Giải pháp nào cho vấn đề nợ đọng bảo hiểm xã hội?

(Tài chính) Quy định mức lãi suất chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) thấp hơn mức lãi suất vay ngân hàng, khiến doanh nghiệp cố tình chây ỳ chiếm dụng vốn. Trong khi, cơ quan BHXH lại không được quyền xử phạt, cho nên hiệu quả công tác kiểm tra không cao.

Giải pháp nào cho vấn đề nợ đọng bảo hiểm xã hội?

Còn 5 triệu lao động chưa được tham gia BHXH, BHYT, đồng nghĩa rằng số lao động này mất quyền an sinh xã hội cơ bản. Nguồn: internet.

Có tới 50% doanh nghiệp trốn đóng BHXH

Theo báo cáo của BHXH tỉnh, thành phố tính đế hết tháng 8/2014, có 47.315 đơn vị với gần 674.000 lao động tham gia BHXH còn nợ tiền BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) với số tiền nợ là 11.562 tỷ đồng, bằng 6,49% kế hoạch giao thu. Như vậy con số này đã tăng rất nhanh so với con số nợ đọng mà BHXH thống kê trong năm 1997 (307 tỷ đồng) và năm 2007 (1.734 tỷ đồng). Đáng chú ý là số đơn vị nợ BHXH năm nay khá lớn, chiếm tỷ lệ cao trong tổng số đơn vị tham gia BHXH (47.315 đơn vị nợ, tương đương 18% số đơn vị tham gia BHXH, BHYT; với số lao động là 637.977, chiếm khoảng 6,7% số lao động tham gia BHXH, BHYT). Trong số các đơn vị nợ BHXH, BHYT có đến trên 8.000 đơn vị đã ngừng hoạt động (7.000 đơn vị không còn giao dịch với cơ quan BHXH) với số lao động lên đến hơn 30.000.

Thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng cho thấy, hiện nay trên cả nước, số đối tượng có quan hệ lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc là 16 triệu người nhưng mới có gần 11 triệu lao động tham gia BHXH bắt buộc, còn 5 triệu lao động chưa được tham gia BHXH, BHYT, như vậy đồng nghĩa rằng trên 5 triệu người này đã mất quyền an sinh xã hội cơ bản.

Theo quy định của Luật BHXH, BHYT thì người sử dụng lao động phải nộp hồ sơ đăng ký tham gia BHXH cho người lao động trong vòng 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động. Tuy nhiên, báo cáo của BHXH các tỉnh, thành phố cho thấy, tình trạng đăng ký muộn, đề nghị truy thu BHXH, BHYT đối với thời gian chưa tham gia vẫn diễn ra phổ biến. Năm 2013, BHXH các tỉnh, thành phố qua kiểm tra đã phát hiện số lao động chưa tham gia BHXH, BHYT bắt buộc là 54.372 lao động, số lao động truy đóng không đúng quy định là 1.714 lao động.

Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định trên 300.000 đơn vị đang hoạt động, thì mới gần 1/2 số đó đăng ký tham gia BHXH, có đến 50% số doanh nghiệp trốn đóng BHXH. Nếu không có biện pháp buộc chủ sử dụng lao động tuân thủ pháp luật về BHXH thì mục tiêu đến năm 2020 khó có thể đạt: Trên 50% lực lượng lao động tham gia BHXH.

“Đấy chính là tồn tại gây nên những khó khăn cho cơ quan BHXH trong nhiều năm qua”, nhấn mạnh điều này ông Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, tình trạng trốn đóng BHXH, BHYT xảy ra ở hầu hết các địa phương với mức độ ngày càng nhiều, phổ biến nhất là ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, các hộ kinh doanh theo đại diện BHXH Việt Nam xuất phát từ một số nguyên nhân sau:

Một là, về cơ chế, chính sách: Quy định mức lãi suất chậm đóng BHXH thấp hơn mức lãi suất vay ngân hàng, khiến doanh nghiệp cố tình chây ỳ đóng BHXH để chiếm dụng vốn; Cơ quan bHXH không được quyền xử phạt nên hiệu quả công tác kiểm tra không cao. Việc thanh tra, xử lý vi phạm của các cơ quan có thẩm quyền không kịp thời; Luật BHXH, Luật BHYT đều quy định cho phép truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT. Tuy nhiên, do trong Bộ luật Hình sự hiện hành không quy định tội danh về BHXH, BHYT nên khó xử lý hình sự đối với những đơn vị vi phạm.

Hơn nữa, do tình hình kinh tế còn khó khăn, sản xuất kinh doanh đình đón, sức mua thị trường suy giảm, doanh nghiệp phá sản, giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động không có khả năng đóng BHXH làm cho nợ BHXH tăng nhanh.

Hai là, về người sử dụng lao động: Nhận thức về trách nhiệm và quyền lợi tham gia BHXH, BHYT bắt buộc của người sử dụng lao động còn hạn chế, nhất là khu vực ngoài nhà nước, do vậy việc đóng chậm, đóng thiếu hoặc trốn đóng vẫn thường xảy ra. Không chỉ vậy, còn có trường hợp, người sử dụng lao động còn cố tình không đóng BHXH, BHYT hoặc chỉ đóng BHXH, BHYT cho một số người trong bộ khung quản lý của đơn vị để giảm chi phí, thu lợi nhuận nhiều hơn hoặc lạm dụng tỷ lệ lãi suất phạt chậm nộp thấp hơn lãi suất ngân hàng, thủ tục vay ngân hàng phức tạp nên cố tình nợ BHXH, BHYT.

