Sau 5 năm thâm nhập thị trường bảo hiểm Việt Nam, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Xuân Thành mới chỉ chiếm được 1% thị phần.
Tiền thân của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Xuân Thành (XTI) là Công ty cổ phần Bảo hiểm Thái Sơn (GMIC), được thành lập năm 2009. Trong 3 năm đầu, doanh thu của công ty tăng trưởng 10%/năm. Tuy nhiên, 2 năm sau Tập đoàn Kinh tế Xuân Thành của ông Nguyễn Đức Thụy (Bầu Thụy) đã tham gia tái cơ cấu và đổi tên công ty này thành Tổng công ty Bảo hiểm Xuân Thành. Đó cũng là hai năm doanh thu công ty chững lại.
Lý do, theo ông Nguyễn Văn Dũng, Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tổng công ty là sau khi tái cơ cấu, công ty không đặt nặng hiệu quả doanh thu, mà đặt hiệu quả dịch vụ sản phẩm đối với khách hàng.
Hiện Bảo hiểm Xuân Thành tham gia thị trường ở phân khúc bán lẻ và chiếm 60-70% doanh thu bán bảo hiểm, ô tô, xe máy, học sinh, giáo viên ở các tỉnh lẻ, còn lại tài sản kỹ thuật chiếm 20-25% doanh thu.
Năm 2014, Xuân Thành đặt kế hoạch đạt 200 tỷ đồng doanh thu, hiện nay đã đạt 70-75% kế hoạch này. Năm 2015, công ty này dự kiến tăng trưởng 10% doanh thu.
Bảo hiểm Xuân Thành sẽ có nhiều hoạt động tri ân khách hàng để có cơ hội tăng thêm thị phần trên thị trường đang cạnh tranh rất gay gắt |
Sau 5 năm thâm nhập thị trường, công ty bảo hiểm này mới chỉ chiếm 1% thị phần, nằm trong top 20 công ty bảo hiểm trên thị trường Việt Nam. Do đó, trong giai đoạn 5 năm tới, công ty có tham vọng phải chiếm được 5% thị phần và lọt vào top 10.
Ông Dũng cũng như lãnh đạo Tập đoàn Xuân Thành rất tự tin với kế hoạch trên. Lý do, công ty ra đời trong giai đoạn kinh tế trì trệ, nhưng thị trường còn nhiều tiềm năng.
Hiện doanh thu toàn thị trường bảo hiểm của Việt Nam chỉ đóng góp 1,5% GDP, trong khi ở khu vực châu Âu, Mỹ doanh thu từ bảo hiểm đóng góp 10-15% GDP cho mỗi nước, tại Đông Nam Á cũng đóng góp 5-7% GDP của mỗi nước.
“Nếu ở nước ngoài, kinh tế càng khó khăn thì bảo hiểm càng có cơ hội tăng trưởng vì họ chú trọng đến bảo vệ tài sản của họ, nhưng ở Việt Nam thì ngược lại. Bảo hiểm chỉ được quan tâm sau cùng, khi nào các khoản chi còn thừa thì mới mua bảo hiểm. Đây là nghịch lý mà Việt Nam cần khắc phục trong thời gian tới”, ông Dũng nói.
Đó là chưa kể đến thách thức chung về thị trường. Trong đó, thị trường phát triển rất mạnh, cạnh tranh gay gắt theo kiểu không lành mạnh. Các công ty tham gia thị trường vẫn chưa cạnh tranh công bằng với chất lượng dịch vụ tốt cho khách hàng, chủ yếu cạnh tranh bằng ngoại giao, không cấm được bảo hiểm trong ngành.
Trong bối cảnh như vậy, để đạt được tham vọng chiếm 5% thị phần trên toàn thị trường trong vòng 5 năm tới, Tổng công ty này phải cạnh tranh bằng thị trường ngách và nâng cao chất lượng dịch vụ bảo hiểm đúng nghĩa, nhanh và đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng và không thể thiếu hoạt động tri ân.
Nhân kỷ niệm 5 năm gia nhập thị trường (21/12/2009 – 21/12/2014), Tổng công ty đã có chương trình: “Bốc thăm trúng thưởng – vi vu cùng Vios” với giá trị giải thưởng gần 1 tỷ đồng. Đây được coi là động thái khích lệ tới khách hàng khi tham gia mua các sản phẩm của công ty.
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo baodautu.vn)