(HQ Online)- Quy định bắt buộc nhóm lao động (LĐ) mùa vụ có thời hạn hợp đồng từ 1 tháng đến dưới 3 tháng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tại Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận.
Nhiều người cho rằng, nếu được thực hiện, quy định này sẽ có lợi cho người lao động (NLĐ) sau khi về hưu, nhưng e rằng sẽ rất khó thực hiện.
Không mặn mà
Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cả nước có khoảng 17 triệu LĐ bắt buộc phải đóng BHXH nhưng hiện mới chỉ có khoảng 10,8 triệu người tham gia. Hơn 6 triệu LĐ còn lại chủ yếu là những LĐ có thời hạn hợp đồng từ 1-3 tháng. Nếu thực hiện theo quy định mới này dự tính nước ta sẽ thu hút thêm một lượng lớn LĐ tham gia vào hệ thống BHXH.
Tuy nhiên, khi được hỏi, rất nhiều đối tượng LĐ ngắn hạn lại tỏ ra thờ ơ, không hào hứng với quy định này. Làm nghề nông nên thời điểm không có mùa vụ, anh Nguyễn Trường Giang (Giao Thủy, Nam Định) thường đi làm thuê tại xưởng chuyên sản xuất đồ gỗ nội thất tại phố Đê La Thành, Hà Nội. Anh Giang cho biết, từ trước đến nay anh chưa bao giờ kí hợp đồng LĐ, mọi việc từ lương, thưởng đều được thỏa thuận “miệng” giữa anh và chủ DN. Anh cũng cho biết không hề có ý định ký hợp đồng hay tham gia BHXH bởi: “Thu nhập trung bình mà chủ DN trả hàng tháng chỉ khoảng 3-4 triệu đồng. Nếu đóng thêm BHXH thì có nghĩa hàng tháng tôi sẽ bị thâm hụt một khoản tiền. LĐ làm thuê như chúng tôi làm ngày nào hay ngày đó, không xác định lâu dài nên chưa nghĩ đến việc tích lũy về sau”.
Bên cạnh đó, cũng có không ít người LĐ có mong muốn được đóng BHXH nhưng không được DN hỗ trợ. Chị Nguyễn Thị Ngạn (nhân viên tạp vụ tại Công ty Cổ phần truyền thông Vinasing, Hà Nội) cho biết: “Tôi làm ở công ty này đã gần 3 năm nhưng đến giờ họ vẫn chỉ cho kí hợp đồng 3 tháng, hết lại tiếp tục kí. Mặc dù cũng mong muốn được đóng BHXH nhưng những người làm việc ở vị trí như tạp vụ, bảo vệ ở đây thường không được DN tạo điều kiện. Đề xuất nhiều rồi nhưng vẫn không được nên thành ra cũng nản”.
Ông Nguyễn Bá Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng: “Việc đưa nhóm LĐ có thời hạn hợp đồng từ 1-3 tháng tham gia BHXH bắt buộc là cần thiết nhằm tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia BHXH, bảo đảm an sinh xã hội cho NLĐ khi không còn khả năng làm việc. Tuy nhiên, với nhóm đối tượng LĐ đến từ khu vực nông thôn chỉ làm việc theo mùa vụ, nếu muốn họ tự nguyện tham gia BHXH thì cần phải cho họ thấy được những lợi ích về mặt lâu dài và có những chính sách hợp lý để khuyến khích họ tự nguyện tham gia”.
Nhiều khó khăn
Phải khẳng định rằng, nếu đơn thuần xét về yếu tố an sinh xã hội, việc mở rộng đối tượng BHXH bắt buộc cho LĐ mùa vụ là một bước tiến lớn. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều DN cố ý “lách luật” bằng cách chỉ ký hợp đồng thử việc, ngắn hạn (dưới 3 tháng) cho người LĐ để trốn đóng BHXH. Bởi vậy rào cản lớn nhất cản trở việc đóng BHXH cho LĐ chính là ý thức của DN.
Chị Chử Thị Minh, chủ một DN kinh doanh mặt hàng giày dép gia công tại Hà Nội cho rằng, khó có thể thực hiện được quy định này. Chị Minh lý giải: “Đa số công nhân tại xưởng của tôi đều là LĐ làm việc theo mùa vụ. Thường những LĐ này không có tay nghề nên cũng không biết họ có làm được việc và có ý định gắn bó lâu dài hay không. Trong khi đó thủ tục ký kết BHXH cũng khá phức tạp, mất thời gian. Ký xong họ lại nghỉ việc thì mất công của mình lắm”. Cũng theo chị Minh, không nhiều công nhân của chị hào hứng với việc ký hợp đồng LĐ chứ chưa nói đến việc đóng BHXH.
Anh Ngô Xuân Thủy, Chủ tịch Hiệp hội DN trẻ Quảng Ninh thẳng thắn thừa nhận: Từ trước đến nay, nhiều DN nhỏ không hề đóng BHXH kể cả với hợp đồng 1 tháng, 3 tháng hay 1 năm, 3 năm. Bởi việc làm thủ tục tham gia, đóng BHXH mất rất nhiều thời gian. Đơn cử một DN làm thủ tục tham gia BHXH cho người LĐ, có khi từ lúc tham gia đến 6 tháng sau mới lấy được sổ bảo hiểm. Hơn nữa trong quá trình làm việc, nếu hai bên không vừa ý nhau có thể nghỉ hoặc cho nghỉ bất cứ lúc nào, còn lúc đã ký hợp đồng LĐ, đóng BHXH thì rất ràng buộc, lúc nghỉ việc lại nhiều thủ tục nên DN cũng “ngại” làm việc này”.
Cùng với đó, khả năng mở rộng đối tượng tham gia BHXH rất khó khả thi, vì LĐ thời vụ dưới 3 tháng thường không có hợp đồng bằng văn bản, quản lý thu – chi chế độ bảo hiểm đối với các đối tượng này rất khó khăn, tốn kém. Ngoài ra, đối với nhóm LĐ phi chính thức (LĐ tự làm và LĐ gia đình) thì việc khuyến khích tham gia càng khó thực hiện. Bởi, theo Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), NLĐ nếu tự nguyện tham gia BHXH sẽ phải đóng 22% mức thu nhập hàng tháng. Nếu muốn được hưởng chế độ lương hưu và các chế độ khác thì sẽ phải đóng liên tục trong vòng 20 năm. Rõ ràng sẽ có ít NLĐ nào muốn tham gia BHXH vì những thiệt thòi trước mắt, và mù mờ về lợi ích sau này.
Theo ông Nguyễn Bá Ngọc, nếu chưa hoàn thiện bộ máy tổ chức và hệ thống BHXH thì việc quy định như vậy là chưa phù hợp. Để đảm bảo tính khả thi của Dự thảo này, cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức công đoàn và BHXH Việt Nam phải có biện pháp, chính sách cụ thể hơn nữa. Và muốn làm được, đòi hỏi BHXH Việt Nam và chính quyền địa phương phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đối tượng và có biện pháp cụ thể hỗ trợ DN và cả NLĐ.
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo baohaiquan.vn)