Một người chồng là kỹ sư làm việc cho công ty nước ngoài, một sĩ quan quân đội và một người làm giám đốc công ty tư nhân khi được hỏi đều tán thành với điều khoản thai sản cho lao động nam trong Luật bảo hiểm Xã hội mới có hiệu lực từ 1/1/2016.
Một trong những nội dung mới trong Luật Bảo hiểm Xã hội vừa được Quốc hội thông qua là chế độ thai sản đối với lao động nam khi có vợ sinh con. Theo đó, nếu người vợ sinh con, chồng sẽ được cơ quan cho nghỉ việc để chăm sóc và vẫn hưởng lương theo chế độ thai sản. Cụ thể, chồng được nghỉ 5 ngày làm việc trong trường hợp vợ sinh thường, 7 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi. Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh 3 trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày; trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì người chồng được nghỉ 14 ngày làm việc.
Nhiều người vẫn băn khoăn lo ngại với điều khoản mới này, việc thực hiện liệu có những khó khăn như: thu nhập của người chồng nghỉ thai sản giảm đi, chồng bị công ty gây áp lực không cho nghỉ đủ số ngày…dẫn đến quyền lợi thai sản dành cho lao động nam không được thực hiện đầy đủ.
Chúng tôi đã phỏng vấn một người là kỹ sư làm việc cho công ty nước ngoài, hai vợ chồng (chồng công tác trong quân đội), một người làm giám đốc công ty tư nhân về cách họ sẽ ứng xử với điều khoản rất mới này. Cuộc phỏng vấn bao gồm 3 câu hỏi:
– Anh có tán thành với số lượng ngày nghỉ từ 5 – 14 ngày tùy trường hợp?
– Thu nhập bị giảm anh thấy có công bằng không, anh có nghỉ nếu thu nhập bị giảm không?
– Nếu công ty gây áp lực không cho anh nghỉ chăm sóc vợ đúng số ngày quy định, anh sẽ làm thế nào?
Anh Phạm Văn Cường, Kỹ sư cơ khí (30 tuổi): Công ty không cho nghỉ đúng số ngày thì cũng phải chấp nhận
– Tôi rất tán thành với điều khoản mới này của Luật Bảo hiểm Xã hội. So với Luật cũ là không được nghỉ thì với luật mới này, tôi có điều kiện về thời gian để gần gũi và chăm sóc vợ con nhiều hơn, nhất là trong lúc sinh đẻ, sức khỏe yếu ớt, vợ con cần mình chăm sóc nhiều nhất. Trường hợp vợ tôi, cháu đầu sinh mổ nên cháu thứ 2 nhiều khả năng là sinh mổ tiếp nên sẽ được nghỉ 1 tuần. Tôi thấy nghỉ 1 tuần về cơ bản là đủ. Vì nếu nghỉ nhiều hơn, chẳng hạn như nửa tháng thì khi quay trở lại, công việc trong công ty nước ngoài như công ty tôi sẽ bị tồn đọng rất nhiều. 1 tuần là đủ để tôi thu xếp và cân đối giữa công việc với việc chăm sóc cho vợ và con lúc sinh đẻ.
Anh Phạm Văn Cường, Kỹ sư cơ khí (30 tuổi), đang làm việc cho một công ty nước ngoài.
Dĩ nhiên là chẳng ai yên tâm nghỉ nếu không có lương rồi nhưng nếu có lương cơ bản thì được. Mặc dù thu nhập giảm đi nhưng vì trong ngày nghỉ đấy tôi không đi làm nên không có phụ cấp và các thu nhập khác mà chỉ tính lương cơ bản là hoàn toàn đúng.
Tôi cũng nghi ngại rằng công ty sẽ gây áp lực, không cho tôi nghỉ đủ số ngày quy định. Trong trường hợp này, tôi cũng không thể làm gì cả. Bây giờ tìm việc cũng rất khó, ảnh hưởng đến cuộc sống của mình nên nếu nghỉ phép vợ đẻ mà làm ảnh hưởng đến công việc và mối quan hệ với cấp trên thì chắc là không được rồi. Tôi sẽ vẫn nghỉ nhưng chỉ nghỉ như công ty cho phép.
