Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, xu hướng đầu tư ra nước ngoài để mở rộng thị trường của các DN Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt khi môi trường kinh doanh trong nước ngày càng chật chội.
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong quý I/2013, các DN Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài 2,65 tỷ USD. Trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, điều này cũng không phải ngoại lệ.
Lào: miền đất hứa
Trong lĩnh vực bảo hiểm, Việt Nam có hai DN tiên phong khai thác thị trường Lào là BIC (từ năm 2008 với Liên doanh LVI giữa BIC cùng Ngân hàng Liên doanh Lào Việt và Ngân hàng Ngoại thương Lào) và PTI (từ năm 2010 với Công ty Bảo hiểm Lane Xang giữa PTI và Ngân hàng Phát triển Lào).
LVI hiện là công ty bảo hiểm đứng thứ 2 thị trường Lào về thị phần và được đánh giá là thương hiệu bảo hiểm được yêu thích nhất tại nước này. Doanh thu bảo hiểm của LVI liên tục tăng trưởng qua các năm. Đặc biệt, 2012 là năm LVI hết lỗ lũy kế, tỷ suất sinh lời trên vốn đạt xấp xỉ 18%, dự kiến bắt đầu chia lợi tức từ năm 2013. Cùng với những thành công ban đầu rất ấn tượng của LVI tại Lào, mới đây, BIC đã trình văn bản xin Bộ Tài chính phê duyệt phương án tăng tỷ lệ sở hữu tại LVI. Theo đó, BIC sẽ nhận chuyển nhượng vốn góp của Ngân hàng Liên doanh Lào Việt (LVB), tương đương 14% vốn điều lệ của LVI để tăng tỷ lệ nắm giữ vốn tại LVI từ 51% lên 65%. Với việc tăng tỷ lệ sở hữu trong LVI, BIC sẽ có thể thực hiện tham vọng chính thức tiếp cận thị trường nước bạn, chủ động khai phá tiềm năng của thị trường này sau 4 năm tham gia quản lý, điều hành.
BIC là DN bảo hiểm Việt Nam đầu tiên đặt chân vào thị trường Lào
Cùng với BIC, PTI cũng cho biết, 2012 là một năm thành công tại Lào của Công ty Bảo hiểm Lane Xang. Hiện nay, Bảo hiểm Lane Xang là DN bảo hiểm có tốc độ tăng trưởng cao nhất tại Lào. Bắt đầu từ năm 2012, với chiến lược kinh doanh của mình, Bảo hiểm Lane Xang đã có bước đột phá về doanh thu cũng như về số lượng đại lý và nhân sự. Cụ thể, doanh thu của Lane Xang tăng gấp 4,3 lần (tăng trưởng 330%) so với năm 2011 và kế hoạch năm 2013, tốc độ tăng trưởng được xác định là 250%. Cùng với đó, số lượng đại lý đã tăng lên gấp 5 lần, nhân viên tăng gấp 2 lần.
Bắt đầu từ năm 2012, Bảo hiểm Lane Xang bước vào giai đoạn 2 của việc hợp tác với 18 chi nhánh trực thuộc Ngân hàng Phát triển Lào và 17 bưu điện tỉnh của Quốc doanh Bưu chính Lào (EPL) trên toàn lãnh thổ Lào để cung cấp các sản phẩm bảo hiểm tài sản, xây dựng, con người đến với người dân nước này.
Theo ông Lại Mạnh Quân, Tổng giám đốc Bảo hiểm Lane Xang, thị trường Lào tuy nhỏ nhưng có nhiều tiềm năng, đặc biệt là mảng bảo hiểm con người và bảo hiểm vật chất xe cơ giới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Lào cao nên sẽ là cơ hội cho các DN bảo hiểm triển khai sản phẩm bảo hiểm công trình xây dựng, tài sản, trách nhiệm… Bên cạnh đó, thị trường bảo hiểm của Lào còn khá xa lạ với với khái niệm “Bancasurance”, nên việc hợp tác với các ngân hàng của các DN bảo hiểm còn bỏ ngỏ. Đây sẽ là cơ hội và cũng là thách thức cho các DN bảo hiểm tiếp cận với các ngân hàng. DN bảo hiểm nào có đủ nhân sự và khả năng triển khai trên hệ thống rộng sẽ có nhiều lợi thế trong việc hợp tác với ngân hàng cung cấp các sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng.
Ông Quân cho biết, năm 2013 sẽ là năm bản lề để Bảo hiểm Lane Xang cất cánh trở thành DN bảo hiểm bán lẻ hàng đầu tại Lào, với số lượng đại lý lên đến 200 người trải dài trên tất cả 17/17 tỉnh của Lào để phục vụ khách hàng tham gia bảo hiểm cũng như giải quyết bồi thường. Trong quý I/2013, Bảo hiểm Lane Xang đã có mức tăng trưởng vượt bậc với tốc độ tăng trưởng 260%…
Thực tế, không chỉ BIC và PTI nhanh chân đến với thị trường Lào. Trước đó, từ tháng 4/2007, cùng với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tổng công ty Bảo hiểm dầu khí Việt Nam (PVI) đã tham gia ĐHCĐ của CTCP Điện Việt – Lào với tư cách là cổ đông sáng lập. Cùng với việc đầu tư này, PVI trở thành đơn vị cung cấp các dịch vụ bảo hiểm cho các công trình thuộc dự án thủy điện tại Lào do CTCP Điện Việt – Lào đầu tư xây dựng và vận hành.
