Sau hơn bảy năm đi vào cuộc sống, chính sách về Bảo hiểm xã hội (BHXH) không ngừng hoàn thiện theo hướng bảo đảm quyền tham gia và quyền được thụ hưởng của người lao động, có sự chia sẻ giữa những người tham gia BHXH, giảm dần sự chênh lệch về lương hưu giữa những người lao động thuộc các thành phần kinh tế khác nhau; quyền lợi của người lao động, người về hưu được bảo đảm và từng bước được cải thiện.
Tuy nhiên, lĩnh vực này cũng còn nhiều tồn đọng cần chấn chỉnh. Đó là diện bao phủ BHXH còn thấp (khoảng 20% lực lượng lao động); quản lý nhà nước về BHXH chưa đáp ứng yêu cầu; việc tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách còn thiếu sót; doanh nghiệp nợ và trốn đóng BHXH còn nhiều; việc sử dụng quỹ chưa chặt chẽ, nhất là quỹ hưu trí, tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần; tình trạng người lao động lạm dụng chính sách bảo hiểm thất nghiệp xảy ra khá phổ biến.
Trong khi đó, Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành chưa có chế tài đủ mạnh để ràng buộc doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động. Cả nước hiện có 300 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động nhưng chỉ một nửa trong số đó đóng BHXH đầy đủ. Tình trạng nợ đọng BHXH xảy ra ở hầu hết các địa phương, lĩnh vực với số tiền đến nay gần 12.000 tỷ đồng. Cũng đã có hàng trăm doanh nghiệp bị khởi kiện ra tòa, nhưng tình trạng nợ BHXH vẫn không giảm. Doanh nghiệp cố tình chiếm dụng tiền bảo hiểm của người lao động làm vốn kinh doanh, vì tiền nộp phạt còn thấp hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng. Thực trạng đó càng cho thấy, tại kỳ họp này Quốc hội dành thời gian thảo luận, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH là hết sức cần thiết, thể hiện sự nhất quán chủ trương của Đảng, xem đây là trụ cột của chính sách an sinh xã hội quốc gia.
Trong số nhiều nội dung của Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) thì cách tính lương hưu cho người tham gia BHXH được dư luận quan tâm nhất. Nhiều đại biểu Quốc hội cũng băn khoăn giữa một trong hai phương án: Giữ nguyên như cách tính cũ là 15 năm, hay thực hiện cách tính mới theo hướng tăng có lộ trình thời gian đóng BHXH tối thiểu lên 20 năm, làm mốc khởi điểm, sau đó cứ mỗi năm đóng BHXH được cộng thêm 2% (với nam) và 3% (với nữ), để tính lương hưu. Tuy nhiên, điều mà cử tri và người dân quan tâm là dù cách tính nào thì cũng không để người lao động bị thiệt. Ông Bùi Sĩ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội thừa nhận: “Ban soạn thảo rất đau đầu khi đưa ra phương án tính lương hưu”. Nhưng dù có đau đầu, thì cử tri cũng mong các vị tìm ra cách tính tối ưu. Không thể vì lo vỡ quỹ BHXH mà làm cho lương hưu thấp hơn hiện tại, đời sống của người về hưu khó khăn hơn. Thứ trưởng Bộ Tài chính, kiêm Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cũng cho rằng: Tăng tuổi về hưu (tăng thời gian đóng BHXH) chỉ là một trong rất nhiều giải pháp.
Sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội là để Luật tiến bộ hơn, nhằm bảo đảm an sinh xã hội, hướng tới mục tiêu năm 2020 có khoảng 50% lao động tham gia, để BHXH thật sự trở thành trụ cột của chính sách an sinh quốc gia. Muốn làm được điều ấy, ngoài việc điều chỉnh chính sách để tăng nhanh diện bao phủ, khuyến khích BHXH tự nguyện, cần tăng chế tài đối với những doanh nghiệp cố tình xâm phạm lợi ích của người lao động, gây thiệt hại, thất thu cho Quỹ BHXH và ngân sách Nhà nước.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo nhandan.org.vn)