(HQ Online)- Hiện nay, một số đơn vị có sử dụng lao động đối với các công việc đơn giản theo hình thức hợp đồng khoán việc.
Tuy nhiên, việc sử dụng lao động theo hình thức này tại một số đơn vị chưa thống nhất ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động, thậm chí trái với các quy định của Bộ Luật lao động và Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành về hình thức hợp động và cũng như tham gia các chế độ chính sách cho người lao động. Cá biệt có một số đơn vị nhà nước vẫn sử dụng lao động theo các hình thức như vậy.
Một số đơn vị sử dụng lao động ký hợp đồng với người lao động theo hình thức khoán việc cứ mỗi 3 tháng/hợp đồng, rồi ký lại theo chu kỳ 3 tháng/lần, có trường hợp người lao động đã làm công việc đó tại đơn vị sử dụng lao động đến 4 hoặc 5 năm mà vẫn ký hợp đồng theo hình thức 3 tháng rồi ký lại như vậy và người lao động không được đóng bất kỳ khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… nào.
Liệu hình thức sử dụng lao động như trên tại một số đơn vị nhà nước nói riêng cũng như các đơn vị sử dụng lao động nói chung có đúng với quy định của pháp luật lao động và pháp luật bảo hiểm xã hội, quyền lợi của người lao động được bảo đảm theo đúng quy định chưa?
Theo Điều 22 Bộ Luật lao động năm 2012 quy định về các loại hợp đồng lao động:
“1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:
a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.
b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn;
Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.
c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
2. Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng.
Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
3. Không được giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp phải tạm thời thay thế người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác.”
Theo quy định dẫn chiếu trên đây thì người sử dụng lao động nếu có nhu cầu sử dụng lao động trong thời gian dài thì bắt buộc phải ký hợp đồng lao động theo loại hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Đồng thời với hình thức hợp đồng lao động không xác định thời hạn được xác định như trên thì người sử dụng lao động và người lao động phải có nghĩa vụ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo điểm a khoản 1 Điều 2 cho người lao động và các quy định liên quan của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, mức tham gia cụ thể thực hiện theo Điều 91, 92 của Luật này. Ở đây, người viết không đề cập đến vấn đề tiền lương, mức lương mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động mà chỉ để cập đến thời hạn của hợp đồng lao động và cách thực hiện hợp đồng khoán việc tại một số đơn vị.
Vậy, liệu việc sử dụng lao động đối với các công việc giản đơn tại một số đơn vị sử dụng lao động mà cá biệt có một số đơn vị, cơ quan nhà nước như hiện nay đã thống nhất, đúng quy định chưa, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động hay chưa? Và để thực hiện đảm bảo quyền lợi của người lao động cũng như để thực hiện thống nhất việc sử dụng lao động theo các quy định của pháp luật thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần rà soát, hướng dẫn và thực hiện thống nhất, đúng quy định./.