giúp nhà bảo hiểm kinh doanh hiệu quả, kiểm soát tốt chi phí tốt hơn.
Với tổng doanh thu phí bảo hiểm riêng Công ty mẹ BIC trong 10 tháng đạt trên 1.600 tỷ đồng (tăng hơn 15%), lãi hợp nhất trước thuế đạt trên 180 tỷ đồng (tăng trưởng hơn 20%), Bảo hiểm BIC cho biết, thời gian tới, Công ty sẽ tập trung xây dựng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại để cung cấp các giải pháp tài chính khác biệt cho khách hàng, quan tâm, củng cố và xây dựng hệ thống quản trị rủi ro ngày càng hiệu quả hơn.
Khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phát triển và chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối bảo hiểm, bảo hiểm công nghệ, kỹ thuật số; thiết lập hệ thống công nghệ thông tin…, hạ tầng kỹ thuật; xây dựng cơ sở dữ liệu cho thị trường bảo hiểm cũng là giải pháp chính trong nhóm giải pháp tiếp tục thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển bền vững trong năm 2019 mà Bộ Tài chính đã đề ra.Theo ước tính của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, số tiền thực bồi thường bảo hiểm gốc của thị trường phi nhân thọ 9 tháng đầu năm 2018 là 13.906 tỷ đồng. Tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc là 40,84%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2017 (35,79%). Trong số 30 doanh nghiệp bảo hiểm và chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài đang hoạt động trên thị trường, 17 doanh nghiệp có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc thấp hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường. 13 doanh nghiệp còn lại có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cao hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường; trong đó, có 5 doanh nghiệp có tỷ lệ bồi thường trên 50% là MSIG (88,82%); BHV (76,29%); Phú Hưng (64,50%); UIC (54,67%); PVI (53,47%).PVI cho biết, trong 9 tháng đầu năm đã giải quyết hơn 450.000 vụ tổn thất với tổng số tiền bồi thường lên đến 2.905 tỷ đồng. Tổng công ty đã hoàn thiện mô hình giải quyết bồi thường tập trung tại khu vực Hà Nội, TP.HCM và Vũng Tàu nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, kiểm soát chi phí bồi thường.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn