Ngoài những quy định mới được nhìn nhận là khá “dễ thở”, đa số DN cho rằng, quy định về khống chế tỷ lệ chi phí tại Dự thảo còn nhiều điểm chưa hợp lý.
Cụ thể, Điều 6, Thông tư 125 bổ sung điểm a, Khoản 1, Điều 19 theo 3 phương án: phương án 1: khống chế chung một tỷ lệ chi cho các DN bảo hiểm; phương án 2: khống chế một tỷ lệ chi theo nhóm các DN bảo hiểm căn cứ vào tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu; phương án 3: khống chế một tỷ lệ chi theo nhóm các DN bảo hiểm căn cứ vào quy mô doanh thu.
Theo đại diện một DN bảo hiểm phi nhân thọ, cả ba phương án trên đều không hợp lý, thậm chí, phương án 1 nếu được áp dụng có thể “bóp chết” các DN mới hoặc DN có doanh thu thấp.
Theo lý giải của vị lãnh đạo này, khi một công ty bảo hiểm mới ra đời, riêng việc đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin cốt lõi (máy tính cá nhân và bản quyền sử dụng các phần mềm văn phòng, các phần mềm quản lý nghiệp vụ, kế toán, tổng đài, hệ thống máy chủ, hệ thống thông tin liên lạc, máy văn phòng, v.v.) đã mất tối thiểu 2 triệu USD; chi phí vận hành hệ thống văn phòng, chi phí nhân viên, chi phí xây dựng thương hiệu cũng có thể mất tới 1-2 triệu USD/năm. Trong khi đó, doanh thu trong những năm đầu lại khá thấp… Vì thế, chi phí quản lý (không bao gồm hoa hồng và bồi thường) trong năm đầu hoạt động của một DN bảo hiểm có thể lên đến 500% doanh thu, năm thứ hai có thể giảm xuống, nhưng cũng phải ở mức 200 – 300% doanh thu.
“Công ty bảo hiểm đầu tư lớn, nhưng việc thu hồi vốn lại chậm. Trung bình, họ cần khoảng 8 năm để đạt đến điểm hòa vốn, công ty nào xuất sắc lắm mới có thể đạt điểm hòa vốn sau 5 – 6 năm. Để lấy lại vốn đầu tư thì có thể phải mất đến 12-15 năm. Tỷ lệ chi phí quản lý trên doanh thu phí bảo hiểm gốc thường có xu hướng giảm dần khi quy mô doanh thu của DN tăng lên. Tuy nhiên, ngay cả những DN có quy mô lớn, làm ăn rất hiệu quả thì tỷ lệ chi phí quản lý vẫn chiếm đến 20% doanh thu”, vị đại diện trên phân tích.
Đại diện một DN bảo hiểm nhân thọ cũng cho rằng, phương án 1, phương án 2 của Dự thảo chỉ sử dụng cụm từ “chi quản lý” là chưa hoàn toàn phù hợp với quy định tại khoản 1, Điều 19, bởi có thể dẫn đến những cách hiểu khác nhau, trong đó có thể hiểu là chi phí quản lý chung cho tất cả các hoạt động của DN, trong đó bao gồm hoạt động kinh doanh bảo hiểm, hoạt động quản lý nhân sự, hoạt động marketing, mua sắm trang thiết bị văn phòng…
Ngoài ra, cả 3 phương án đều quy định chi phí cho các khoản chi quản lý, chi bán hàng và các khoản chi trực tiếp khác được tính toán dựa trên tỷ lệ phần trăm (%) doanh thu phí bảo hiểm gốc…
Quy định này có thể dẫn đến sự không công bằng cho các DN bảo hiểm có quy mô vừa và nhỏ, bởi lẽ, DN càng có doanh thu phí bảo hiểm gốc cao thì sẽ con số tuyệt đối được chi càng lớn. Từ đó, các DN bảo hiểm lớn có thể sử dụng các khoản chi cao để lôi kéo nhân sự/quản lý kinh doanh cấp cao của DN khác, gây xáo trộn và mất cân đối cho thị trường nhân sự cấp cao.
Vị đại diện này cũng đề nghị cơ quan soạn thảo Thông tư xem xét lại phương án 3 khi cộng gộp cả chi hoa hồng vào mức khống chế tối đa cho các khoản chi hoạt động kinh doanh bảo hiểm…
Ngoài những bất cập trên, đại diện một DN bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài còn cho rằng, trước đây, tỷ lệ hoa hồng môi giới là 15%, nay Dự thảo điều chỉnh chỉ bằng với đại lý bảo hiểm là chưa hợp lý. Bởi lẽ, môi giới bảo hiểm hoạt động chuyên nghiệp và là đại diện cho khách hàng, các môi giới muốn hoạt động ở Việt Nam phải xin phép rất khó và cũng phải có vốn pháp định theo quy định.
“Môi giới phải chịu trách nhiệm đối với các tư vấn của họ theo pháp luật. Trong khi đại lý bảo hiểm chỉ là bên giới thiệu dịch vụ, là đại diện cho công ty bảo hiểm, hoạt động không cần vốn pháp định, các tư vấn của đại lý do công ty bảo hiểm chịu trách nhiệm. Quy định bất hợp lý này có thể ảnh hưởng rất nhiều đến các môi giới nước ngoài đang hoạt động Việt Nam”, vị đại diện trên góp ý.
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo tinnhanhchungkhoan.vn)