(TBKTSG) – Trong bối cảnh ngày càng nhiều doanh nghiệp né tránh nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), đã có nhiều ý kiến cho rằng nếu chỉ sử dụng chế tài hành chính hoặc dân sự hiện hành là không đủ răn đe đối tượng vi phạm. Theo họ, cần bổ sung tội danh hình sự liên quan đến các vi phạm nghĩa vụ trích nộp bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế (BHYT) vào Bộ luật Hình sự.
Vấn đề đặt ra: liệu hình sự hóa một quan hệ dân sự – hành chính có phải là giải pháp hiệu quả cho xã hội?
Hình sự hóa dựa trên cơ sở pháp lý nào?
Thông thường một đề xuất hình sự hóa bất kỳ hành vi nào của doanh nghiệp có lẽ cần xét trên hai phương diện chủ yếu. Một là cần xem xét thêm nội hàm khái niệm “tội phạm” cũng như căn cứ xác định tội phạm đối với hành vi vi phạm luật BHXH, định lượng được tính nguy hiểm cho xã hội phải ở mức độ đáng kể mới được coi là tội phạm. Hai là tội phạm hóa trong lĩnh vực này liệu có tạo dựng tốt hơn quan hệ lao động giữa người lao động (NLĐ) và doanh nghiệp, đặc biệt là cải thiện được chính sách an sinh xã hội, đồng thời duy trì môi trường đầu tư thân thiện.
Cả lý luận và thực tiễn khoa học pháp lý cho thấy việc định danh, bổ sung một loại tội phạm mới vào Bộ luật Hình sự không đơn thuần chỉ nhằm tăng cường tính răn đe đối với một hành vi vi phạm pháp luật khi cơ quan quản lý “sốt ruột” vì các biện pháp khác chưa hiệu quả. Hình sự hóa một quan hệ dân sự cần tuân thủ các yếu tố cấu thành về mặt chủ quan và khách quan của tội phạm, tránh tước đoạt các quyền hiến định của công dân, doanh nghiệp. Ở góc độ xã hội, việc xác định một hành vi vi phạm có phải là tội phạm hay không cần định danh “nạn nhân” cũng như mức độ gây nguy hiểm cho “nạn nhân” nói riêng và xã hội nói chung đối với nhóm hành vi vi phạm đó.
Nói một cách khái quát, nạn nhân của tội phạm là cá nhân hay tổ chức phải chịu những thiệt hại trực tiếp về tính mạng, sức khỏe, tinh thần, tài sản hoặc các quyền và lợi ích hợp pháp khác do hành vi phạm tội gây ra.
Một khi hình sự hóa tội “trốn” đóng BHXH và chiếm dụng tiền đóng BHXH thì phạm vi cá nhân, tổ chức chịu thiệt hại do hành vi “trốn” và “chiếm dụng” BHXH đến đâu, mức độ thiệt hại và tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi này như thế nào.
Về bản chất quan hệ giữa NLĐ và người sử dụng lao động chỉ đơn thuần là một quan hệ dân sự phát sinh từ khế ước lao động song phương hoặc tập thể. Hành vi chậm đóng hay không thực hiện BHXH là vi phạm nghĩa vụ tài chính, trong nhiều nghĩa vụ tài chính mà doanh nghiệp vẫn đối mặt. Do vậy, hành vi này có đủ gây nguy hiểm cho xã hội đến mức cần định danh là tội phạm đòi hỏi sự cẩn trọng của nhà quản lý, nhà làm luật. Hình sự hóa vô hình trung sẽ gia tăng áp lực cho doanh nghiệp, làm tăng nhu cầu “lách luật” của doanh nghiệp, chẳng hạn, giảm thiểu mức lương cơ bản, cắt giảm phúc lợi tự nguyện mà bản thân mỗi doanh nghiệp dành cho NLĐ của mình dựa trên kết quả hợp tác từ hai phía, chứ không đơn thuần là xây dựng chính sách hoặc buộc thực hiện một chính sách để “cưu mang” NLĐ.
Bảo hiểm xã hội và an sinh xã hội
BHXH nhằm mục đích bù đắp hoặc thay thế một phần thu nhập cho người lao động (NLĐ), đảm bảo cho cuộc sống của NLĐ và gia đình trước biến cố rủi ro như tai nạn nghề nghiệp, thai sản, mất việc, tuổi già, bệnh tử. Để xây dựng như một nguồn quỹ dự phòng, các bên tham gia bảo hiểm thực hiện theo nguyên tắc đóng – hưởng và cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò hỗ trợ việc thu, truy thu, quản lý, chi trả BHXH. Việt Nam chưa có luật an sinh xã hội riêng biệt như một số quốc gia có hệ thống an sinh xã hội và phúc lợi xã hội phát triển, Luật Bảo hiểm xã hội 2006 (Luật BHXH) và Luật Bảo hiểm y tế là cơ sở để xây dựng hệ thống an sinh cho người dân. Nghĩa vụ đóng BHXH phát sinh từ quan hệ hợp đồng lao động, theo đó người sử dụng lao động chịu trách nhiệm kê khai, tự đóng và đồng thời trích từ tiền lương, tiền công của NLĐ để đóng vào quỹ BHXH. Nguyên nhân các khoản nợ BHXH ngày càng tăng, xuất phát chủ yếu từ việc lẩn tránh nghĩa vụ đóng BHXH của doanh nghiệp. |
Giải pháp nào?
