Bài 3. Cần có chính sách giúp người lao động chuyển đổi nghề nhằm giảm tỷ lệ nghỉ hưu trước tuổi

Quy định của pháp luật hiện hành, tuổi nghỉ hưu của nam là 60 và nữ là 55 nhưng trên thực tế, tuổi nghỉ hưu bình quân chỉ đạt 54,17 tuổi. Nhiều người lao động nghỉ hưu trước tuổi với lý do suy giảm sức khỏe nhưng lại vẫn tiếp tục tham gia thị trường lao động ở một công việc khác. Việc chuyển đổi nghề sẽ giúp người lao động có thể ở lại thị trường lao động chính thức lâu hơn, thời gian đóng góp vào Quỹ hưu trí dài hơn và do vậy mức lương khi nghỉ hưu sẽ cao hơn – đây là vấn đề cần được đặt ra.

Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung năm 2012 đã có một điểm mới, rất tiến bộ, đó là Luật đã đưa vào khái niệm “tuổi hưởng hưu” mà không dùng khái niệm “tuổi nghỉ hưu” (vấn đề đã được các nhà nghiên cứu đưa ra rất nhiều năm nay). Theo đó, tuổi hưởng hưu là độ tuổi mà người lao động sau một thời gian làm việc và tham gia đóng BHXH (ví dụ theo quy định hiện naylà 25 năm đối với nữ và 30 đối với nam), thì có quyền yêu cầu hưởng lương hưu. Còn tuổi nghỉ hưu là trần tuổi làm việc theo luật định, ví dụ như trong đề xuất sửa đổi Bộ luật Lao động của Chính phủ mới đây là 60 đối với nữ và 62 đối với nam.

Trên thực tế, tuổi về hưu của một nghề không phải lúc nào cũng đồng nhất với tuổi về hưu của một đời người (có thể gọi là tuổi về hưu xã hội). Giới hạn về hưu của một nghề là các giới hạn về năng suất lao động và các yêu cầu về nhân trắc học khác. Tuổi về hưu xã hội là giới hạn chung áp dụng cho một xã hội ở một trình độ phát triển nhất định (ví dụ là 60). Như vậy, ai cũng có nghĩa vụ làm việc đến 60 tuổi và họ chỉ có thể nghỉ hưu sớm hơn nếu như sức khỏe suy giảm trên 61% (không phụ thuộc vào việc họ làm nghề gì).

Xác định tuổi nghỉ hưu của một nghề là việc làm rất quan trọng, nhằm tạo tâm thế cho người lao động, người sử dụng lao động và xã hội trong lĩnh vực chuyển đổi nghề khi biết được ngưỡng tuổi nghỉ hưu, đặc biệt đối với một số nghề đặc thù. Ví dụ như cầu thủ bóng đá, 30 tuổi là “già” và có thể không đá bóng được; diễn viên xiếc, diễn viên múa, cũng có tuổi nghỉ hưu rất sớm, công nhân trên 55 tuổi không nên xuống hầm mỏ, người lao động nghề dệt may sau 35 tuổi không còn nhanh nhẹn và cho năng suất cao được nữa… Nhưng ngược lại, với những nghề lao động trí óc, đòi hỏi trình độ lý luận và kinh nghiệm thực tiễn, tuổi nghỉ hưu lại thường rất cao. Trong nhiều lĩnh vực, các chuyên gia, nghiên cứu viên cao cấp, càng tích lũy nhiều kinh nghiệm lại càng có nhiều cống hiến. Việc chuyển đổi nghề nghiệp, việc tiếp tục học tập là xu thế rất tốt trong thị trườnglao động và cần phải được khuyến khích. Đối với từng nghề nghiệp, nếu chúng ta quản lý tốt và có sự chuẩn bị cho cả người sử dụng lao động và người lao động thì sẽ tạo điều kiện cho việc chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với điều kiện sức khỏe và năng lực. Chính vì chưa làm tốt việc chuyển đổi nghề nghiệp khi người lao động đạt ngưỡng tuổi nghỉ hưu của nghề nên thời gian qua, chúng ta đã phải xử lý tình huống giải quyết nghỉ hưu sớm, trừ tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu khi nghỉ trước tuổi. Dẫn tới tình trạng người nghỉ hưu sớm lại tiếp tục tham gia vào thị trường lao động để tăng thu nhập (do lương hưu bị trừ phần trăm thấp), sức khỏe còn phù hợp với những công việc khác. Ở đây cần đặc biệt chú ý đến vai trò của Nhà nước trong việc điều tiết và kết nối cung-cầu thị trường lao động.

Cũng chính xuất phát từ thực tiễn này, Nghị quyết 28-NQ/TW đã chỉ rõ: “Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu; đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung”.

Thực tế cho thấy, khi có sự thay đổi về chính sách bao giờ cũng vấp phải nhiều ý kiến từ dư luận. Lẽ tất nhiên, rộng đường dư luận là tăng tính phản biện, giúp cho việc ban hành chính sách sát với thực tiễn, nhưng phản biện chính sách cũng cần được tiếp thu có chọn lọc. Còn nhớ trước đây, khi chúng ta đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu cho tất cả mọi người thì gặp phải phản ứng cho rằng tăng tuổi nghỉ hưu sẽ gây thiệt thòi cho đa số người lao động. Đến khi chúng ta thực hiện theo lộ trình, tăng tuổi nghỉ hưu theo từng nhóm đối tượng thì lại vấp phải ý kiến cho rằng có đặc quyền, đặc lợi. Như vậy, là ngay trong dư luận, hay nói một cách khoa học hơn là ngay trong các ý kiến phản biện chính sách cũng đã có nhiều mâu thuẫn.

Qua thực tiễn của một số nước như Ấn Độ, Pháp, Anh,… cho thấy, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu luôn là vấn đề hết sức nhạy cảm và có tác động sâu rộng tới tất cả các mặt của đời sống, do vậy phải được thực hiện có lộ trình và đảm bảo các yếu tố xã hội. Lộ trình ấy phải được tính toán hết sức khoa học và chặt chẽ, trong quá trình triển khai cần có sự chuẩn bị về tâm lý cho tất cả mọi phía: chuẩn bị tâm lý cho Chính phủ, chuẩn bị tâm lý cho người lao động, người sử dụng lao động.

Tiếp nữa, cũng phải nói rằng không có phương án nào giải quyết được tất cả mọi vấn đề đang tồn tại. Thực hiện giải pháp mới nào cũng phải có sự hy sinh, hay như chúng ta vẫn nói là “học phí cho lựa chọn chính sách”. Có điều lựa chọn phương án có ít sự hy sinh nhất, hay phải trả ít học phí nhất là việc cần làm. Chính vì vậy, bên cạnh việc hoàn thiện một hệ thống chính sách liên thông, từ giáo dục, đào tạo nghề, đến lao động, việc làm, BHXH… thì việc truyền thông liên tục, đầy đủ đến toàn xã hội nói chung, người lao động và chủ sử dụng lao động nói riêng về sự tất yếu khách quan của việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là một việc làm hết sức cần thiết, nhằm “…khuyến khích người lao động tham gia BHXH thời gian dài hơn, từng bước tăng tuổi nghỉ hưu bình quân” như Nghị quyết 28-NQ/TW đã đề ra./.

Theo baohiemxahoi.gov.vn

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.