Tăng biên chế thanh tra lao động: Sẽ hạn chế tai nạn lao động?

Theo Bộ LĐTB&XH, trong giai đoạn 2006 – 2013, chỉ tính riêng khu vực tham gia bảo hiểm xã hội, số người chết do tai nạn lao động (TNLĐ) trên 5.300 người (gần 700 người chết mỗi năm). Đáng lo ngại dù số vụ TNLĐ gia tăng nhưng việc tuân thủ pháp luật về an toàn vệ sinh lao động của nhiều doanh nghiệp hiện nay chưa nghiêm.
 
 
Theo ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh lao động (Bộ LĐTB & XH), 6 tháng đầu năm 2014, toàn quốc xảy ra 3.454 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 3.505 người bị nạn, gây thiệt hại lên tới gần 40 tỷ đồng.Trong đó, số vụ TNLĐ chết người là 258 vụ, 58 vụ TNLĐ có 2 người bị nạn trở lên; khiến 280 người chết, 660 người bị thương.  Số liệu thống kê tại các bệnh viện, cơ sở y tế về số người nhập viện do TNLĐ thường nhiều gấp 20 lần số liệu được báo cáo về Bộ LĐTB&XH. Cụ thể, mỗi năm có khoảng 160.000-170.000 người bị TNLĐ phải đến bệnh viện và có khoảng 1.700 người chết. 
 
Qua phân tích, nguyên nhân chủ yếu của các vụ TNLĐ cháy nổ xuất phát từ vi phạm tiêu chuẩn, kỹ thuật an toàn của người sử dụng lao động. Trong đó, nguyên nhân lỗi do người sử dụng lao động chiếm 54,1% (không huấn luyện an toàn lao động cho người lao động, không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, thiết bị không đảm bảo an toàn lao động…);  do người lao động chiếm 24,6% (vi phạm quy trình quy phạm an toàn lao động, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân); còn lại 21,3% xảy ra do các nguyên nhân khách quan khác nhau.
 
Tuy nhiên theo đánh giá của Bộ LĐTB&XH, nguyên nhân chính khiến TNLĐ gia tăng nằm ở cơ chế chính sách cũng như nguồn nhân lực để quản lý. “Số thanh tra viên tham gia làm nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về an toàn, vệ sinh lao động chỉ có khoảng 150 người, nên trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 0,22% số doanh nghiệp đang hoạt động được thanh tra pháp luật lao động nói chung và ATVSLĐ nói riêng”- ông Hà Tất Thắng cho biết . 
 
Xuất phát từ thực tế đó, tại Dự án Luật an toàn, vệ sinh lao động Bộ LĐTB&XH đã đề xuất xây dựng lực lượng thanh tra theo 3 cấp trung ương, tỉnh và huyện. Với phương án này, ước tính cần tăng thêm 1.000 biên chế (mỗi huyện tăng 1-2 người).
 
Tại cuộc họp mới đây khi thảo luận về những điểm mới của Dự án Luật vệ sinh an toàn lao động, đại diện Bộ LĐTB&XH khẳng định: Vấn đề mấu chốt để hạn chế TNLĐ là yếu tố con người, trong đó có lực lượng thanh tra, thế nhưng cả nước chỉ có vẻn vẹn hơn 400 người, trong khi đó nước ta hiện có tới hơn 700.000 doanh nghiệp thì khó mà có thể kiểm tra. Xuất phát từ thực tế đó, tại Dự án Luật Vệ sinh an toàn lao động đã có hai phương án được đề xuất đó là: lực lượng thanh tra được xây dựng theo 3 cấp trung ương, tỉnh và huyện. Với phương án này, ước tính cần tăng thêm 1.000 biên chế (mỗi huyện tăng 1-2 người). Thứ hai là chỉ thành lập thanh tra chuyên ngành an toàn, vệ sinh lao động ở cấp trung ương và cấp tỉnh. 
 
Những vụ TNLĐ nghiêm trọng, những cái chết thương tâm, những tổn thất nặng nề về kinh tế đều để lại hệ lụy không nhỏ. Thế nhưng việc xây dựng một môi trường an toàn lao động dường như vẫn còn nhiều thách thức, trong đó có công tác thanh tra.

Bảo Hiểm Bảo Việt (theo daidoanket.vn)

 

 

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.