Với việc Metlife vừa gia nhập AVI, hội viên nước ngoài của Hiệp hội đã được nâng lên con số 16. Được biết, khi Hiệp hội mới được thành lập, các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài không mấy mặn mà với việc tham gia AVI. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn?
Lúc mới thành lập, Hiệp hội chỉ có 5 cán bộ, chưa định hướng được công việc phải làm. Thậm chí, hội phí không sử dụng hết, phải trả lại cho hội viên.
Năm 2004, AVI tiến hành Đại hội nhiệm kỳ II, nhưng thời điểm đó, theo quy định tại Nghị định 88/2003/NĐ-CP, hội viên có yếu tố nước ngoài chỉ được tham gia Hiệp hội với tư cách hội viên liên kết, mà không được làm hội viên chính thức. Điều này đã vấp phải sự phản ứng của các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, vì họ cho rằng, không có quyền biểu quyết, không được bầu cử, ứng cử thì chả khác nào “trói tay bịt miệng” họ, nên họ không gia nhập, Hiệp hội đứng trước nguy cơ tan rã.
Trước tình hình đó, ông Trương Mộc Lâm, Chủ tịch Hiệp hội đã chỉ đạo cho tôi, với tư cách là Tổng thư ký, tìm cách tháo gỡ, thông qua việc báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, mời đoàn cán bộ đi khảo sát các doanh nghiệp bảo hiểm. Chúng tôi đặt ra câu hỏi: Liệu kết nạp hội viên nước ngoài thành hội viên chính thức có ảnh hưởng gì đến hoạt động của Hiệp hội hay không? Và câu trả lời là việc đưa các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam cũng như doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài vào Hiệp hội là cần thiết, vì các DN cùng tham gia thị trường, cần có tổ chức tạo ra sức mạnh hợp tác, tự quản, chia sẻ thông tin đánh giá thị trường, rủi ro để cùng cạnh tranh lành mạnh và phát triển. Nhờ đó mà cơ quan quản lý nhà nước đã chấp thuận cho các doanh nghiệp bảo hiểm có yếu tố nước ngoài được làm hội viên chính thức của AVI, nhưng đại diện doanh nghiệp phải là người Việt Nam.
Đúng vậy, “buôn có bạn, bán có phường”, các doanh nghiệp bảo hiểm không thể một mình một sân được. Gia nhập Hiệp hội, doanh nghiệp bảo hiểm được cung cấp thông tin về khả năng khai thác, nghĩa vụ phải bồi thường để xem phí bảo hiểm của mình xác định đã đúng chưa, cùng nhau chia sẻ thông tin cảnh báo rủi ro và cơ hội tăng trưởng.
15 năm qua, cùng với số lượng doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài vào Việt Nam tăng lên, số lượng hội viên nước ngoài của AVI cũng đông dần lên. Nhất là từ khi Việt Nam ký kết Hiệp định Thương mại Tự do Việt – Mỹ (giai đoạn 2000 – 2005) và gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007, tốc độ mở cửa thị trường bảo hiểm rất nhanh chóng.
Thực hiện các cam kết WTO về mở cửa thị trường bảo hiểm, hiện Việt Nam đã cho phép cả hoạt động bán bảo hiểm qua biên giới và cho lập các chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài tại Việt Nam.
Nếu cứ để các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài đứng ngoài Hiệp hội thì không thể tạo ra sự hợp tác giữa các doanh nghiệp trong ngành, dẫn đến tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, nhiều công việc cần có sự chung sức chung lòng của cả ngành không thể thực hiện được. Đến nay, hầu như 100% doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường đã có yếu tố nước ngoài.
Với vai trò là đại diện cho tiếng nói của khối doanh nghiệp bảo hiểm, AVI thực hiện chức năng phản biện chính sách đối với lĩnh vực bảo hiểm ra sao, thưa ông? Các ông có gặp khó khăn gì không?
Hầu như mọi dự thảo văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm, Hiệp hội đều tham gia đóng góp ý kiến, từ dự thảo sửa đổi Bộ luật Dân sự, Luật Hàng hải, Bộ luật Hình sự, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Bảo hiểm xã hội đến các thông tư hướng dẫn bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, bán bảo hiểm qua ngân hàng…
Nếu không đủ thời gian để xin ý kiến hội viên, AVI chủ động đóng góp tư vấn phản biện. Có những văn bản pháp lý, Hiệp hội cùng Bộ Tài chính và ban ngành liên quan đi thực tiễn để xây dựng, như bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc dân sự cho xe cơ giới, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm khai thác hải sản.
