Đây là một phần hoạt động trong chiến dịch khám chữa bệnh nhân đạo cho một triệu lượt người mỗi năm.
Phát biểu tại lễ phát động chiến dịch sáng 2/11, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu thực tế, ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, người dân nghèo vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ y tế. Một số bệnh viện, trạm y tế còn thiếu nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, kỹ thuật nên chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.
Vì thế, Bộ Y tế, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã cùng ký chương trình triển khai hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo giai đoạn 2014-2017. Hàng năm, chiến dịch được tổ chức với chỉ tiêu ít nhất một triệu lượt người được khám, chữa bệnh và tư vấn sức khỏe.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, mục tiêu của chiến dịch là đẩy mạnh công tác tuyên truyền và huy động sự tham gia của toàn xã hội đối với hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo; thông qua đó, tạo thành phong trào sâu rộng, triển khai thường xuyên tại cộng đồng.
Hoan nghênh sáng kiến này, ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhấn mạnh những người nghèo, những người chưa có bảo hiểm y tế sẽ được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe qua chiến dịch này, hướng tới mục tiêu phủ kín bảo hiểm y tế toàn dân.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), khám từ thiện cho người dân huyện Lang Chánh, Thanh Hóa sáng 2/11. |
Ngay sau Lễ phát động này, 20 đoàn khám, chữa bệnh tình nguyện sẽ ra quân trong toàn quốc, trong đó 10 đoàn của Trung ương ra quân khám tại các huyện nghèo thuộc các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái, Lạng Sơn, Hà Giang, Thanh Hóa; 10 đoàn cấp tỉnh ra quân khám tại: Hà Nội, Hòa Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Thái Bình, Hải Phòng, Bắc Giang.
Ngày 2/11, hai đoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai với các bác sĩ đầu ngành đang triển khai khám, phát thuốc miễn phí cho hơn 2.000 nhân dân 2 huyện nghèo của Thanh Hóa.
Hiện trên toàn quốc có khoảng 4 triệu người nghèo, người cận nghèo cần được hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế. 100% người thuộc hộ gia đình nghèo và dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Người cận nghèo chỉ được hỗ trợ 70%; dù một số địa phương hỗ trợ thêm đến 30%, nhưng vẫn có nhiều người không có thẻ.
Hoạt động trong chiến dịch bao gồm: Tổ chức các đợt khám, chữa bệnh nhân đạo, cấp thuốc miễn phí lưu động; khám sức khỏe cho người có thẻ bảo hiểm y tế; phát hiện các trường hợp nặng giới thiệu chuyển tuyến; Đồng thời tư vấn sức khỏe, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng bệnh, dinh dưỡng hợp lý, an toàn… Kết hợp với các hoạt động nhân đạo khác: trao quà, trao nhà tình nghĩa, tặng bò, tặng thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng nghèo. Bên cạnh đó cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hiến máu, hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác. |
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo vnexpress)