Ban soạn thảo dự án Luật Bảo hiểm Xã hội sửa đổi đưa ra 2 cách tính đều có “mẫu số” chung là lương hưu sẽ giảm ít nhất 10%
Ngày 26-9, tiếp tục phiên họp toàn thể, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (Ủy ban) đã cho ý kiến về Luật BHXH sửa đổi (dự án).
Nam, nữ nghỉ hưu đều thiệt
Theo đề xuất của cơ quan soạn thảo là Bộ LĐ-TB-XH, dự án đưa ra 2 công thức tính lương hưu. Phương án 1: Điều chỉnh tỉ lệ hưởng lương hưu hằng tháng theo lộ trình, từ năm 2018, lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, tương ứng với 15 năm đóng của lao động nữ và 20 năm của lao động nam. Sau đó, cứ thêm mỗi năm được tính thêm 2%, tối đa bằng 75%. Phương án 2: Số năm đóng BHXH tương ứng với 45% bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu cho người nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm; mỗi năm sau tăng thêm một năm và từ 2022 trở đi là 20 năm. Sau đó, cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% với nam và 3% với nữ, tối đa bằng 75%.
Chủ nhiệm Ủy ban Trương Thị Mai cho biết Thường trực Ủy ban tán thành với phương án 1. Tuy nhiên, trong điều kiện tuổi nghỉ hưu thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động thì cần phải tính toán để giảm thiểu tác động bất lợi đối với người nghỉ hưu, nhất là nữ.
Đại biểu Quốc hội Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) cho rằng với cả 2 phương án thì cả nam và nữ đều thiệt khi nghỉ hưu. Bởi, tính theo phương án 1 thì người lao động 30 năm khi nghỉ hưu được hưởng 65%. Theo quy định hiện hành, nam và nữ với 30 năm công tác đều được hưởng 75%. Vì vậy, nếu áp dụng phương án 1 và nghỉ hưu từ ngày 1-1-2018 thì lương hưu sẽ giảm 10% so với cách tính hiện nay; nếu theo phương án 2, đến năm 2018 mức hưởng của nam và nữ là 73%; năm 2022 mức hưởng của nam là 65% và nữ là khoảng 60%- 61%.
Tán đồng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Bùi Sỹ Lợi nói: “Tính cách nào thì người lao động cũng bị giảm lương hưu, nhất là nữ, vì nữ không được điều chỉnh tuổi hưu lên 60”. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân thừa nhận với 2 công thức tính lương hưu được đề xuất thì kiểu gì mức hưởng cũng giảm. Vì vậy, để tránh giảm “sốc” thì phải thay đổi tỉ lệ tích lũy.
O bế công chức, thiệt tư nhân
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Văn Tiên nói thẳng: “Có sự bất bình đẳng trong cách tính hiện nay về mức hưởng lương hưu giữa lao động ở khu vực nhà nước và tư nhân. Luật đặt vấn đề bảo vệ người làm công ăn lương của nhà nước nhiều quá”.
Cùng quan điểm, ông Lợi phân tích người lao động ở khu vực tư nhân tiền lương đóng rất cao với thu nhập bình quân từ 5-10 triệu đồng/tháng nhưng về hưu thì lương thấp vì phải chia bình quân cho cả quá trình.
Đại diện cơ quan soạn thảo cho hay sở dĩ có sự bất bình đẳng về lương hưu giữa khối nhà nước và tư nhân là do những chính sách hiện hành. Hiện chưa có người về hưu ở khu vực tư nhân nên chưa thấy rõ chênh lệch lớn về mức hưởng lương hưu giữa 2 khu vực này. Còn theo lộ trình, phải đến năm 2045 mới có được sự bình đẳng về cách tính tiền lương bình quân làm cơ sở tính lương hưu BHXH cả 2 khu vực.
Để tạo sự công bằng, ông Lợi đề nghị phần chênh về mức hưởng lương hưu của khu vực công, lực lượng vũ trang thì ngân sách phải bù chứ không được lấy quỹ lương của khu vực sản xuất kinh doanh để bù sang. Ông Tiên nói thẳng: “Nếu cứ o bế lực lượng vũ trang và cán bộ công chức nhà nước mà nhà nước không bỏ tiền thì thật mất công bằng cho người lao động”.
Bảo đảm chủ quyền, an ninh biển đảo
Chiều 26-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo. Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang nêu rõ dự án luật này quy định về quản lý tổng hợp các hoạt động điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trong phạm vi vùng bờ, vùng biển và các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam. Việc lập, phê duyệt, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển; giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân để khai thác, sử dụng tài nguyên biển thực hiện theo quy định của Luật Biển Việt Nam.
Góp ý cho dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền nhấn mạnh Hiến pháp đã quy định rất rõ chủ quyền biển, đảo và trong tình hình phức tạp hiện nay, cần khẳng định rõ trong luật vấn đề chủ quyền biển, hải đảo. Chủ quyền này cần thể hiện rõ ngay từ tên gọi của luật.
P.Nhung
Chỉ 7% doanh nghiệp báo cáo tai nạn lao động
Chiều cùng ngày, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội họp thẩm tra dự án Luật An toàn vệ sinh lao động. Ông Bùi Sỹ Lợi cho biết hiện chỉ có 7% doanh nghiệp báo cáo tai nạn lao động, với tỉ lệ tại nạn lao động chết người bình quân 5,5/100.000 lao động. “Một năm có 600 vụ tai nạn chết người nhưng con số ngành y tế báo cáo gấp 20 lần” – ông Lợi băn khoăn. Còn theo Đại biểu Quốc hội Lê Trọng Sang (TP HCM), thực tế việc khai báo về tai nạn lao động là không đầy đủ. Hầu hết khi có tai nạn chết người dẫn tới phải truy tố, điều tra thì các đơn vị mới báo cáo, nhiều trường hợp sau khi “thỏa thuận” xong thì gia đình đưa nạn nhân về quê mà không có ý kiến gì. Hiện Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp còn kết dư 16.000 tỉ đồng. Lý do vì chưa thực hiện đầy đủ chính sách hỗ trợ, phòng ngừa tai nạn lao động.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo nld.com.vn)