Vợ tôi đóng Bảo hiểm xã hội từ năm 2009 đến năm 2012. Do sinh con và vì điều kiện gia đình nên không tiếp tục đóng bảo hiểm nữa.
Vợ tôi đã nghỉ việc và không đóng bảo hiểm từ tháng 10 năm 2012 đến nay thì tại thời điểm này vợ tôi có thể làm đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp không?
Sau này, khi con tôi lớn, vợ tôi tiếp tục đi làm và có điều kiện đóng Bảo hiểm xã hội thì số năm đóng bảo hiểm có được tính cộng thêm không hay lại tính lại từ đầu?
Luật sư tư vấn:
Thứ nhất, về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp
Điều 81 Luật Bảo hiểm xã hội 2006 quy định:
Người thất nghiệp được hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ mười hai tháng trở lên trong thời gian hai mươi bốn tháng trước khi thất nghiệp;
2. Đã đăng ký thất nghiệp với tổ chức bảo hiểm xã hội;
3. Chưa tìm được việc làm sau mười lăm ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều này.
Khoản 1 Điều 34 Nghị định 127/2008/NĐ-CP (sửa đổi bằng Nghị định 100/2012/NĐ-CP) quy định:
“1. Trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc nếu người lao động chưa có việc làm mà có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động thực hiện đăng ký thất nghiệp với cơ quan lao động.”
Căn cứ các quy định trên, do vợ của bạn đã nghỉ việc hơn hai năm nên không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Thứ hai, về thời gian tham gia bảo hiểm xã hội
Khoản 5 Điều 3 Luật BHXH 2006 quy định: “5. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi dừng đóng. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.”
Do đó, thời gian trước đây đã từng tham gia BHXH được tính vào tổng thời gian tham gia BHXH.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo soha.vn)