Đẩy mạnh doanh thu bán lẻ, đặc biệt là bảo hiểm xe cơ giới là chiến lược của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.
Trong khi một số công ty bảo hiểm phi nhân thọ khá ung dung, không phải lo “chạy” doanh thu trong những tháng đầu năm, vì còn được hưởng “ké” doanh thu từ những hợp đồng tái tục hay doanh số phát sinh từ cuối năm trước, thì không ít công ty bảo hiểm khác phải đôn đáo “chạy” doanh thu.
Bảo hiểm đi bán dạo (tràn ra đường để bán), khái niệm này nghe có vẻ trào phúng, nhưng trong giai đoạn “người khôn, của khó” hiện nay, cái gì tạo ra doanh thu đều được các đại lý bảo hiểm tận dụng. Chỉ cần làm một cái banner, đặt ở ngã tư – nơi nhiều người dừng xe và cũng dễ gây chú ý là người bán bảo hiểm xe cơ giới đã có thể bán bảo hiểm cho khách hàng.
Bảo hiểm xe cơ giới mang lại doanh thu khá lớn
Những hình ảnh như vậy không khó bắt gặp tại các thành phố như Hà Nội hay TP. HCM, đặc biệt là ở vỉa hè nhiều ngã tư, hay các góc phố giờ cao điểm. Cũng dễ hiểu tại sao các công ty bảo hiểm khi muốn đẩy mạnh doanh số đều tăng cường quảng bá hay khuyến mại bảo hiểm xe cơ giới. Nghiệp vụ đơn giản, dễ bán, doanh thu không nhỏ, tuy cũng có trục lợi nhưng vẫn kiểm soát được, đó là những lý do khiến bảo hiểm xe cơ giới được các công ty bảo hiểm quan tâm.
Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước cho biết, doanh thu bảo hiểm xe gắn máy là khá lớn, có đơn vị bán được vài tỷ đồng/tháng. Đó là chỉ tính chi nhánh, còn tính doanh thu sản phẩm này của cả công ty, con số này có thể lên tới cả trăm tỷ đồng/tháng đối với những công ty có nhiều chi nhánh.
“Với những công ty bảo hiểm có mạng lưới bán, đại lý lại đông thì có thể ngồi không cũng thu được cả tỷ đồng tiền phí, giờ đẩy mạnh bằng mọi cách thì doanh thu cả trăm tỷ đồng cũng không quá khó”, vị đại diện trên nói.
Thực tế, đẩy mạnh doanh thu bán lẻ, đặc biệt là bảo hiểm xe cơ giới chính là chiến lược đã được xác định từ cuối năm 2012 của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.
“Có thể, từ quý II/2013, Công ty sẽ có một số chiến dịch để khởi động cuộc đua doanh thu. Bắt đầu là bằng các chương trình khuyến mại bảo hiểm xe gắn máy, có thể không bung ra đường như nhiều công ty bảo hiểm khác đang làm, nhưng sẽ là những chương trình hấp dẫn”, đại diện một công ty bảo hiểm phi nhân thọ chia sẻ. Ông này cho biết, cao trào của của các cuộc thi đua tăng doanh số sẽ được Công ty đẩy mạnh vào cuối quý III và đầu quý IV/2013, với các chương trình thi đua “chạy nước rút”…
Trong khi đó, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm khác cho hay, các chương trình khuyến mại bảo hiểm xe cơ giới đã được trình Ban giám đốc để có thể “chạy” từ đầu quý II/2013.
Thực tế, trong chiến lược đẩy mạnh bán lẻ được các công ty bảo hiểm đưa ra, ngoài bảo hiểm xe cơ giới (bao gồm ô tô và xe máy) còn có cả bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm tai nạn con người, bảo hiểm nhà tư nhân, các sản phẩm bảo hiểm tích hợp ngân hàng (bảo hiểm người gửi tiền, bảo hiểm người vay vốn). Tuy nhiên, nếu như các sản phẩm khác như bảo hiểm nhà tư nhân còn rất khó bán, doanh thu thấp, thì bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm tai nạn con người đang bị trục lợi nhiều và khó kiểm soát, nên các công ty bảo hiểm cũng e dè khi đẩy mạnh sản phẩm này ra thị trường. Đối với bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm tai nạn con người, tuy doanh thu không phải thấp, nhưng hầu như vẫn lỗ, đặc biệt là bán lẻ – lỗ vì khó kiểm soát vấn đề trục lợi.
Tìm hiểu của ĐTCK ở một công ty bảo hiểm phi nhân thọ trong nước cho thấy, với bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm tai nạn con người, nếu bán qua môi giới thì tỷ lệ bồi thường khoảng 60 – 70% doanh thu, còn nếu bán lẻ thì tỷ lệ bồi thường có thể lên tới 80 – 90% doanh thu; cộng cả chi phí hoa hồng và các chi phí khác thì cầm chắc thua lỗ.
“Công ty vẫn tập trung cho bảo hiểm xe cơ giới như nhiều công ty bảo hiểm khác, vì nghiệp vụ này dễ triển khai đại trà cho đại lý, nguy cơ trục lợi cũng được đang kiểm soát”, vị đại diện trên nói.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo ĐTCK)