Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Quyền lợi, sức khỏe người dân là trên hết (31/12/2014)

Năm 2014 trôi qua với nhiều dấu ấn để lại cho ngành Y tế. Trong những thời khắc cuối cùng của năm 2014, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có cuộc trò chuyện với Báo Đại Đoàn Kết.
 
 
Khám chữa bệnh tại Bệnh viện Nhi Trung ương
Ảnh: Hoàng Long
 
PV: Thưa Bộ trưởng, năm 2014 qua đi để lại cho bà điều gì ấn tượng nhất?
 
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Trước hết, đó là sự ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Lần sửa đổi này có nhiều điểm mới. Luật quy định bắt buộc mọi người phải tham gia BHYT. Mỗi công dân cần xác định nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc tham gia và góp phần đẩy nhanh lộ trình BHYT toàn dân. Phương thức đóng BHYT theo hộ gia đình được giảm mức đóng BHYT theo số thành viên tham gia. Nhưng điều quan trọng nhất trong lần sửa đổi này là chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh (KCB) của những người thuộc diện chính sách (người thuộc diện ưu tiên, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, người nghèo…) tham gia BHYT, trong đó chi không giới hạn thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật đối với một số đối tượng đặc biệt ưu tiên. Chi phí 100% KCB cho đối tượng đóng bảo hiểm 5 năm trở lên.
 
Thứ hai, là việc thành lập đường dây điện thoại nóng số: 0973 306 306 của ngành y tế, mà nhờ đó Bộ cũng như các địa phương nhận được các thông tin phản hồi của bệnh nhân. Thông qua đường dây nóng, ngành y tế, tiếp tục chấn chỉnh tinh thần, thái độ phục vụ của thầy thuốc, nhân viên y tế, kịp thời giải quyết những tình huống cấp cứu khẩn cấp, bảo đảm chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Đồng thời, qua đường dây nóng đã kịp thời động viên, khuyến khích, khen thưởng các y bác sĩ có nhiều thành tích, tận tâm phục vụ người bệnh. Cho đến nay, đã có khoảng 1.200 bệnh viện, cơ sở y tế triển khai đồng bộ sử dụng số điện thoại đường dây nóng theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Qua phản ánh của người dân, đã xử lý kỷ luật 130 cán bộ, viên chức theo các hình thức cách chức, cảnh cáo, khiển trách, chuyển công tác…
 
Thứ ba, là việc cải tiến quy trình khám, chữa bệnh, cải cách thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng của ngành y tế nhằm giảm thời gian chờ đợi, nâng cao sự hài lòng của người dân khi đến khám và điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Năm qua, các cơ sở khám chữa bệnh đã thực hiện theo phương châm “Rút ngắn thời gian chờ đợi; Giảm bớt các thủ tục không cần thiết; Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; Tạo sự hài lòng cho người bệnh”. Qua báo cáo của các bệnh viện, trung bình khoảng 50 phút/lượt khám chữa bệnh, chất lượng khám chữa bệnh từng bước được cải thiện, có nhiều chuyển biến tích cực.
 
Tại kỳ họp lần thứ 8, Quốc hội khóa XIII, có ĐBQH và nhiều cử tri cho rằng cần công bằng hơn đối với Bộ trưởng Y tế sau lần lấy phiếu tín nhiệm vừa qua đối với 50 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Bà nghĩ sao về nhận định này?
 
– Theo tôi, đó là do ĐBQH muốn nhắc nhở ngành Y tế cần nỗ lực phấn đấu hơn nữa để khắc phục những tồn tại, bất cập, khó khăn mang tính lịch sử của ngành Y, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân. Tôi chỉ tâm niệm một điều rằng, ở cương vị đứng đầu ngành Y tế mình phải làm việc hết mình, đặt quyền lợi của người dân lên trên hết. Không chỉ có vậy, tôi nghĩ mình còn phải kêu gọi cộng đồng cùng chung tay giải quyết những bất cập mà ngành Y tế đang gặp phải. Một mình ngành Y tế không thể giải quyết được, mà cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị bao gồm các cấp uỷ, chính quyền đã được phân quyền quản lý theo luật định hiện hành.
 
Ngành Y là ngành “làm dâu trăm họ”, liên quan đến sức khỏe và tính mạng của người dân. Hiện nay, có gần nửa triệu cán bộ y tế hàng ngày phải tiếp xúc với người bệnh, song cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người bệnh. Mặt khác, đại bộ phận cán bộ y tế tận tâm, tận lực với người bệnh nhưng vẫn có “những con sâu” và nằm rải rác trong hệ thống nhiều năm nay, khiến ngành có ấn tượng không tốt với người dân. Mặc dù, Bộ Y tế đã có những chỉ thị, quy định rất tích cực nhưng do sức ỳ lớn nên chưa có sự thay đổi ngay được, nên người dân không được hài lòng cho lắm. Nghị quyết 46/NQ-BCT ngày 23-2-2005 đã xác định rõ “bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là bổn phận của mỗi người dân, mỗi gia đình và cộng đồng, là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức xã hội, trong đó ngành Y tế giữ vai trò nòng cốt về chuyên môn và kỹ thuật…”.
 
