(HQ Online)- Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về vấn đề làm thế nào để người dân mua bảo hiểm tai nạn lao động, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, khả năng thực hiện sẽ khó nhưng khi Luật An toàn vệ sinh lao động (hiện đang được QH cho ý kiến) được ban hành sẽ là cơ sở để cơ quan chức năng làm tốt công tác tuyên truyền.
Thưa bộ trưởng, những vướng mắc nào hiện nay khiến người dân ít tham gia mua bảo hiểm tai nạn lao động?
Từ trước tới nay mình chưa quy định bắt buộc, mà chỉ quy định những người có quan hệ lao động (khoảng 34% lao động) phải tham gia, nên số lượng người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động còn hạn chế.
Nhưng giờ chúng ta mới mở ra, đương nhiên hướng mở ra là tốt, nhưng không quá kỳ vọng trong thời gian đầu mở ra sẽ thu hút được nhiều người tham gia vì đây là quy định mới (Điều 60 dự thảo Luật đưa ra một số quy định về quản lý Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động giao Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; mức đóng và chế độ hưởng đối với người lao động không có quan hệ lao động tự nguyện tham gia Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo điều kiện kinh tế – xã hội cụ thể từng giai đoạn…- PV).
Ngoài ra, quản lý quỹ cũng không dễ vì Bảo hiểm Xã hội Việt Nam quản lý quỹ này, do đó, mức đóng, hỗ trợ như vậy thì mức hưởng ra sao… cần được quy định cụ thể.
Khả năng để nhiều người dân mua bảo hiểm tai nạn lao động sẽ khó, tuy nhiên khi luật được ban hành sẽ là cơ sở để cơ quan chức năng làm tốt công tác tuyên truyền.
Tôi tin là một bộ phận người dân, những nơi hay xảy ra tai nạn và có điều kiện thì họ sẽ tham gia. Bảo hiểm tai nạn lao động tương tự bảo hiểm y tế tự nguyện, do đó, Chính phủ cần quy định rõ đối tượng và phải tuyên truyền rộng thì một số người dân sẽ tham gia bảo hiểm tai nạn lao động.
Bảo hiểm tai nạn lao động hoàn toàn mới ở Việt Nam nhưng ở các nước thì không còn mới nữa. Vậy chúng ta học hỏi kinh nghiệm về vấn đề này từ các nước như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Khi tham vấn tại các nước, tỷ lệ người có quan hệ lao động tới 80-90%, Luật Bảo hiểm của họ bao phủ gần hết đối tượng lao động bởi tỷ lệ không có quan hệ lao động rất ít. Ngoài ra họ cũng có quy định với đối tượng không có quan hệ lao động nhưng tất nhiên mỗi nước khác nhau thì điều kiện áp dụng sẽ khác nhau.
Vậy với đối tượng không có quan hệ lao động thì chính sách đóng và hưởng bảo hiểm tai nạn lao động của Việt Nam sẽ như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Vấn đề này khi được ban hành sẽ giống như bảo hiểm y tế, người lao động đóng 1% thì Nhà nước sẽ hỗ trợ bao nhiêu nữa để có Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện và mức chi như thế nào trong quỹ này để quỹ phải tự cân đối được.
Vì còn nhiều ý kiến khác nhau nên QH sẽ thảo luận, trên cơ sở đó Chính phủ sẽ chuẩn bị phương án và hướng triển khai theo phương án được thông qua.
Hiện tại quỹ bảo hiểm tai nạn lao động đang còn dư 16.000 tỉ đồng, trong khi mỗi năm có tới 700 người tử vong vì tai nạn lao động, điều này có phải do chi chưa đúng đối tượng nên quỹ còn quá nhiều, thưa bộ trưởng?
Không phải vậy. Chính xác hơn là chúng ta chưa bao quát hết được số lượng người tai nạn. Có nhiều lý do, ví dụ như ông chủ của người bị tai nạn lao động không thông báo cho cơ quan chức năng.
Ngoài ra, mức chi được quy định thấp và chưa phù hợp nên phải thay đổi mức chi. Có 2 phương án chi được dự thảo luật đề cập: chi cho người bị tai nạn lao động và chi hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện việc phòng ngừa tai nạn, điều này còn phụ thuộc vào QH thảo luận và quyết định.
Tuy nhiên, mức chi cho người lao động khi gặp rủi ro cần tăng hơn, cũng là thể hiện sử dụng quỹ đúng mục đích và thiết thực với khoản đóng góp của người lao động.
60% lao động hiện nay là lao động không ký hợp đồng lao động. Vậy theo bà, làm sao để người dân tự nguyện tham gia bảo hiểm tai nạn lao động?
Trước nhất là phải tuyên truyền để họ hiểu vấn đề bảo vệ sức khỏe không thể đơn giản như hiện nay. Cùng với đó là chính sách hỗ trợ, tổ chức hướng dẫn những lĩnh vực nào an toàn tới đâu, điều mà lâu nay chưa làm được nhiều.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo baohaiquan.vn)