Sau hơn 4 tháng có hiệu lực, có thể khẳng định Thông tư liên tịch số 86/2014/TTLT-BTC-NHNNVN (TT 86) của Bộ Tài chính và NHNN hướng dẫn hoạt động đại lý bảo hiểm của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là một trong những văn bản pháp lý đã có hiệu quả tích cực.
Ghi nhận từ thực tế cho thấy, trước khi có TT 86, tại Việt Nam, Công ty Bảo hiểm Bảo Việt đã tiên phong trong lĩnh vực bancassurance bằng hoạt động hợp tác với các ngân hàng uy tín như HSBC, Techcombank, Maritime Bank…Điểm then chốt làm nên hiệu quả lớn của TT 86 chính là ở chỗ văn bản này ra đời trong bối cảnh hoạt động phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) đã bắt đầu phát triển mạnh tại Việt Nam như một xu hướng tất yếu. Việc ra đời TT 86 được các TCTD và các DN ngành bảo hiểm nhân thọ trông đợi như một chỗ dựa pháp lý để tránh khỏi tình trạng “vừa làm vừa nghe ngóng”.
Những hợp tác của Bảo Việt mới chỉ dựa trên các quy định chung tại Luật Kinh doanh bảo hiểm mà chưa có các quy định riêng dành cho lĩnh vực hợp tác kinh doanh này. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2011-2013, doanh thu từ bancassurance của Bảo Việt vẫn liên tục tăng trưởng ở mức 28%, đạt mức 180 tỷ đồng vào cuối 2013.
Tiếp nối Bảo Việt, nhiều DN bảo hiểm nhân thọ khác như Prudential, Manulife, Prevoir, Dai-ichi Life Việt Nam, ACE Life, AIA Việt Nam… cũng đã vào cuộc và ký kết hợp tác với các ngân hàng khác nhau. Từ việc chỉ ký kết hợp tác mang tính chất truyền thông và “đánh bóng” thương hiệu, thời gian gần đây, hoạt động bancassurance đã đi vào chiều sâu và thực chất bằng việc hình thành các DN bảo hiểm là các công ty con trực thuộc các ngân hàng và phân phối sản phẩm bảo hiểm qua các ngân hàng như BIC-BIDV, VCLI-Vietcombank, Bảo Ngân, AVIVA-VietinBank, ABIC-Agribank.
Những thống kê cho thấy, đến thời điểm cuối 2013, tại Việt Nam có khoảng 16 DN bảo hiểm nhân thọ lớn thì 11 DN đã triển khai hợp tác với khoảng 30 ngân hàng phân phối đa dạng các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.
Hiện tại, hoạt động bancassurance cũng đã phát triển mạnh sang cả lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ. Do sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ thường đơn giản, dễ bán và được các ngân hàng ưa chuộng nên tốc độ phát triển khá nhanh, hầu hết các ngân hàng lớn trong nước đều đã có hợp tác trong lĩnh vực này với các DN bảo hiểm.
Những phản ánh từ phía DN bảo hiểm đều cho thấy rằng, do có sự chuẩn bị từ trước với việc nghiên cứu các quy định về bancassurance tại các thị trường phát triển trong khu vực như Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Indonesia, nên khi TT 86 có hiệu lực, việc triển khai kênh bán bảo hiểm không gặp trở ngại gì nhiều. Về cơ bản những quy định tại TT 86 được đánh giá là đáp ứng được hầu hết các kỳ vọng của các TCTD và các DN bảo hiểm.
Theo đó, những quy định về: điều kiện thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, nguyên tắc hoạt động của đại lý, chi phí hoa hồng, quy chế đào tạo nhân viên ngân hàng tham gia hoạt động kinh doanh bảo hiểm… được TT 86 quy định rất chặt chẽ, thống nhất.
Tính đến nay, mặc dù đã triển khai được hơn 4 tháng nhưng các quy định tại TT 86 chưa gây ra bất cập nào ngoài việc một số DN bảo hiểm cho rằng quy định bắt buộc nhân viên thu phí bảo hiểm cũng phải được đào tạo là không cần thiết vì xét về bản chất, người thu phí chỉ đóng vai trò hỗ trợ, chứ không trực tiếp tham gia bán bảo hiểm, nên không cần đào tạo.
Tuy nhiên, việc quy định chặt chẽ về đào tạo nhân viên ngân hàng khi tham gia tất cả các khâu của hoạt động bancassurance, xét đến cùng, sẽ tạo ra tiền lệ tốt ở mảng dịch vụ này. Bởi tiềm năng phát triển của thị trường bancassurance tại Việt Nam vẫn còn rất lớn.
Hiện, doanh thu kênh bancassurance mới chỉ chiếm 2% tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường nhân thọ. Do vậy, cần có những khuôn khổ pháp lý chặt chẽ, tạo ra tính chuyên nghiệp nhằm thúc đẩy hoạt động này như một hoạt động bán lẻ, góp phần đa dạng hóa và tăng nguồn thu cho các ngân hàng.
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo thoibaonganhang.vn)