Trong năm 2014, 60 trẻ em bị tiêm chủng nhầm nước cất thay cho vắc xin ở Đồng Tháp. Vẫn còn đâu đó những ca sản, ca nhi ở các cơ sở y tế địa phương bị tử vong do người thầy thuốc tắc trách. Và, không ít người dân chỉ biết hướng những ánh nhìn tức giận về phía bà, người Tư lệnh ngành. Quan điểm của bà về vấn đề này?
 
– Tai biến y khoa là điều không thể tránh khỏi, ngay cả những nước có nền y học tiên tiến như Mỹ, Nhật, châu Âu thì tỷ lệ tai biến và tử vong do sai sót y khoa vẫn đứng đầu. Ở Việt Nam, rủi ro nghề nghiệp cũng không ngoại trừ. Cũng giống như các bộ ngành khác,  Bộ Y tế ban hành các chủ trương, chính sách, quy chế chuyên môn trong khi việc quản lý cụ thể về con người, cơ sở vật chất y tế ở cơ sở thì do chính quyền địa phương quản lý. Mặt khác, trong khi tai biến y khoa thường nằm ngoài yếu tố khách quan, bất khả kháng thì chủ quan lại do cán bộ y tế trực tiếp làm thủ thuật đó gây ra. Tôi không có quyền điều động hay kỷ luật ai ngoài tầm với của bộ do mình quản lý. Nói vậy không có nghĩa là tôi muốn đổ vấy trách nhiệm cho ai hoặc “ôm” thêm quyền, thêm việc mà chỉ muốn mọi người hãy thông cảm, chia sẻ tính đặc thù của ngành Y tế khi thực hiện các kỹ thuật y khoa trên cơ thể con người.
 
Trên thực tế, đến nay tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến Trung ương tuy được cải thiện ít nhiều nhưng vẫn còn khá nhức nhối. Bà có thể lý giải điều này?
 
– Việc này cần giải pháp tổng thể, vì quá tải do nhiều nguyên nhân: Số giường bệnh trên đầu người dân quá thấp, cơ sở vật chất, phương tiện hành nghề còn lạc hậu, chưa thu hút được nhân lực tại những vùng khó khăn, cán bộ y tế có năng lực vẫn tập trung tại các thành phố, đô thị lớn… Quan trọng là y tế các cấp phải được nâng tầm về chất lượng và hiệu quả hoạt động. Đã có cơ chế về mặt tài chính thông qua việc Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, vấn đề quyết định lại là con người, là nguồn nhân lực. Làm sao để các bác sĩ có thể yên tâm, phấn khởi đi về các nơi, kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn công tác. Cũng như làm sao để huy động tổng lực các thành phần trong xã hội cùng chung tay làm y tế? Chỉ khi đó chúng ta mới giảm tải được một cách thực sự, lâu dài…
 
Khi vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường xảy ra có nhiều bác sĩ nói với chúng tôi rằng, có nhiều việc họ làm được rất hữu ích cho xã hội nhưng chẳng được báo chí “quan tâm” nhiều như vụ này. Bà nghĩ sao về câu nói này?
 
– Thực sự là ngành Y chúng tôi đã làm được rất nhiều việc có ích cho xã hội. Chúng tôi làm một cách thầm lặng, không ồn ào, khoa trương. Báo chí cũng luôn đồng hành với chúng tôi ở mọi lúc, mọi nơi. Bản thân tôi nhiều khi cũng thấy ngậm ngùi huống chi các đồng nghiệp của tôi đang ngày đêm trực bên giường bệnh nhân. Có chút nào giống như sự tổn thương của lòng tự trọng dâng lên trong chúng tôi khi đó. Chúng tôi mong muốn dư luận cũng nên có góc nhìn công bằng hơn nữa với ngành Y tế…
 
Tại nhiều diễn đàn kể cả trong nước và quốc tế, Bộ trưởng thường xuất hiện với bộ đồ áo dài duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam và nhiều người cho rằng, dường như nhờ đó mà hình ảnh của bà được tôn lên rất nhiều. Phải chăng có một gạch nối giữa tà áo dài này với tà áo dài blu trắng của người thầy thuốc, thưa bà?
 
– Là phụ nữ ai cũng thích làm đẹp. Là người Việt Nam, tôi luôn kiêu hãnh và tự hào về tà áo dài duyên dáng của dân tộc ta, một nữ phục mà theo tôi, bất kỳ người con gái nào mặc lên người đều rất đẹp. Chẳng biết tự bao giờ, ngành Y chúng tôi cũng được khoác lên một tấm áo dài trắng muốt như vậy. Vâng! Nó cũng rất đẹp – cái đẹp mang tính bổn phận, sứ mệnh chữa bệnh cứu người vô điều kiện của những người thầy thuốc. Với tôi, hai loại tà áo này luôn có sự gạch nối, sự gạch nối rất nhân văn.
 
Một năm mới nữa đang về. Bà có điều ước gì?
 
– Tôi ước tất cả mọi người đều khoẻ mạnh. Tất cả trẻ em đều được quan tâm, chăm sóc một cách khoa học, chu đáo. Và, chúng ta hãy yêu thương nhau nhiều hơn khi còn có thể.
 
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Bảo Hiểm Bảo Việt (theo daidoanket.vn)

 

 

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.