Doanh nghiệp “đổ bệnh”, người lao động lao đao

Vào thời điểm những tháng cuối năm, lo lắng lớn nhất đối với chính quyền TPHCM là làm sao chỉ đạo, giải quyết đến nơi đến chốn các doanh nghiệp còn nợ lương, BHXH, các bất cập còn tồn đọng liên quan đến tăng ca, kế hoạch thưởng tết,… để đảm bảo quyền lợi cho công nhân, người lao động trên địa bàn.
 
 
Thời điểm “nhạy cảm”
 
Dù mới trung tuần tháng 10, tuy nhiên tính đến thời điểm này, số DN nợ lương, BHXH của công nhân, người lao động (CN,NLĐ) đã bắt đầu có dấu hiệu phức tạp. Theo BHXH huyện Củ Chi, vừa qua hàng trăm CN, NLĐ đã phản ánh Công ty CP nhựa Trường Thịnh (KCN Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) đã nợ lương CN từ năm 2011 đến nay, với tổng số tiền lên đến hơn 6 tỷ đồng. Trong đó, dù công ty cho biết chỉ đóng BHXH cho CN đến 2011 nhưng vẫn trừ lương CN vào mỗi tháng để đóng BHXH. Nhiều CN còn phản ánh, công ty này còn không chi trả các khoản tiền liên quan thiết thân đến quyền lợi của CN, như: tiền thai sản, tai nạn lao động,…Trong đó, đến nay nhiều công nhân vẫn chưa nhận được lương của tháng 6 và tháng 7, mà chỉ tạm ứng một khoản rất nhỏ (400 – 900 ngàn/người) khiến cho đời sống NLĐ gặp vô vàn khó khăn. 
 
Ngành LĐTBXH Q.6 cũng đau đầu nhiều tháng qua khi hàng trăm các CN Công ty TNHH Bách Hợp nghỉ làm đòi lương, BHXH. Tuy nhiên, giám đốc công ty này đã “biến mất” khỏi địa phương khiến nợ lương, BHXH của hàng trăm CN của nhiều tháng trong năm 2014 có nguy cơ mất trắng, với tổng số tiền ước tính lên đến gần 600 triệu đồng. Tương tự, các Công ty May gia công D&D và Công ty TNHH SMY Việt Nam (cùng trên huyện Hóc Môn) đến nay vẫn nợ lương công nhân nhiều tháng liên tiếp. Thậm chí, chủ DN công ty may D&D có dấu hiệu bỏ trốn từ thời điểm cuối tháng 9 năm nay. 
 
Trên địa bàn Q.Bình Tân, CN công ty TNHH Kiên Tường cũng đang lâm vào tình cảnh tiến thoái lưỡng lan, khi giám đốc công ty này nợ lương và BHXH của CN với số tiền đã lên đến hơn 1,8 tỷ đồng. Tại công ty may mặc TNHH MTV Zoinus, lãnh đạo công ty cũng đột ngột “biến mất” từ nhiều ngày qua, để lại khoản nợ lương, BHXH tháng 8, 9 của CN. Hậu quả cuối cùng vẫn là hàng trăm CN, NLĐ của công ty phải ngậm ngùi gánh…
 
Trước diễn biến phức tạp nêu trên, chính quyền TP.HCM đang rốt ráo tìm các giải pháp tháo gỡ. Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó GĐ Sở LĐTBXH TPHCM, tình trạng DN chây ì, chậm chi trả lương, BHXH cho CN và NLĐ là do một phần tác động bởi bối cảnh kinh tế khó khăn từ đầu năm đến nay. Giải pháp hiện tại là Sở LĐTBXH TP phối hợp cùng LĐLĐ TP để tổ chức thanh tra, xử lý, cũng như nắm bắt phãn ánh của NLĐ để tìm hướng giải quyết cụ thể. Trong đó, đối với các trường hợp DN chiếm dụng tiền đóng BHXH của CN thìThanh tra lao động sẽ chủ động xử phạt, kiện DN ra tòa. Đối với CN, NLĐ có thể liên hệ với LĐLĐ các quận, huyện mà DN đóng chân trên địa bàn để làm thủ tục nhận lại sổ BHXH, cũng như được hướng dẫn các chính sách hỗ trợ khác.
 
Giải pháp từ gốc
 
Dễ thấy không riêng gì năm 2014 mà thời điểm cuối năm từ 2012 cho đến nay không năm nào CN và NLĐ không rơi vào tình cảnh khó khăn do chủ DN bỏ trốn, cũng như chây ì các khoản nợ lương, thưởng và BHXH. Trong khi đó, việc khiếu kiện DN ra tòa, hay các giải pháp hỗ trợ cho CN, NLĐ vẫn mang tính chất tạm thời và sự vụ. Phần lớn CN,NLĐ khi rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng lan thường lẳng lặng rời thành phố về quê, hoặc cố gắng xin việc tại một công ty khác. Dù rằng, một phần khó khăn trên do động của bối cảnh kinh tế khó khăn, nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng sau 5 năm thực hiện Luật bảo hiểm thất nghiệp, CN & NLĐ vẫn chưa được tiếp cận với loại bảo hiểm này. Lý do là DN vẫn tìm mọi cách để “lách luật”trốn đóng BHXH, BHTN, trong khi thực tế CN vẫn phải chi trả các khoản BHXH mỗi tháng.
 
Theo thống kê, trên địa bàn TPHCM còn khoảng 50.000 DN tư nhân vừa và nhỏ chưa tham gia BHXH, cũng như chưa thành lập tổ chức công đoàn. Từ thực tế này, TP.HCM tìm hướng đi lâu dài khi tiến hành 6 chương trình đột phá, cân đối lại cung – cầu nguồn lao động, trong khi ưu tiên mạnh mẽ cho các KCX, KCN chất lượng cao, giảm bớt tình trạng sử dụng NLĐ chưa qua đào tạo, rất dễ dẫn đến các rủi ro về quyền lợi chính đáng khi xảy ra tranh chấp lao động.
 
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó GĐ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, dự báo nhân lực có chuyên môn kỹ thuật cao, lao động lành nghề sẽ được các nhà tuyển dụng cnhắm đến trong vài năm tiếp theo. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay là nguồn lao động đã qua đào tạo mới chỉ chiếm 50-60% tổng số lao động trên địa bàn thành phố. 
 
Trong năm nay, Sở LĐTBXH Thành phố HCM cũng công bố triển khai kế hoạch thực hiện Đề án phát triển quan hệ lao động giai đoạn 2014-2020. Đề án nhắm đến mục tiêu giải quyết quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong bối cảnh kinh tế còn diễn biến khó khăn như hiện nay. Đồng thời, đề án nhằm tạo cơ chế để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên trong quan hệ lao động. Đây có thể coi là hướng đi lâu dài của TPHCM khi thúc đẩy các giải pháp hiệu quả để chủ động phòng ngừa tranh chấp lao động và giải quyết đình công, nợ lương, BHXH của CN như thời gian qua.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo daidoanket.vn)

 

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.