Ngày 21/10, phát biểu tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội kỳ 8 khóa XIII về tình hình kinh tế, xã hội đất nước năm 2014, đại biểu Tâm đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần đánh giá thẳng thắn hơn về vấn đề này. Đó là trách nhiệm của mỗi người, mỗi đại biểu, không thể đổ lỗi cho ai.
Đại biểu Nguyễn Quang Vinh (Hải Phòng) chung quan điểm, nợ công đang ở mức báo động, lên đến 25%, cần đánh giá đúng thực tế thì mới có giải pháp. Nếu để con số ở mức báo cáo đẹp đẽ thì rât nguy hiểm và nếu Chính phủ cứ tích tụ, giấu diếm thực tế thì sẽ đến lúc không thể giải quyết được vấn đề.
Đại biểu Lê Thị Nga – Thái Nguyên cũng đề nghị, đánh giá của Chính phủ phải thể hiện rõ sự chuyển biến ở từng lĩnh vực chứ không nên đánh giá “na ná” như nhau giữa các năm, nhiều định tính mà ít định lượng.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Quốc Cường – Bắc Giang cho rằng, để khắc phục sự trì trệ, yếu kém trong phát triển kinh tế thời gian qua thì không thể chỉ bằng những quyết tâm chiến lược, những tuyên bố lớn.
“Chúng ta phải làm rõ việc thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế, trách nhiệm thế nào, nếu không tập trung cao thì lại đầu voi đuôi chuột. Tôi có cảm giác hướng dẫn của trung ương cho các đơn vị thực hiện tái cơ cấu không rõ, không cẩn thận dễ mạnh ai nấy làm rồi không xác định được lỗi ở đâu, không biết sửa tại đâu”, đại biểu Cường nói.
Từ góc độ bàn về ngân sách, đại biểu NguyễnVăn Phúc, thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, phải phân tích rõ nguồn thu để thấy thực chất của nền kinh tế. Năm nay, trong nguồn thu từ thuế của chúng ta, thu từ thuế VAT lại nhiều hơn là từ thuế thu nhập doanh nghiệp, trong khi thuế thu nhập doanh nghiệp mới là thực chất của nền sản xuất.
“Chúng ta nhìn vào thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ thấy sản xuất của chúng ta quá có vấn đề. Thuế thu nhập DN chiếm 26% trong tổng thu ngân sách, nhưng trong đó thì thu từ dầu khí chiếm 35%. Như vậy, cơ cấu thu tăng là do dầu khí, do tài nguyên chứ không từ sản xuất. Nếu Chính phủ nói tăng thu ngân sách thì từ đâu, từ dầu khí, tài nguyên? Báo cáo cho thấy cơ cấu rõ quá, chủ yếu thu từ dầu khí. Còn lại sức khỏe doanh nghiệp thế nào?”, đại biểu Phúc nêu vấn đề.
Đại biểu Lê Thanh Hải – Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhất trí, nợ công cao là điều đáng lo, nhưng cái đáng lo hơn là chúng ta sử dụng đồng vốn vay này hiệu quả như thế nào, mà điều này thể hiện rõ qua số liệu đảo nợ hàng năm.
Tại sao chúng ta xuất siêu, phải chăng vì không sản xuất được nên không nhập khẩu? – Đó là câu hỏi được đại biểu Nguyễn Anh Sơn – Nam Định đưa ra tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế xã hội sáng nay, 21-10.
“Giải pháp chủ yếu, quan trọng là chúng ta phải tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hồi phục và phát triển, từ đó mới có tăng trưởng, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống người lao động”, đại biểu Sơn nói.
Đại biểu Trần Quang Chiểu – Nam Định cũng cho rằng, Chính phủ cần phải nhìn thẳng vào vấn đề, các mặt tồn tại để khắc phục. Đặc biệt, Chính phủ phải tập trung vào việc trả nợ, vì nợ nhiều rất đáng quan ngại, bởi nếu giảm bội chi mà tăng nợ thì “như nhau”. Vì vậy, việc tăng thu là cần thiết nhưng bội chi vẫn chỉ nên ở mức 5,3% thôi, còn lại tập trung cho trả nợ.
“Điều chúng ta quan tâm nhất là nhiệm vụ trả nợ tăng đột biến 3 năm qua: năm 2013 là 22,3% tổng thu ngân sách nhà nước, năm 2014 là 26,2%, năm 2015 dự kiến 32,9%. Song điều chúng tôi quan tâm, Ủy ban Tài chính của Quốc hội rất lo ngại là chúng ta có nguồn lực để trả không?”, đại biểu Chiểu nêu vấn đề.
Đại biểu Chiểu phân tích, trong 3-4 năm gần đây chúng ta không có đủ tiền để trả nợ, mà phải vay để đảo nợ, trong đó năm 2014 dự kiến đảo nợ 77 nghìn tỷ; năm 2015 dự kiến đảo nợ 130 nghìn tỷ, chiếm gần 50% tổng số nợ phải trả trong khi tăng GDP lại không cao. Như vậy, vấn đề nợ công, bội chi và tình hình ngân sách trong nước là rất khó khăn trong ngắn hạn, nếu không có biện pháp tích cực khắc phục, nếu không tìm được nguồn từ thực lực của nền kinh tế thì sẽ báo động đến an ninh, an toàn tài chính quốc gia.
Đại biểu Chiểu kiến nghị sửa đổi luật ngân sách nhà nước và luật quản lý nợ công theo tinh thần “chủ đạo là ngân sách trung ương, nhưng chủ động là ngân sách địa phương”, Chính phủ chỉ bảo lãnh những chương trình dự án trọng điểm quốc gia, ảnh hưởng đến kinh tế vùng, do Quốc hội phê chuẩn, từ đó hạn chế tình trạng chuyển từ nợ dự phòng sang nợ chính thức.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo hanoimoi.com.vn)