Cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế: Thất thoát ngân sách Nhà nước

Trong khi độ bao phủ của bảo hiểm y tế (BHYT) còn hạn hẹp thì tình trạng thẻ bảo hiểm y tế bị cấp trùng đang ngày càng gia tăng, gây thất thoát ngân sách với số tiền không hề nhỏ.

Đại gia thẻ BHYT

Mới đây, TP. Hồ Chí Minh phát hiện hơn 150.000 thẻ BHYT bị cấp trùng, gây thất thoát ngân sách hơn 7,5 tỷ đồng. Đồng thời, sau khi rà soát BHYT trên địa bàn, TP. Hồ Chí Minh thấy rằng việc cấp trùng thẻ thuộc nhóm đối tượng được ngân sách Nhà nước (NSNN) đóng, hỗ trợ tiền đóng BHYT năm 2013 rất đáng báo động, như cấp trùng 2 thẻ BHYT cho một người, một số trường hợp cấp 3 thẻ cho một người, cá biệt có người được cấp 4 – 5 thẻ.


Người nghèo khó có khả năng tham gia BHYT ngay cả khi được hỗ trợ

Thực trạng này không chỉ diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh mà còn ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, như huyện Krông Bông (Đăk Lăk) năm 2012 có 168 thẻ BHYT bị cấp trùng. Trong đó, đối tượng dân tộc thiểu số trùng với hộ nghèo là 15 thẻ; trùng với cựu chiến binh là 22 thẻ; trùng với trẻ em là 21 thẻ; trùng với đối tượng bảo trợ là 69 thẻ; đại biểu HĐND là 14 thẻ; trùng với người có công là 27 thẻ.

Theo báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát cấp thẻ BHYT từ năm 2011-2012 của 63 tỉnh, thành phố do Bộ Tài chính tổng hợp như sau: Tổng số thẻ BHYT đã được kiểm tra rà soát là 75,712 triệu thẻ, tương ứng tổng số tiền đã chi là 28.441 tỷ đồng. Kết quả là tổng số thẻ BHYT cấp trùng 1,451 triệu thẻ, tương ứng với số tiền NSNN đã cấp trùng là 642 tỷ đồng.

Đầu năm 2013, số thẻ cấp trùng vẫn còn 209 ngàn thẻ, số tiền tương ứng khoảng 120 tỷ đồng. Đa số trẻ dưới 6 tuổi là thân nhân của lực lượng quân đội, công an được cấp 2 thẻ BHYT (một thẻ do Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng cấp, 1 thẻ do ngành lao động tổng hợp theo danh sách cấp thẻ tại các địa phương).

Như vậy, nguyên nhân thẻ BHYT cấp trùng là do quy định một người có thể thuộc nhiều nhóm khác nhau được NSNN mua BHYT và nhiều cơ quan khác nhau chịu trách nhiệm lập danh sách cấp thẻ BHYT. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc rà soát, đối chiếu danh sách không được phân định rõ…

Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) cho rằng, việc cơ quan chức năng khó phát hiện trùng thẻ là do cơ sở dữ liệu nằm phân tán nên việc kiểm tra trùng lặp hoàn toàn thủ công, mã thẻ không cố định và chưa có mã định danh trên thẻ nên khó thống kê theo dõi quá trình tham gia hoặc đi khám chữa bệnh một cách hệ thống. Bà Đỗ Thị Thúy Hằng, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính – Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) khẳng định, cấp trùng thẻ là nguyên nhân dẫn đến việc chi sai, lãng phí NSNN.

Trước thực trạng này, UBND TP. Hồ Chí Minh đã kiến nghị Bộ Tài chính và Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu, đầu tư phần mềm quản lý nhằm theo dõi việc cấp phát thẻ BHYT được đồng bộ, xuyên suốt từ cấp phường/xã, quận/huyện, thành phố. Bà Song Hương cũng cho rằng, các bộ, ngành cần tăng cường sự phối hợp liên ngành cũng như nâng cao năng lực hệ thống quản lý Nhà nước về BHYT; phối hợp triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh và BHYT để tăng cường công tác quản lý và kiểm soát chi phí.

Làm dịch vụ chứ không ban phát

Bên cạnh việc cấp trùng thẻ BHYT, bà Song Hương cũng cho biết, tỷ lệ người tham gia BHYT chưa đầy đủ, tính tuân thủ pháp luật chưa cao. Cho đến nay, vẫn còn khoảng 30% dân số chưa tham gia BHYT. Trong số này có cả nhóm đối tượng phải tham gia BHYT theo lộ trình quy định nhưng không tham gia đầy đủ. Nhóm người lao động trong khu vực DN mới đạt 54,7%, người cận nghèo đạt 25%, tự nguyện đạt 28,35%/tổng số đối tượng.

Ở một số DNNVV xảy ra tình trạng trốn đóng hoặc không đóng BHYT đầy đủ, một phần vì chủ sử dụng lao động chưa nhận thức đúng về trách nhiệm với người lao động, trong khi người lao động lại không dám đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình. Bên cạnh đó, nhiều DN phá sản, giải thể, tạm ngừng hoạt động nên không có khả năng đóng BHYT, nợ BHYT tăng mạnh.

Ngoài ra, do hiện nay người cận nghèo được NSNN hỗ trợ 70% mức đóng, một số địa phương hỗ trợ 80-90% mức phí. Tuy nhiên, một bộ phận lớn là người nghèo nên họ khó có khả năng tham gia BHYT ngay cả khi được hỗ trợ. Cùng với đó, số người tự nguyện tham gia BHYT nhưng đối tượng tham gia hầu hết là từng cá nhân, không theo hộ gia đình, tập trung chủ yếu ở những người có tiền sử bệnh tật và nhu cầu khám, chữa bệnh; hoặc chỉ mua BHYT khi ốm đau.

Trước việc độ bao phủ BHYT chưa cao, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, việc thực hiện dịch vụ BHYT hiện vẫn còn cơ chế hành chính giấy tờ phiền hà. Thực tế cứ xuống xã, phường hỏi người dân đi mua BHYT ở đâu sẽ thấy có khá nhiều người không rõ. Vì vậy, dịch vụ cấp thẻ BHYT phải làm thế nào để người dân được thuận lợi nhất, đồng thời cơ quan thu bảo hiểm cũng phải xác định đây là làm dịch vụ chứ không phải đang ban phát cho người dân, rồi bắt họ phải làm cái này cái kia mới có được thẻ.

Bảo Hiểm Bảo Việt (theo thoibaonganhang.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.