Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Minh Tuấn – Tổng Giám đốc Công ty Hệ thống Thông tin FPT về hiệu quả của các ứng dụng CNTT trong phát triển dịch vụ công.
Theo cảm nhận của ông, các bộ, ngành có tích cực tham gia đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào dịch vụ công hay không? Mức độ quan tâm tới chủ đề này như thế nào?
– Thuế là lĩnh vực đầu tiên ở Việt Nam áp dụng CNTT từ 20 năm trước. Chính vì vậy, hệ thống thông tin của ngành thuế Việt Nam hiện đang thuộc nhóm đầu của các nước đang phát triển. Khi Ngân hàng Thế giới (WB) vào Việt Nam để chào một dự án nâng cao chất lượng CNTT cho ngành thuế, sau khi khảo sát chất lượng, họ đã quyết định rút lui vì ứng dụng CNTT trong lĩnh vực thuế của Việt Nam đã đạt được kết quả tốt hơn sự mong đợi của họ. Vừa rồi, FPT cũng đã thắng thầu trong cuộc đấu thầu cung cấp phần mềm lĩnh vực thuế cho Bangladesh, phần mềm này dựa trên nền tảng phần mềm áp dụng tại Việt Nam. Còn trong lĩnh vực kho bạc, trước đây, người dân muốn nộp tiền vào kho bạc phải ra kho bạc xếp hàng. Nhưng hiện nay với sự hỗ trợ của CNTT, người dân hoàn toàn có thể tới bất kỳ ngân hàng nào để nộp tiền vào kho bạc, giảm tải được rất nhiều cho ngành này. Hoặc hệ thống quản lý ngân sách Nhà nước đã bắt đầu đi vào hoạt động, giúp kiểm soát hoạt động, chi tiêu ngân sách theo kế hoạch, tất cả đều tự động hóa, từ các cấp nhỏ nhất là phường, xã…
Ứng dụng CNTT tại Bộ phận một cửa quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Hải Linh
|
Bên cạnh đó là hệ thống hải quan điện tử mới được đưa vào hoạt động, và phải mất một thời gian nữa, hệ thống này mới hoạt động trơn tru. Hệ thống quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế điện tử cũng mới được phát triển. Dự kiến đầu năm 2015 sẽ đưa vào triển khai nhằm giúp các cơ quan quản lý hiệu quả hơn các quỹ mà họ thu được từ DN đóng bảo hiểm cho nhân viên, kiểm soát hiệu quả việc chi tiêu để đảm bảo không bị vỡ quỹ, cũng như khuyến khích dịch vụ bảo hiểm phát triển tốt hơn.
Thực tế, vẫn còn những ý kiến phàn nàn về hệ thống thuế, hải quan điện tử, chính quyền điện tử… Liệu có phải do làm chưa đến nơi, đến chốn, thưa ông?
– Trở ngại lớn nhất trong quá trình triển khai các ứng dụng CNTT chính là tư duy của những người làm chính sách. Trước đây, mọi công đoạn đều làm hoàn toàn bằng tay, ghi chép trên sổ sách, trong khi bây giờ đều số hóa điện tử, bỏ được nhiều bước không cần thiết, điều này khiến cho những người muốn kiểm soát theo lối cũ rất khó chịu. Ví dụ như việc xuất hóa đơn đỏ. Theo quy định, cứ xuất hóa đơn là phải tăng tuần tự vì cơ quan thuế muốn kiểm soát từng hóa đơn một. Đơn vị nào không xuất hóa đơn theo sẽ bị cơ quan thuế phạt. Nhưng bây giờ đang chuẩn bị áp dụng hóa đơn điện tử. Điều này sẽ làm số tăng tuần tự của hóa đơn không còn ý nghĩa nữa, bởi DN xuất hóa đơn nào sẽ được tự động gửi lên cơ quan thuế luôn. Nhưng hiện tại, người làm chính sách vẫn đi theo quan niệm cũ. Họ vẫn muốn quản lý từng tờ hóa đơn, do vậy vẫn bắt buộc hóa đơn điện tử phải theo tuần tự. Trong khi chúng ta đều biết, các hoạt động trên máy tính khi làm sai hoàn toàn có thể sửa lại hay hủy hỏ, số thứ tự sẽ bị rời rạc. Những điều này không ảnh hưởng tới việc nắm tình hình cụ thể từng DN của cơ quan thuế. Như vậy, việc lấy số hóa đơn là không còn cần thiết.
Vừa rồi có nhiều vụ hacker tấn công các trang web của một số bộ, ngành càng làm gia tăng hơn mối lo ngại về an toàn thông tin. Phía FPT có cam kết gì để đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống chính quyền điện tử, thưa ông?
– Việc mất an toàn thông tin mạng là rất nguy hiểm, giống như việc chúng ta mất hết số điện thoại trong danh bạ. Chính vì vậy, khi tư vấn cho khách hàng, FPT cũng phải xây dựng một hệ thống kiến trúc đảm bảo an ninh mạng song song đi kèm. Thứ nhất là hạn chế tối đa sự tấn công từ bên ngoài, FPT đã tham gia vào nhiều tổ chức an ninh mạng toàn cầu. Hiện nay, việc tấn công mạng không đến từ một vài cá nhân, tổ chức mà từ nhiều vùng lãnh thổ khác nhau và các hacker còn huy động được nhiều sức mạnh của các hacker trên toàn thế giới. Việc tham gia cộng đồng an ninh mạng quốc tế giúp chúng ta có những biện pháp phòng thủ tốt hơn. Tất nhiên, chúng ta không thể an toàn tuyệt đối trước các cuộc tấn công có chủ đích nhưng khi có sự cố thì phải luôn có kịch bản khắc phục trong thời gian ngắn nhất. Thứ hai, FPT luôn đề ra kế hoạch phòng thủ, đồng thời có những cơ chế backup dữ liệu dự phòng tối ưu.
Đã có website nào do FPT quản lý, điều hành bị tấn công chưa, thưa ông?
– Các website của FPT có bị tấn công nhưng thời gian khắc phục rất ngắn, trong vòng 1 – 2 giờ, không có tình trạng bị tê liệt theo đơn vị ngày, nhiều ngày như các trang web do VCCorp vận hành xảy ra mới đây. Chúng tôi luôn có hệ thống dự phòng để đảm bảo an toàn thông tin, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính công. Hiện nay, các cơ quan quản lý đều có các hệ thống “phòng ngừa thảm họa”. Nếu hệ thống đó vận hành tốt thì ngay cả khi Hà Nội bị động đất thì hệ thống cũng chỉ bị gián đoạn trong thời gian ngắn, vì đã có sẵn một hệ thống backup tại TP Hồ Chí Minh.
Xin cảm ơn ông!