Ba là, về tổ chức thực hiện: Khảo sát cho thấy việc thực hiện quy định theo Thông tư 03/2008/TTLT-BLĐTBXH-BTC-NHNN ngày 18/2/2008 hướng dẫn thủ tục buộc trích tiền từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp tiền chưa đóng, chậm đóng BHXH không có tính khả thi. Tính từ năm 2008 đến nay, nhiều tỉnh, thành phố chưa có trường hợp nào áp dụng biện pháp buộc trích tiền từ tài khoản người sử dụng lao động theo Thông tư 03/2008/TTLT-BLĐTBXH-BTC-NHNN. Bên cạnh đó, việc phối hợp báo cáo, tham mưu, đề xuất với cấp ủy và chính quyền về tình hình nợ BHXH, BHYT chưa được thường xuyên, kịp thời; chưa có biện pháp để xử lý triệt để các trường hợp trốn đóng BHXH, nợ tiền đóng BHXH, BHYT kéo dài. Trong khi, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước có lúc chưa kiên quyết xử lý các hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT; hoặc khi nhận được kiến nghị xử phạt của BHXH, cơ quan có thẩm quyền cũng chưa xử lý ngay được do phải nghiên cứu, xác minh làm vi phạm chậm được xử lý.

Kìm hãm sự gia tăng “nợ đọng”

Trên thực tế, những vi phạm pháp luật BHXH, BHYT là hành vi vi phạm Hiến pháp về quyền con người, nó không chỉ thiệt hại về vật chất, ảnh hưởng đến quỹ BHXH, BHYT mà còn gây ảnh hưởng đến an sinh xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Do đó, nếu những hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT không bị xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng đến niềm tin và tính nghiêm minh của pháp luật.

Để hạn chế vi phạm pháp luật về BHXH nói chung và hạn chế việc nợ đọng BHXH nói riêng, theo ông Đỗ Văn Sinh trước mắt cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, thực hiện tính lãi chậm đóng theo quy định của Luật BHXH, BHYT. Số tiền lãi phạt chậm nộp của năm 2014 tính đến hết tháng 4/2014 là 232 tỷ đồng (mức lãi suất phạt chậm nộp hiện nay là 10,45% thấp hơn mức lãi suất đơn vị đi vay ngân hàng).

Thứ hai, thực hiện đôn đốc, thu nợ: Hàng tháng, cơ quan BHXH gửi thông báo kết quả đóng đến chủ sử dụng lao động về số tiền đã đóng, số tiền nợ… để thực hiện đôn đốc việc đóng, nộp BHXH, BHYT. Trường hợp đơn vị không đóng cử cán bộ chuyên quản đến đơn vị hoặc mời đơn vị lên làm việc, lập biên bản xác nhận nợ và yêu cầu đơn vị cam kết lộ trình trả số tiền nợ BHXH, BHYT. Nếu đơn vị tiếp tục nợ thì cơ quan BHXH thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp đơn vị nợ có dấu hiệu chây ỳ, cố tình chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT, thành lập tổ công tác liên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra và yêu cầu thanh toán dứt điểm số tiền nợ hoặc xử lý vi phạm hành chính, sau đó lập hồ sơ khởi kiện ra tòa. Đối với những đơn vị bị rút giấy phép kinh doanh hoặc đang làm thủ tục giải thể, phá sản hoặc bị phong tỏa, phát mãi tài sản thực hiện việc báo cáo cấp ủy, UBND các cấp và gửi các cơ quan cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, tòa án, ngân hàng… đề nghị phong tỏa tài khoản, tài sản, phối hợp trong việc thu hồi nợ BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật và gửi hồ sơ khởi kiện đơn vị. Đối với những đơn vị mất tích không còn giao dịch, cơ quan BHXH tiếp tục theo dõi và phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan để thu hồi nợ BHXH, BHYT. Đồng thời, báo cáo với các ngành công an, tòa án… để xác minh tồn tại của đơn vị nợ; thông tin danh sách đơn vị nợ lên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc gửi sang Sở Kế hoạch – Đầu tư và cơ quan Thuế để phối hợp giải quyết…

Thứ ba, thực hiện thanh tra, kiểm tra: Các tổ công tác thu hồi nợ trực tiếp đơn vị nợ BHXH, BHYT để kiểm tra, đôn đốc và xử lý theo thẩm quyền. Trường hợp, vượt quá thẩm quyền thì kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết thanh tra, kiểm tra, xử phạt theo quy định. Qua công tác thanh tra, kiểm tra cho thấy, đối với các đơn vị nợ BHXH, BHYT mang tính chiếm dụng tiền thì sau khi thanh tra, kiểm tra đã chấp hành nghiêm túc, còn lại các donah nghiệp thực sự khó khăn thì tiếp tục nợ BHXH, BHYT.

Thứ tư, thực hiện khởi kiện. Báo cáo của BHXH các tỉnh, thành phố cho biết, từ năm 2010-20213 đã khởi kiện 3.976 doanh nghiệp nợ BHXH ra tòa với số nợ là 1.788 tỷ đồng, tổng số tiền thu được 736 tỷ đồng (trong đó số tiền thu được qua hòa giải là 266 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 15%; qua xét xử là 470 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 26%)…

Bảo Hiểm Bảo Việt (theo tapchitaichinh.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.