Vợ chồng anh Đặng Xuân Trường (chồng công tác trong quân đội): Được nghỉ thêm 7 ngày đối với quân nhân xa nhà là rất quý
Chúng tôi rất tán thành. Anh Trường cho hay, riêng đối với quân đội có thể được gộp thành phép năm nhưng nếu được nghỉ thì tôi sẽ nghỉ luôn để chăm sóc vợ con chứ không cắt thành phép năm vì nghỉ sau thì còn ý nghĩa gì nữa, phải cố gắng có mặt lúc vợ sinh để chăm sóc vợ con. Được nghỉ 5 – 14 ngày (trường hợp vợ tôi sinh mổ 7 ngày) là được rồi. Tôi ở xa quen rồi nên 7 ngày là quý lắm. Bọn tôi đi xa suốt, những ngày đấy đã về thì tôi sẽ tập trung chăm sóc vợ con để cảm thấy yên tâm hơn. Tôi cũng như bất cứ ông chồng nào, đều muốn thế.
Chị Vũ Mai Hương, vợ anh Trường rất vui mừng và tán thành điều khoản mới của Luật Bảo hiểm Xã hội
Với đặc thù anh Trường làm việc trong quân đội nên hai vợ chồng anh không lo chuyện thu nhập bị giảm và cũng không lo về áp lực cơ quan không cho anh Trường nghỉ như công ty tư nhân. Trường hợp đúng vào thời gian phải làm nhiệm vụ đặc biệt không thể về được, anh Trường và vợ cho hay, sẽ chấp hành theo đúng chỉ đạo của cơ quan và cấp trên.
Trần Việt Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại và Xây dựng Hoàng Minh: Thu nhập giảm không thành vấn đề
– Tôi rất tán thành vì tôi có điều kiện chăm sóc vợ con hơn, có nhiều lợi ích hơn so với việc trước đây Luật không có điều khoản này.
Thực tế với công việc ở công ty tôi, nếu nghỉ bằng đó ngày thì thu nhập của tôi dự tính sẽ bị giảm nhưng đối với tôi không vấn đề gì, tôi sẽ vẫn nghỉ. Vợ mình sinh có mấy lần đâu, mà đây là lúc vợ yếu đuối nhất cả về thể xác và tinh thần, con thì vừa sinh, rất cần có tôi chăm sóc.
Tôi cũng lo điều này. Ở công ty tôi thì cấp trên nữa không gây áp lực về chuyện nghỉ đúng số ngày nhưng nếu vợ sinh đúng thời kỳ tôi có lịch đi công tác hoặc công việc đột xuất phải đi xa thì tôi cũng phải xem xét tình hình để cân đối. Tùy vào công việc và tình huống lúc đó, tôi sẽ đề nghị người khác đi thay. Nói chung tôi sẽ tìm các phương án khác để giải quyết công việc để cố gắng bên cạnh chăm sóc lúc vợ sinh. Trường hợp bất khả kháng không tìm ra phương án nào thì tôi sẽ cân đối giữa công việc và việc nghỉ chăm sóc vợ sao cho chu toàn nhất.
Anh P.V.C, 30 tuổi, hiện đang sống tại Quảng Ninh, làm việc trong Tập đoàn Xây dựng Huyndai E&C (Hàn Quốc) cho hay, công ty anh rất ủng hộ chế độ thai sản cho lao động nam. Anh P.V.C nói: “Hồi vợ tôi sinh cháu vào năm ngoái, tôi được công ty cho nghỉ 2 ngày để chăm vợ, công ty không tính vào ngày nghỉ phép. Khi đó, chưa có Luật Bảo hiểm Xã hội mới, chính sách đối với lao động của Việt Nam cũng chưa hề áp dụng chế độ này nhưng công ty tôi đã áp dụng. Hiện Luật Bảo hiểm Xã hội mới chưa có hiệu lực nhưng với tinh thần như trên thì tôi nghĩ công ty cũng sẽ ủng hộ điều khoản này”. |
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo khampha.vn)