Hoạt động lành mạnh và có lãi trong nghiệp vụ bảo hiểm là yếu tố cốt lõi để một DN bảo hiểm phát triển bền vững. Đáng báo động là nhiều DN bảo hiểm Việt Nam lại đang thua lỗ triền miên trong hoạt động cốt lõi của mình.
Từ áp lực cạnh tranh
Không thể phủ nhận môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt trong ngành bảo hiểm đã kích thích các DN không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng với mức phí hợp lý. Tuy nhiên, trước áp lực cạnh tranh, nhiều DN cũng đã bất chấp rủi ro để chiếm lĩnh thị phần cùng với năng lực quản lý yếu kém đang đẩy nhiều DN bảo hiểm phi nhân thọ vào cảnh liên tục bị suy giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ triền miên trong hoạt động nghiệp vụ.
Biểu hiện nổi bật nhất của cạnh tranh không lành mạnh trong ngành bảo hiểm là giảm phí bảo hiểm, khuyến mãi và mở rộng phạm vi bảo hiểm tràn lan. Việc tính phí bảo hiểm được dựa trên những giả định như xác suất xảy ra sự kiện bảo hiểm, lợi nhuận đầu tư, quyền lợi bảo hiểm, chi phí khai thác bảo hiểm, chi phí quản lý DN, trích lập các quỹ dự phòng và tỷ lệ lợi nhuận mong muốn. Tuy nhiên, nhiều DN bảo hiểm phi nhân thọ đã không dựa trên các yếu tố này để tính giá, chấp nhận bán sản phẩm dưới giá thành, để thu hút khách hàng, mở rộng thị phần. Tệ hơn nữa là có những DN chỉ chạy theo doanh thu, bất chấp rủi ro khi cung cấp dịch vụ bảo hiểm, dẫn đến không thể thu xếp được tái bảo hiểm, phải tự chịu toàn bộ tổn thất khi sự kiện bảo hiểm xảy ra.
Tình trạng này còn đáng báo động hơn khi hành vi trục lợi bảo hiểm ngày càng phổ biến và tinh vi, phức tạp, với sự tham gia của rất nhiều thành phần, từ khách hàng, đại lý giám định, công chức, garage sửa xe, bệnh viện đến nhân viên bảo hiểm. Điều đáng lo ngại là pháp luật vẫn chưa có các chế tài đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng này. Tỷ lệ bồi thường tăng vọt trong những năm gần đây, đe dọa đến lợi nhuận của hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Cuộc chiến không kém phần khốc liệt giữa các DN trong ngành là hoa hồng đại lý và “chi phí bôi trơn” dành cho các kênh phân phối. Điều này khiến chi phí khai thác bảo hiểm của DN luôn ở mức cao. Đặc biệt, việc đưa ra nhiều chính sách khuyến khích đại lý như chi phí hỗ trợ đại lý, trợ cấp và thi đua khen thưởng ngoài hạn mức tối đa về hoa hồng không chỉ khiến các công ty bảo hiểm bị mất lợi nhuận, thậm chí thua lỗ, mà còn có thể bị chế tài bởi các cơ quan quản lý nhà nước.
Nhiều công ty bảo hiểm tại Việt Nam cũng đang phải chịu đựng tình trạng nợ phí bảo hiểm ngày càng tăng, vì cho khách hàng quyền chậm thanh toán phí bảo hiểm và thanh toán phí bảo hiểm theo kỳ. Kết quả là các khoản nợ phí bảo hiểm có thể chiếm từ 10 – 20% doanh thu phí bảo hiểm. Một số khách hàng nợ phí này còn đợi đến khi có tổn thất xảy ra mới đóng phí bảo hiểm để được bồi thường. Nếu không, họ sẽ tìm nhiều cách khác nhau để thoái thác nghĩa vụ thanh toán phí bảo hiểm. Tình trạng này cũng góp phần đáng kể vào kết quả lỗ triền miên của nhiều DN.
Đến yếu kém nội tại
Bên cạnh nguyên nhân khách quan là áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các DN trong ngành để giữ thị phần thì những yếu kém trong nội tại DN cũng là nguyên nhân dẫn đến thua lỗ trong hoạt động kinh doanh chính của DN bảo hiểm.
