Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng khung giá tính đủ chi phí các dịch vụ y tế. Trước khi có khung giá cuối cùng, khung giá dịch vụ y tế thống nhất theo hạng bệnh viện sẽ được ban hành toàn quốc.
Có 5 mức giá theo 5 hạng bệnh viện: hạng đặc biệt, hạng I, II, III và IV. Mức giá này không vượt quá khung giá đã được liên bộ Y tế – Tài chính ban hành trước đó; vẫn chỉ tính 3/7 yếu tố chi phí trực tiếp là: thuốc, máu, dịch truyền, vật tư; điện, nước và phí duy tu, bảo dưỡng tài sản; ngoài ra tính thêm chi phí phụ cấp trực vào giá giường; phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật vào giá các phẫu thuật, thủ thuật.
Dự kiến, giá giường sẽ tăng 10.000-20.000 đồng/ngày theo hạng bệnh viện. Giá các ca phẫu thuật đặc biệt (ghép tạng, mổ tim…) sẽ tăng tối đa 1.520.000 đồng/ca; phẫu luật loại I tăng tối đa 660.000 đồng/ca; loại II là 340.000 đồng/ca. Chi phí cho các thủ thuật cũng tính thêm từ 28.500 đến 300.000 đồng/ca.
Khi đã tính đủ giá dịch vụ y tế, giá bệnh viện công và tư sẽ tương đương nhau. Ảnh:N.Phương. |
Theo ông Nam Liên, giá dịch vụ y tế không đơn thuần để người dân chi trả chi phí cho bệnh viện, mà còn là cơ sở để Bảo hiểm xã hội thanh toán cho bệnh viện. Nó không như giá các hàng hóa, dịch vụ khác mà còn là quyền lợi của người dân được hưởng khi tham gia bảo hiểm y tế (BHYT).
Việc điều chỉnh này giúp người bệnh được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng tốt hơn. Người có thẻ BHYT được lợi vì quỹ thanh toán với mức cao hơn; giảm bớt sự đóng góp thêm của người bệnh đối với các dịch vụ mà trước đây mức giá thấp, BHYT không thanh toán đủ các chi phí. Bệnh viện cũng có điều kiện triển khai nhiều dịch vụ kỹ thuật mà trước đây không làm, nhất là kỹ thuật mới, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính cho biết.
Đối với người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, nhà nước đã bảo đảm ngân sách để mua thẻ BHYT.
Ngoài ra, từ 1/1/2015, người dân sinh sống ở các xã đảo, huyện đảo cũng được Nhà nước mua thẻ BHYT. Người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn sẽ được Quỹ BHYT thanh toán 100%, không phải đồng chi trả (trước đồng chi trả 5%); người cận nghèo được thanh toán 95%, chỉ phải đồng chi trả 5% (trước đồng chi trả 20%).
“Có thể khẳng định, về cơ bản điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình không ảnh hưởng nhiều đến người nghèo, người cận nghèo vì đã có BHYT chi trả toàn bộ hoặc phần lớn. Giá bệnh viện công và tư sẽ tương đương”, ông Nam Liên cho biết.
Song song với việc điều chỉnh giá, Bộ Y tế cũng đã tăng cường chỉ đạo các bệnh viện cải cách thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh; thực hiện tốt quy tắc ứng xử để giảm phiền hà cho người bệnh, tăng cường giáo dục y đức, đồng thời sửa đổi phân hạng bệnh viện trên nguyên tắc hạng bệnh viện gắn với chất lượng, trình độ chuyên môn. Bệnh viện nào không nâng cao được chất lượng sẽ bị tụt hạng…
Thực tế cho thấy, lần điều chỉnh giá gần đây nhất (tháng 8/2012) chỉ tính 3/7 yếu tố nhưng nhiều bệnh viện đã thực hiện đúng quy định sử dụng 15% tiền khám bệnh, ngày giường để mua thêm giường, ghế, cải tạo, sửa chữa phòng khám khang trang hơn.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo vnexpress.net)