Chế tài nhằm đảm bảo việc thu – đóng BHXH tại nhiều quốc gia có hệ thống an sinh xã hội phát triển ở châu Âu, Hoa Kỳ chủ yếu vẫn tập trung vào việc xử phạt vi phạm hành chính như cưỡng chế thu hồi khoản BHXH mà doanh nghiệp chưa đóng hoặc chậm đóng. Ở Pháp mức phạt là 4 lần mức trần đóng hàng tháng. Ở Đức mức phạt là 1% mỗi tháng chậm đóng và ở Mỹ là từ 2-10% số tiền vi phạm.
Tại một số quốc gia châu Á như Malaysia, Singapore và Hàn Quốc, cơ quan bảo hiểm chủ động gửi yêu cầu thông báo trước khi tiến hành xử lý vi phạm hành chính với mức phạt tiền tương ứng.
Xu hướng chung vẫn là áp dụng chế tài nặng về kinh tế hơn là bổ sung thêm chế tài hình sự hóa một quan hệ kinh tế, dân sự.
Xét cho cùng một quốc gia nếu để phát sinh nhiều hành vi mất kiểm soát và buộc bổ sung tội phạm, hình phạt thì việc cần làm đầu tiên là thành thật đánh giá lại hiệu quả sử dụng công cụ quản lý nhà nước, trách nhiệm của các cơ quan hữu quan, thay vì trầm trọng hóa thêm mối quan hệ xã hội đó.
Bên cạnh chế tài xử phạt hành chính, NLĐ còn được bảo vệ thông qua tổ chức công đoàn, cơ quan bảo vệ quyền lợi đồng hành cùng NLĐ tại doanh nghiệp. Pháp luật hiện hành cho phép NLĐ có quyền đình công, bãi khóa, tự mình khởi kiện, hoặc cơ quan công đoàn có quyền khởi kiện vụ án lao động tại tòa án có thẩm quyền trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động. Khung pháp luật như vậy khá linh hoạt, chỉ có vai trò của công đoàn, cơ quan thực thi hữu quan và những bên có trách nhiệm bảo vệ NLĐ còn mờ nhạt.
Nói không với doanh nghiệp không đóng bảo hiểm
Xây dựng và phát triển hệ thống an sinh xã hội là mục tiêu của nhiều quốc gia trong tiến trình nâng cao an sinh xã hội cho người dân. Những bất cập trong việc thực hiện chính sách an sinh này, không phải không có đủ biện pháp chế tài hành chính, dân sự mà do chưa có cơ chế thực thi hiệu quả.
Trong bối cảnh suy giảm kinh tế, cũng cần cân nhắc đối với đề xuất áp dụng chế tài hình sự khi cách ly ra khỏi đời sống xã hội một nhà đầu tư, một người đứng đầu doanh nghiệp chỉ vì họ vi phạm nghĩa vụ tài chính phát sinh từ khế ước với NLĐ. Theo thống kê của cơ quan BHXH Việt Nam, tổng dư nợ BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp hiện vượt hơn con số 11.000 tỉ đồng. Đây là khoản tiền lớn so với phúc lợi khiêm tốn cho hàng chục triệu người làm công ăn lương nếu bị sa cơ. Nhưng con số này vẫn là nhỏ so với thất thoát do lãng phí, tham nhũng, chiếm dụng tài sản công.
Một chủ thể vi phạm một nghĩa vụ tài chính nên trả giá bằng trừng phạt kinh tế. Đồng thời, một bản án có hiệu lực của tòa án đã tuyên buộc chủ doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ truy nộp BHXH cho NLĐ mà doanh nghiệp vẫn “lẩn trốn, thoái thác” thì cũng đã đủ căn cứ xử lý hình sự đối với tội bất tuân án lệnh, thay vì định danh thêm tội phạm và hình phạt.
Chính sự “tẩy chay” của xã hội khi doanh nghiệp lẩn tránh trách nhiệm với nhân viên, với cộng đồng mới là sự trừng phạt thích đáng.
Bảo Hiểm Bảo Việt