(Chinhphu.vn) – Theo Thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp, trong tháng 11/2014, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 18 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 14 Nghị định của Chính phủ và 4 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Nghị định gồm 4 chương, 38 điều, quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
* Ngày 11/11/2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 103/2014/NĐ-CP. Nghị định gồm 6 điều quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.
Nghị định áp dụng đối với: 1- Doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam không đăng ký lại hoặc chưa chuyển đổi theo quy định tại Điểm a Khoản 2 và Khoản 3 Điều 170 của Luật Doanh nghiệp); 2- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động; 3- Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này).
* Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Nghị định gồm 4 chương, 14 điều, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, cụ thể về: Đối tượng, mức đóng, mức hỗ trợ và nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế; mức hưởng bảo hiểm y tế và phương thức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế và các điều khoản thi hành.
* Ngày 17/11/2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 107/2014/NĐ-CPsửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, cụ thể:
– Giảm thời gian tước Giấy phép lái xe từ 2 tháng xuống còn 1 tháng đối với hành vi vi phạm chở quá tải từ trên 40% đến 60%;
– Bổ sung mức phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trên 100% (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) đồng thời tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 3 tháng.
– Điều chỉnh mức xử phạt đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi xếp hàng hóa lên xe ô tô vượt quá trọng tải; điều chỉnh tăng mức xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ.
– Bổ sung quy định buộc phải điều chỉnh thùng xe nếu người điều khiển phương tiện đồng thời là chủ phương tiện tái phạm chở quá tải trọng cho phép.
* Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế được ban hành vào ngày 20/11/2014 để triển khai “Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức” nhằm góp phần vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ phục vụ nhân dân.
Nghị định quy định cụ thể về nguyên tắc tinh giản biên chế; nguyên tắc tinh giản biên chế; quản lý và sử dụng số biên chế đã thực hiện tinh giản; các trường hợp tinh giản biên chế; các trường hợp chưa xem xét tinh giản biên chế; chính sách tinh giản biên chế; trình tự, thời hạn giải quyết tinh giản biên chế; trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện tinh giản biên chế.
* Nghị định số 110/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa, gồm kinh doanh vận tải hành khách và kinh doanh vận tải hàng hóa.
Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải đường thủy nội địa bằng phương tiện thủy nội địa. Nghị định không áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải hành khách đường thủy nội địa trong các khu du lịch khép kín.
Theo Nghị định, các hình thức kinh doanh vận tải đường thủy nội địa bao gồm: Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định; Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng chuyến; Kinh doanh vận chuyển khách du lịch; Kinh doanh vận tải hành khách ngang sông; Kinh doanh vận tải hàng hóa.
* Quyết định số 64/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành vào ngày 18/11/2014 để khắc phục những tồn tại trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án thuỷ lợi, thuỷ điện, đặc biệt là một số tồn tại mang tính chất đặc thù về di dân, tái định cư các dự án thuỷ lợi, thuỷ điện, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, các chủ đầu tư trong quá trình thực hiện chính sách di dân, tái định cư; giúp người dân sớm ổn định cuộc sống và sản xuất bền vững lâu dài tại nơi ở mới.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo chinhphu.vn)