Dù còn một vài khó khăn như hành lang pháp lý chưa đầy đủ, thị trường này cũng đang cạnh tranh quyết liệt, đặc biệt là cạnh tranh phi kỹ thuật…, nhưng theo các chuyên gia, đây là thị trường đầy tiềm năng, nếu nắm vững luật lệ của nước bạn và quản trị tốt rủi ro, các DN bảo hiểm Việt có thể hoàn toàn yên tâm “mang chuông đi đánh xứ người”. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh doanh trong nước cạnh tranh ngày càng khốc liệt thì hướng mở sang thị trường nước bạn như Lào đang trở thành một “xu hướng” đầu tư của các DN Việt Nam.
Campuchia: thị trường mở
Thống kê cho thấy, Việt Nam hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 tại thị trường Campuchia. Đối với lĩnh vực bảo hiểm, có thể coi Công ty Bảo hiểm Cambodia Việt Nam – CVI là công ty bảo hiểm đầu tiên có sự tham gia góp vốn của một ngân hàng Việt (BIDV) và là công ty bảo hiểm thứ 7 hoạt động trên thị trường Campuchia. Hiện CVI đang dẫn đầu thị trường Campuchia trong lĩnh vực bảo hiểm hàng không. Nhận định tiềm năng của thị trường mới nổi này, mới đây, BIC đã có văn bản trình Bộ Tài chính xin cấp phép đầu tư góp vốn vào CVI. Theo đó, BIC sẽ nhận chuyển nhượng khoản góp vốn từ Công ty Đầu tư và Phát triển Campuchia (IDCC) để sở hữu tương đương 65% vốn điều lệ của CVI.
Theo ông Cao Minh Sơn, Tổng giám đốc CVI, Campuchia là một điểm nóng đầu tư vì 3 lý do. Thứ nhất, đồng USD được sử dụng phổ biến ở nước này, cho phép các hãng bảo hiểm chuyển nguồn thu phí về nước mà không phải chuyển đổi. Thứ hai, Campuchia là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và sự góp mặt của các hãng bảo hiểm quốc tế lớn vẫn còn mờ nhạt. Thứ ba, không có sự khống chế về tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong ngành dịch vụ tài chính ở Campuchia, nên sự gia nhập của các công ty nước ngoài vào thị trường này tương đối dễ dàng. Việc đăng ký tham gia hoạt động trong ngành ngân hàng và bảo hiểm được nhập chung trong một giấy phép.
Đặc biệt, khác với nhiều quốc gia Đông Nam Á, ngành bảo hiểm phi nhân thọ của Campuchia phát triển hơn bảo hiểm nhân thọ, nguyên nhân chính là do đa số người dân chưa đủ điều kiện tài chính để mua bảo hiểm nhân thọ. Được biết, không chỉ BIDV, hiện các định chế tài chính khác như Agribank, MB… cũng đã và đang trong quá trình thâm nhập thị trường Campuchia đầy tiềm năng. Chắc chắn lĩnh vực bảo hiểm cũng sẽ là tâm điểm nóng được các nhà đầu tư cân nhắc và đánh giá kỹ lưỡng.
Myanmar: đi tìm cơ hội “vàng”
Tuy nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn do nhiều năm bị cấm vận nhưng với nguồn tài nguyên phong phú, Myanmar đang vươn lên và là thị trường nhiều tiềm năng trong hợp tác kinh tế, thương mại với các nước. Nhiều DN Việt Nam đã nhanh chân đón đầu cơ hội đầu tư vào thị trường này như BIDV, Petro Vietnam, Hoàng Anh Gia Lai, Simco Sông Đà, Viglacera, Vina Capital, ASV Pharma, Vietnam Airlines, Viettel… Cơ hội “vàng” ở Myanmar mà người ta vẫn nói đến đó là 90% hàng công nghiệp phải nhập khẩu, nhiều lĩnh vực quan trọng như dịch vụ, y tế, tài chính… còn đang bỏ ngỏ.
Trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, hiện BIDV đã mở văn phòng đại diện tại đường Pyay Road tại Yangon, thành phố lớn nhất của Myanmar vào năm 2011. Theo các chuyên gia tài chính, văn phòng này sẽ là cầu nối, đầu mối trong việc xúc tiến quan hệ, nghiên cứu, tìm hiểu thông tin về thị trường Myanmar để BIDV có cơ sở quyết định đầu tư chính thức các hoạt động kinh doanh tại đây, trong đó có cả hoạt động kinh doanh bảo hiểm của công ty con BIC.
Ông Phạm Quang Tùng, Chủ tịch HĐQT BIC từng chia sẻ với phóng viên ĐTCK, Myanmar là thị trường lớn, tiềm năng, nhưng việc đầu tư kinh doanh bảo hiểm trực tiếp vào thị trường này trong giai đoạn hiện nay đang gặp một số trở ngại về pháp lý. Vì vậy, BIC mới đang trong giai đoạn tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội đầu tư và tất nhiên sẽ có quyết định vào thời điểm phù hợp. Được biết, hiện BIDV đang đề nghị được mở ngân hàng 100% vốn hoặc liên doanh tại Myanmar ngay khi Chính phủ nước này mở cửa ngành ngân hàng.
Khi thị trường trong nước đang gánh chịu hậu quả của suy thoái kinh tế, tăng trưởng của ngành bảo hiểm có xu hướng chững lại, thì đây lại là thời điểm phù hợp để các DN bảo hiểm Việt tiến ra thế giới. Với các bước đi chắc chắn, thuyết phục ở Lào, Campuchia, thì các điểm đến tiếp theo như Myanmar hay thậm chí là xa hơn nữa sẽ là những thử thách thú vị đối với các DN bảo hiểm Việt.