Nhiều ý kiến phản biện chính sách của Hiệp hội đã được cơ quan quản lý tiếp thu, chỉnh sửa văn bản pháp lý, khi ban hành đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm cũng như giúp thị trường bảo hiểm phát triển một cách bền vững. Chẳng hạn như với quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, nhờ những ý kiến phản biện từ AVI, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 151/2012/TT-BTC, nâng trách nhiệm bảo hiểm lên 70 triệu đồng/vụ và nguyên tắc bồi thường thiệt hại về người được đơn giản hóa, không phân biệt về lỗi và căn cứ vào thương tật để trả tiền.
Trong quá trình đóng góp phản biện chính sách, chúng tôi cũng không gặp khó khăn nào. Tiếp thu ý kiến đóng góp của AVI hay không là việc của cơ quan quản lý, nhưng thực tế, phần lớn ý kiến đóng góp của Hiệp hội đã được cơ quan quản lý tiếp thu…
Không phủ nhận vai trò của AVI trong phản biện chính sách bảo hiểm, nhưng vẫn có những văn bản phải sửa đổi sau khi ban hành một thời gian ngắn. Ông lý giải thế nào về tình trạng này?
Đúng là có hiện tượng này, nhưng theo tôi điều này cũng bình thường. Có những văn bản pháp quy chỉ có giá trị trong một thời điểm nhất định, sau 3 năm, 5 năm thực hiện, bối cảnh thị trường có nhiều thay đổi thì không còn phù hợp. Chưa kể, văn bản đó phải đồng bộ với các văn bản pháp lý khác. Chẳng hạn, quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự người vận chuyển, người kinh doanh vận tải thủy nội địa được ban hành năm 2005, nhưng đến nay không còn giá trị.
Ngược lại, có một số văn bản từng được ban hành, như bảo hiểm xây dựng lắp đặt theo Quyết định 33 của Bộ Tài chính từng được bãi bỏ, nhưng nay lại được Chính phủ chỉ đạo xây dựng Nghị định hướng dẫn vào năm tới, xuất phát từ đòi hỏi của thực tế.
AVI đã trở thành cầu nối giữa DN bảo hiểm với cơ quan quản lý. Để có thể hỗ trợ nhiều hơn cho sự phát triển của thị trường bảo hiểm như kỳ vọng của các hội viên, theo ông, Hiệp hội cần những yếu tố gì?
Theo khảo sát của chúng tôi về hoạt động của hiệp hội bảo hiểm nhiều nước trên thế giới, chỉ riêng hoạt động đào tạo và quản lý đại lý đã đảm bảo đủ kinh phí cho hoạt động của họ, mà không cần trông chờ vào nguồn phí thường niên từ hội viên. Khi đó, tiếng nói của Hiệp hội với doanh nghiệp bảo hiểm mới có sức nặng.
Còn với AVI, kinh phí chủ yếu từ hội phí thu được từ các hội viên. Có nhiều hoạt động lẽ ra AVI có thể làm lớn hơn, mạnh hơn nếu có nguồn kinh phí. Chẳng hạn như, mới đây, Hiệp hội được giao nghiên cứu sửa đổi Thông tư 124, 125 theo hướng cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt thời gian trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, về tách quỹ hay lập chuyên gia tính phí… đòi hỏi phải có đánh giá tổng kết, phân tích tác động.
Những vấn đề này, nếu AVI có đủ nguồn kinh phí, sẽ phải có những nghiên cứu dài hơn hơn, thậm chí mời các nhà khoa học của các trường đại học uy tín tham gia vào đề tài để đưa ra những kiến nghị khách quan. Vì trên thực tế, Hiệp hội là cầu nối giữa doanh nghiệp bảo hiểm với cơ quan quản lý, trong khi quan điểm của hai bên thường trái ngược nhau. Một bên mong chính sách được nới lỏng, còn bên kia lại có xu hướng siết chặt quản lý.
Về lâu dài, tôi cho rằng, Bộ Tài chính cần mạnh dạn trao nhiều quyền hơn, giao nhiều việc hơn cho AVI. Có giao việc cho Hiệp hội thì mới biết chúng tôi có khả năng thực hiện được hay không. Tất nhiên, đi kèm với trao quyền, giao việc cho Hiệp hội, cơ quan quản lý cũng cần có sự giám sát.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo tinnhanhchungkhoan.vn)