(TBKTSG) – Gần đây, dịch vụ chia sẻ xe cho nhu cầu đi lại của Uber đã xuất hiện như một mô hình kinh doanh mang tính kinh tế, mới mẻ và nhiều tiện ích cho khách hàng. Tuy nhiên, nó cũng gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều. Nhóm phóng viên TBKTSG đã ghi nhận một số ý kiến dưới đây.
Ông Lê Cao Long – Giám đốc Bộ phận Bồi thường Công ty Bảo hiểm Phi Nhân thọ Cathay:
Hành khách trên xe cá nhân không được chi trả bảo hiểm nếu không tham gia bảo hiểm tự nguyện
Xin được nói rõ là Cathay không đưa ra bất cứ nhận xét nào liên quan đến chất lượng, tính pháp lý… của dịch vụ do Uber cung cấp. Tôi chỉ cung cấp thông tin chung liên quan đến bảo hiểm xe ô tô hiện nay.
Theo Thông tư số 126/2008/TT-BTC và 151/2012/TT-BTC, tất cả các chủ xe cơ giới tham gia giao thông đều phải tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc (TNDSBB) của chủ xe cơ giới.
Trong phạm vi mức trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bồi thường cho chủ xe cơ giới số tiền mà chủ xe cơ giới phải bồi thường cho “bên thứ ba” và “hành khách” trên xe. Trong đó, “hành khách” là người được chở trên xe theo hợp đồng vận chuyển hành khách thuộc các hình thức quy định trong Bộ luật Dân sự, “bên thứ ba” là người bị thiệt hại về thân thể, tính mạng, tài sản do xe cơ giới gây ra.
Như vậy, đối với xe cơ giới có đăng ký kinh doanh vận tải, và người ngồi trên xe là hành khách theo định nghĩa trên, khi xảy ra tai nạn, hành khách sẽ được nhận chi trả số tiền bảo hiểm tối đa là 70 triệu đồng/người/vụ theo bảo hiểm TNDSBB nếu có thiệt hại về người.
Đối với xe cá nhân (tức không đăng ký kinh doanh vận tải – PV), chỉ có bên thứ ba mới được bồi thường, còn người ngồi trên xe, như người lái xe và bạn bè, người thân… thì không được bồi thường. Để được bồi thường, chủ xe cơ giới nên tham gia bảo hiểm tự nguyện tai nạn lái xe và người ngồi trên xe. Khi đó, tất cả những người ngồi trên xe bao gồm người lái xe đều được chi trả bảo hiểm nếu có tai nạn xảy ra.
Trên thực tế, không phải chủ xe ô tô cá nhân nào cũng tham gia sản phẩm bảo hiểm tự nguyện này.
Ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Công ty Đông Phương Luật (TPHCM):
Phải có hợp đồng giữa khách hàng và đơn vị vận tải
– Xét theo quy định tại điều 66 Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) 2008 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô thì loại hình vận tải mà Uber thực hiện kết nối được xem là vận tải theo yêu cầu. Cụ thể, dịch vụ Uber là “kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định được thực hiện theo hợp đồng vận tải”.
Ngoài chấp hành các quy định về điều kiện kinh doanh tại Luật GTĐB, dịch vụ vận tải không theo tuyến cố định cần tuân thủ Bộ luật Dân sự về quyền và nghĩa vụ phát sinh. Khách hàng (người thuê dịch vụ vận chuyển) khi đảm bảo nghĩa vụ thanh toán thì họ sẽ nhận được các quyền về bảo hiểm, an toàn thực hiện theo đúng yêu cầu vận chuyển…
Việc kinh doanh thông qua dịch vụ Uber của các chủ xe (tổ chức kinh doanh vận tải hoặc cá nhân) có đăng ký kinh doanh vận tải là không vi phạm pháp luật, nếu họ tuân thủ đủ điều kiện có giao kết hợp đồng với khách hàng. Lúc này, Uber có vai trò là trung gian môi giới để chủ xe và hành khách thực hiện dịch vụ vận chuyển theo yêu cầu.
Theo tôi, giữa khách hàng (người sử dụng xe thông qua dịch vụ Uber) và đơn vị vận tải (tức xe chở khách, đối tác của Uber) phải có một hợp đồng vận chuyển nhằm bảo vệ các quyền lợi kể trên. Hợp đồng vận chuyển được dùng để chứng minh khách hàng có sử dụng dịch vụ và kiện cáo đơn vị cung cấp dịch vụ (khi cần thiết).
Đối với các hãng taxi, do được quản lý qua tổng đài nên các đơn vị này biết rõ tài xế nào bắt đầu chở khách, đón khách ở đâu… nên việc chứng minh cho hợp đồng vận chuyển không khó khăn. Còn đối với Uber, do giao dịch thực hiện qua ứng dụng di động nên phải có sự kết nối, xác nhận giao dịch giữa đơn vị vận chuyển (xe đón khách) và Uber. Cụ thể là sau khi nhận khách, nếu tài xế có xác nhận lại với Uber thì giao dịch này đã được Uber và đơn vị vận chuyển xác nhận.