Bảo hiểm là một lĩnh vực hoạt động rất phức tạp, tuy vậy, đến nay, nhiều DN vẫn chưa đầu tư thỏa đáng cho việc xây dựng một hệ thống công nghệ thông tin toàn diện, nhằm quản lý chặt chẽ và thống nhất các hoạt động thẩm định, báo giá, phát hành hợp đồng, quản lý hợp đồng, tái tục hợp đồng, giải quyết khiếu nại bồi thường, kế toán, quản lý thông tin khách hàng và phân tích kinh doanh. Điều này tạo ra những lỗ hổng khiến DN không quản lý được các khoản thu chi của các đơn vị thành viên hay thống kê đầy đủ tổn thất và đây chính là mảnh đất màu mỡ để tham ô, chiếm dụng phí bảo hiểm và gian lận bồi thường phát triển. Trong khi đó, cũng có DN đã đầu tư hàng triệu USD cho việc phát triển hệ thống công nghệ thông tin, nhưng vẫn không đạt được kết quả mong muốn. Lý do chính là vì các cán bộ quản lý của các đơn vị thành viên tránh né việc tuân thủ các hệ thống và quy trình quản lý thống nhất. Hơn ai hết, họ hiểu rằng “nước trong là nước không có cá”, nếu minh bạch thì đâu còn chỗ cho các hành vi gian lận, tham nhũng.
Nhiều DN mở chi nhánh và văn phòng tràn lan, dẫn đến việc gia tăng các chi phí cố định như tiền lương nhân viên, tiền thuê văn phòng, điện, nước, điện thoại… Với bộ máy quản lý cồng kềnh, nhiều chi nhánh hoạt động không hiệu quả (chỉ đem lại doanh thu dưới 5 tỷ đồng/năm) đã trở thành gánh nặng cho DN. Bên cạnh đó là sự lỏng lẻo trong quản lý ấn chỉ và mạng lưới đại lý, cộng tác viên dẫn đến hiện tượng chiếm dụng phí bảo hiểm khá phổ biến. Điều này khiến DN vừa mất doanh thu, vừa phải trả tiền bồi thường nhằm giữ uy tín với khách hàng.
Những vấn nạn trên không phải là không có lời giải. Vấn đề là cần sự quyết tâm của từng DN và sự đồng thuận của cả thị trường trong việc thực hiện những biện pháp quyết liệt để giải quyết tận gốc rễ những vấn nạn ấy.
Đâu là giải pháp?
Để phát triển ổn định và bền vững, trước hết, các DN bảo hiểm phi nhân thọ cần giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến thua lỗ về nghiệp vụ bảo hiểm. Cụ thể, việc tính phí bảo hiểm phải hài hòa giữa quyền lợi của khách hàng, xác suất rủi ro và khả năng có lãi của DN bảo hiểm. Các điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm cần rõ ràng, dễ hiểu hơn, tránh khả năng phải thương lượng khi bồi thường. Đặc biệt, DN nên hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ theo hướng đơn giản và minh bạch, nhằm thực hiện việc tự động hóa và tránh việc xử lý các trường hợp ngoại lệ. DN có thể áp dụng công nghệ thông tin một cách toàn diện vào mọi mặt trong kinh doanh để tránh lãng phí nguồn lực hay những lỗ hổng quản lý.
Đa dạng hóa kênh phân phối, đặc biệt là các kênh đại lý, ngân hàng và trực tuyến sẽ giúp DN giảm bớt chi phí cố định. Tuy nhiên, để hạn chế trục lợi bảo hiểm và thất thoát phí bảo hiểm, DN cần tăng cường phát hành hợp đồng bảo hiểm trực tuyến, thay vì sử dụng ấn chỉ in sẵn như hiện nay.
Sau thời gian từ 6 – 10 năm hoạt động, để đạt đến điểm hòa vốn, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ cần duy trì tỷ lệ bồi thường dưới 50% doanh thu, chi phí khai thác dưới 20% và chi phí quản lý dưới 30%, để có tỷ lệ chi phí kết hợp (combined ratio) dưới 100% so với doanh thu phí bảo hiểm. Điều này sẽ giúp DN có lãi nghiệp vụ và có thể có lợi nhuận từ hoạt động đầu tư.
Theo quy định của pháp luật, các công ty bảo hiểm được phép đầu tư vốn cổ phần của chủ sở hữu (không bao gồm tiền ký quỹ bắt buộc) và dự trữ nghiệp vụ vào trái phiếu chính phủ, tiền gửi ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu công ty có bảo đảm và không có bảo đảm, góp vốn liên doanh và các khoản vay theo quy định của pháp luật hiện hành. Vì vậy, các công ty bảo hiểm có vốn thặng dư và dự phòng bảo hiểm lớn có thể sử dụng các khoản thu nhập đầu tư của mình để bù đắp cho phần thua lỗ trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Với đặc thù thị trường còn sơ khai, các công ty bảo hiểm ở Việt Nam có thể thu được lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với các nước phát triển. Tuy nhiên, lợi nhuận càng nhiều, rủi ro càng cao. Ví dụ, việc đầu tư quá nhiều vào chứng khoán và bất động sản đã khiến một số công ty bảo hiểm phi nhân thọ lao đao trong thời gian qua. Vì thế, điều quan trọng với DN bảo hiểm là làm thế nào để tối đa hóa lợi nhuận đầu tư, trong khi vẫn bảo đảm an toàn tài sản và tính thanh khoản của hoạt động kinh doanh.