(Chinhphu.vn) – Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị NHNN, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, các cơ quan liên quan, trước mắt, nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ về hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi cho phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Cầm sớm đề xuất hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi và phối hợp thực hiện hiệu quả tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng – Ảnh: VGP/Thành Chung |
Sáng ngày 4/11, Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) Việt Nam tổ chức kỷ niệm 15 năm thành lập (1999-2014). Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tới dự.
Năm 1999, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập tổ chức BHTG Việt Nam thuộc Ngân hàng Nhà nước nhằm bảo đảm lợi ích người gửi tiền, đảm bảo ổn định hệ thống tổ chức tín dụng sau cuộc khủng hoảng kinh tế cuối thập niên 90 của thế kỷ trước ở châu Á.
Năm 2012, Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm tiền gửi, giúp hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động của BHTG.
Từ 1.000 tỷ đồng vốn điều lệ được Nhà nước cấp khi thành lập, đến nay BHTG Việt Nam đã tích lũy được tổng nguồn vốn hơn 20.000 tỷ đồng; trong 5 năm qua, BHTG đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm trên 20%.
Tính tới tháng 6/2014, có 1.236 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tăng 11% so với năm 2008. Số tài khoản tiền gửi được bảo hiểm hiện là 30 triệu, với số dư tiền gửi đạt trên 2,2 triệu tỷ đồng.
Được biết, trong 15 năm qua, BHTG đã chi trả cho 1.800 người gửi tiền tại 39 Quỹ tín dụng nhân dân bị giải thể phá sản. Số tiền BHTG Việt Nam đã thu hồi được đạt khoảng 40% số tiền đã chi trả cho người gửi tiền.
Theo Tổng Giám đốc BHTG Nguyễn Quang Huy, nguồn lực tài chính tuy còn nhỏ so với quy mô của hệ thống ngân hàng nhưng có vai trò quan trọng để BHTG chi trả kịp thời, bảo vệ quyền lợi người gửi tiền tại các quỹ tín dụng nhân dân bị giải thể, phá sản trong thời gian qua.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Huy cũng nêu những khó khăn trong hoạt động của BHTG là tỷ lệ phí bảo hiểm tiền gửi được duy trì ở mức 0,15%, đồng hạng đối với tất cả các tổ chức tín dụng tham gia BHTG và hạn mức trả tiền tối đa 50 triệu đồng theo quy định cũ, đã không còn đáp ứng thỏa đáng quyền lợi, nghĩa vụ của các bên tham gia BHTG.
BHTG Việt Nam đề nghị Ngân hàng Nhà nước triển khai hệ thống tính phí, thu phí cũng như điều chỉnh hạn mức chi trả phù hợp với điều kiện thực tiễn của đời sống kinh tế, xã hội.
Trong thời gian tới, BHTG Việt Nam xác định thực hiện 4 mục tiêu hoạt động, gồm: Nâng cao hiệu quả giám sát, tổng hợp và phân tích nhằm phát hiện sớm, cảnh bảo kịp thời rủi ro của hệ thống tín dụng; tham gia tích cực vào tái cơ cấu tổ chức tín dụng, trọng tâm là Quỹ tín dụng nhân dân; chi trả đúng, kịp thời cho người gửi tiền khi xảy ra rủi ro; nâng cao năng lực tài chính của BHTG Việt Nam.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trao Cờ thi đua cho BHTG Việt Nam – Ảnh: VGP/Thành Chung |
Đánh giá vai trò của BHTG Việt Nam trong 15 năm qua, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu rõ: “Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã có những đóng góp tích cực vào quá trình phát triển của hệ thống tài chính, tín dụng Việt Nam”.
Để tiếp tục đảm bảo hoạt động của BHTG Việt Nam trong xu thế hội nhập với thế giới, Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước, BHTG Việt Nam, các bộ, ngành liên quan chủ động triển khai thực hiện đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ đã được quy định tại Luật BHTG. Trước mắt, nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ về hạn mức chi trả tiền bảo hiểm cho phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội.
Ngân hàng Nhà nước sớm xây dựng Chiến lược phát triển BHTG, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu BHTG Việt Nam nâng cao năng lực quản trị và chuyên môn của cán bộ, chủ động phối hợp với các đơn vị của Ngân hàng Nhà nước trong quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, tăng cường tuyên truyền về chính sách BHTG để nâng cao niềm tin của nhân dân với hệ thống ngân hàng…
Tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã trao Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ cho BHTG Việt Nam.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo chinhphu.vn)