Mặt khác, Uber là ứng dụng kết nối bên có nhu cầu di chuyển và bên cung ứng dịch vụ vận chuyển và được hưởng hoa hồng, tức là có sinh lợi, nên bắt buộc Uber phải có giấy phép hoạt động kinh doanh. Nếu so sánh với một công ty taxi, Uber tương tự trung tâm điều phối của hãng taxi dù có mô hình khác nhau. Vì vậy, Uber phải có trách nhiệm một phần trong dịch vụ mà mình cung cấp là giới thiệu và đảm bảo về xe vận chuyển. Nếu muốn loại trừ trách nhiệm này thì Uber phải cung cấp dịch vụ miễn phí, lúc đó việc chọn lựa dịch vụ là của khách hàng.
Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TPHCM:
Tài xế Uber không chịu sự kiểm soát của quy định pháp luật và điều kiện hành nghề taxi
– Chúng tôi nhận thấy hoạt động của Uber trái với Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Xe tham gia mạng lưới Uber không phải xe taxi, không có biển hiệu mà là xe cá nhân, giá cả thấp hơn 20% so với cước taxi, vì không phải đóng khoản thuế, phí nào. Nếu các hãng taxi hoạt động kinh doanh mà không chịu sự ràng buộc theo các quy định của pháp luật như Uber hiện nay thì giá cước cũng sẽ thấp như Uber.
Tài xế taxi chịu sự kiểm soát của pháp luật và đơn vị sử dụng, trong khi tài xế của mạng Uber thì không chịu sự kiểm soát của các quy định cũng như các điều kiện hành nghề taxi. Sự phát triển của Uber sẽ khiến các hãng taxi mất khách hàng và tài xế rơi vào cảnh thất nghiệp. Nhà nước thì thất thu thuế do xe cá nhân biến thành xe chở khách mà không kiểm soát được.
Mới đây, Hiệp hội Taxi TPHCM đã có văn bản kiến nghị tới các cơ quan quản lý đề nghị sớm có giải pháp để đưa hoạt động của Uber vào khuôn khổ của pháp luật Việt Nam giống như các hãng taxi.
Một tài xế của hãng taxi Vinasun:
Uber đang phá giá thị trường
– Hiện nay, số người sử dụng dịch vụ của Uber chủ yếu là những người dùng dịch vụ thanh toán trực tuyến qua ngân hàng. Hành khách sử dụng dịch vụ của Uber khi gặp những rủi ro như quên đồ trên xe thì rất khó để khiếu nại và nhận lại đồ.
Kể từ khi có dịch vụ Uber, lượng khách của các hãng taxi đã bị ảnh hưởng phần nào, nhất là ở các quận trung tâm. Với giá cước rẻ hơn, Uber đang phá giá thị trường và làm cho hoạt động taxi ở TPHCM trở nên rối loạn.
Vì vậy, cơ quan quản lý cần quản lý chặt dịch vụ này như quản lý hoạt động taxi để tài xế taxi không bị ảnh hưởng.
Ông Đoàn Hoàng Sơn (quận 10, TPHCM):
Uber đảm bảo quyền lợi khách hàng
– Tôi đã sử dụng dịch vụ Uber kể từ khi nó xuất hiện ở TPHCM. Nhiều người nói về khả năng trốn thuế của dịch vụ này, nhưng các đối tác của họ đều có tư cách pháp nhân ở Việt Nam, tất cả các giao dịch đều sử dụng thẻ tín dụng, đồng nghĩa với luồng tiền được ngân hàng kiểm soát và không thể trốn thuế được.
Cá nhân tôi thấy dịch vụ Uber mang lại trải nghiệm di chuyển tốt và tạo sự an tâm hơn cho người sử dụng. Tài xế luôn phục vụ khách hàng tốt vì họ không muốn bị trừ điểm. Một tài xế cho tôi biết nếu điểm trung bình của họ dưới 4,5 (trên thang điểm tối đa là “5 sao”) thì họ có thể bị cắt hợp đồng.
Khi gọi dịch vụ Uber, hành khách có ngay số điện thoại của tài xế để tiện trao đổi trực tiếp, đồng thời biết xe đang ở đâu (nhờ được hiển thị trên bản đồ) để tiện ra đón xe chứ không như gọi các hãng taxi, cứ phải chờ đợi. Xe của Uber cũng mới, sạch sẽ và cao cấp hơn.
Nếu cước phí Uber có cao hơn taxi tôi cũng sẽ sử dụng dịch vụ Uber, bởi qua nhiều lần sử dụng, tôi thấy Uber bảo đảm tốt quyền lợi khách hàng. Sau mỗi chuyến đi, khách hàng được chấm điểm tài xế, ghi ý kiến và được Uber phản hồi. Một lần, tôi có ý kiến về việc tài xế bấm còi hơi nhiều thì sau đó nhận được e-mail xin lỗi từ Uber và hứa sẽ khắc phục.
Sau mỗi chuyến đi, Uber gửi hóa đơn về bằng e-mail có ghi rõ lịch trình, bản đồ, cước phí chi tiết và thông tin về công ty cho thuê xe (đối tác của Uber) để xử lý về sau. Trong trường hợp khách có để quên đồ trên xe thì có thể liên hệ với tài xế. Dựa trên toàn bộ lịch sử đi lại, người dùng có thể xem lại để kiểm tra đã quên đồ ở đâu, trên xe nào…