Hầu hết người lao động khi làm việc đều mong muốn được tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) để được trợ giúp những khi khó khăn, yếu thế và về già hưởng lương hưu. Nhưng đang có tới gần 80% người lao động không thực hiện được mong muốn chính đáng ấy.
Ít người tham gia
Dù cho rất nhiều lý do được đưa ra để biện minh nhưng có một thực tế không khác được, đó là tỷ lệ người tham gia BHXH hiện nay quá thấp, chỉ chiếm khoảng 20% lực lượng lao động. Tại cuộc Hội thảo về tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội mới được Báo Nhân Dân và cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức, bà Nguyễn Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) chia sẻ, chỉ có khoảng 20% số dân trong độ tuổi về hưu được hưởng lương hưu, còn lại 80% người già trong độ tuổi từ khoảng 60 đến 80 tuổi không có bất cứ nguồn thu nhập hay trợ cấp hằng tháng nào, để lại khoảng trống rất lớn trong chính sách an sinh xã hội ở nước ta hiện nay.
Có một điều rất mâu thuẫn là, mặc dù nhu cầu được tham gia BHXH của người lao động rất lớn nhưng tốc độ phát triển người tham gia BHXH bắt buộc lại rất chậm, bình quân chung chỉ đạt khoảng 5% mỗi năm. Số tăng bình quân này tương đương với số người xin hưởng BHXH một lần và không tham gia BHXH nữa, khoảng 500.000 người/năm. Như vậy, nếu cấn trừ số người tham gia mới với số người ngừng tham gia thì số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội hằng năm không tăng trưởng.
Theo lý giải của bà Nga, do Luật Bảo hiểm xã hội hiện thời vẫn chưa mở rộng việc tham gia bắt buộc với những người có hợp đồng lao động dưới ba tháng, số doanh nghiệp trốn đóng BHXH gia tăng… Ông Mai Ðức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động lại cho rằng, không thể quản lý được chính các doanh nghiệp thuộc diện bắt buộc phải đóng BHXH cho người lao động. “Cơ quan BHXH chỉ thu được tiền từ những doanh nghiệp tự đăng ký mà không biết được số doanh nghiệp bắt buộc phải đóng là bao nhiêu, như vậy cùng với việc trốn đóng, nợ đọng, hàng trăm nghìn người mất quyền lợi tham gia BHXH vì thế”, ông Chính nói.
Do khó khăn nâng số người tham gia BHXH bắt buộc lên, nên chính sách BHXH tự nguyên được đưa ra nhằm thu hút nhiều hơn nữa số người tham gia, nâng cao tỷ lệ bao phủ của chính sách BHXH lên thêm nữa. Tuy nhiên, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định, số người tham gia BHXH tự nguyện rất thấp, chỉ chiếm khoảng 0,22% số người thuộc diện tham gia. Theo ông Lợi, cần nhìn lại việc thực hiện các chính sách BHXH và hiệu quả của chính sách này. “Các công ty tham gia bảo hiểm có mạng lưới cộng tác viên sâu rộng, đến từng gia đình trong khi chế độ BHXH chưa huy động được vai trò của các tổ chức xã hội – nghề nghiệp vận động người dân tham gia và nâng cao nhận thức về việc này”, ông Lợi bình luận.
Những thực tế trên đã phản ánh sự bất cập lớn trong việc thiết kế chính sách, thực thi và giám sát thực hiện BHXH. Sau nhiều năm thực hiện, số người tham gia BHXH vẫn “giậm chân tại chỗ” như vậy nên để thực hiện được mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH như Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 – 2020 thì cần những giải pháp quyết liệt, tích cực hơn nữa.
Sửa luật: chưa đủ!
Ðể khắc phục các hạn chế trong chính sách BHXH, bà Nga cho biết, hiện nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang thực hiện sửa luật Bảo hiểm xã hội theo hướng mở rộng số người tham gia BHXH bắt buộc đối với người lao động có hợp đồng từ một tháng trở lên, tăng chế tài để bảo đảm tính tuân thủ trong thực hiện, mở rộng người tham gia tự nguyện, điều chỉnh mức đóng cho phù hợp và linh hoạt… Ðặc biệt, phương thức tổ chức thực hiện chính sách BHXH cũng sẽ được đổi mới như xã hội hóa các tổ chức cung cấp dịch vụ BHXH (thu qua cơ quan thuế, chi trả qua ngân hàng hoặc bưu điện), nghiên cứu mô hình tổ chức BHXH phù hợp…
Tuy nhiên, ông Mai Ðức Chính cho rằng, điều cần thiết nhất là giám sát thực hiện và chế tài đủ mạnh để bảo đảm tính tuân thủ của việc tham gia BHXH. “Cần bổ sung quy định người lao động có thể trình hợp đồng lao động để báo cho cơ quan BHXH mình thuộc đối tượng tham gia bắt buộc, bổ sung vào Bộ luật Hình sự sửa đổi tội trốn đóng BHXH, BHYT và tội chiếm dụng khoản tiền này của người lao động”, ông Chính đề xuất.
Cũng theo ông Chính, bản thân cơ quan BHXH Việt Nam cần có cơ chế phối hợp tốt hơn với ngành kế hoạch và đầu tư để nắm đủ số lượng đơn vị và số lao động phải tham gia BHXH, ngành lao động- thương binh và xã hội cần nghiên cứu cách giải quyết quyền lợi cho người lao động trong trường hợp đã trích tiền lương đóng BHXH nhưng doanh nghiệp lại trốn đóng…
Trong nhiều giải pháp, làm cách nào để nâng cao nhận thức của chính người lao động, xây dựng cho người lao động một cơ chế tự bảo vệ và đòi hỏi được đáp ứng quyền lợi là điều cần thiết nhất. Bởi trong thực tế tại nước ta, khi số lượng lao động dư thừa nhiều, người lao động vì cần có một việc làm nên đã “nhắm mắt” làm ngơ và thỏa hiệp để chủ sử dụng vi phạm quyền lợi của chính mình. Ðây chính là cản trở lớn nhất với việc tăng độ bao phủ của chính sách BHXH ở nước ta.
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo tuoitre.vn)