Tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) của nhiều doanh nghiệp từ lâu đã trở thành “căn bệnh” khó chữa. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người lao động và gây khó khăn trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Tình trạng nợ đọng BHXH ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động
CôngThương – Thất thu đóng bảo hiểm
Thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy, hiện nay, số đối tượng có quan hệ lao động thuộc diện tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) bắt buộc là 16 triệu người, nhưng mới có gần 11 triệu lao động tham gia BHXH bắt buộc, còn khoảng 5 triệu lao động chưa được tham gia BHXH, BHYT. Điều này cũng đồng nghĩa với việc quỹ BHXH, BHYT sẽ không thu được khoảng 56.000 tỷ đồng/năm, làm cho trên 5 triệu người mất quyền được bảo đảm các chế độ an sinh xã hội cơ bản.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính từ năm 2007 đến hết năm 2013, số nợ BHXH, BHYT, BHTN luôn tăng cao. Cụ thể, năm 2007 là 1.734 tỷ đồng; đến hết năm 2013 trên 6,4 nghìn tỷ đồng và tính đến ngày 31/8/2014, tổng số nợ trên 11,5 nghìn tỷ đồng. Số nợ tăng cao, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của người lao động (NLĐ), dẫn đến tình trạng NLĐ khiếu nại, tố cáo, thậm chí có nơi còn tổ chức đình công, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Ngoài số lao động không tham gia đóng BHXH, hiện nay, nhà nước còn thất thu một khoản không nhỏ tiền nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm. Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiện có trên 300.000 đơn vị, DN đang hoạt động, nhưng chỉ có 150.000 đơn vị, DN đăng ký tham gia BHXH. Ngoài nguyên nhân chủ quan trốn đóng BHXH, còn do những nguyên nhân khách quan bất khả kháng như giải thể, phá sản. Trong đó, 849 doanh nghiệp giải thể, phá sản với số tiền nợ bảo hiểm 63,2 tỷ đồng; 6.773 doanh nghiệp không còn giao dịch với số tiền nợ 495 tỷ đồng; 179 doanh nghiệp có chủ nước ngoài bỏ trốn với số tiền nợ gần 55 tỷ đồng.
Từ năm 2010 – 2013, các cơ quan BHXH đã khởi kiện gần 4.000 doanh nghiệp nợ BHXH ra tòa với số nợ 1.790 tỷ đồng, nhưng tổng số tiền thu được chỉ trên 733 tỷ đồng. |
Đồng bộ nhiều giải pháp
Tại Hội thảo lấy ý kiến bổ sung tội danh về BHXH, BHYT vào Bộ luật Hình sự (sửa đổi) được tổ chức mới đây, ông Phan Văn Mến – Trưởng Ban Pháp chế, BHXH Việt Nam- cho biết: Các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT đang gia tăng có tính chất ngày càng phức tạp với hình thức tinh vi. Các vi phạm này không chỉ gây thiệt hại đến quỹ BHXH, BHYT, mà còn đặc biệt ảnh hưởng tới quyền lợi thiết yếu của NLĐ.
Theo đánh giá của ông Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, xảy ra thất thu đóng BHXH là do hạn chế trong chế tài xử phạt vi phạm thuộc lĩnh vực này. Để khắc phục tình trạng này, TS. Phạm Đỗ Nhật Tân- nguyên Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cần sửa đổi Luật BHXH theo hướng mở rộng đối tượng tham gia; vận hành theo nguyên tắc đóng- hưởng nhằm bảo đảm công bằng giữa các nhóm lao động tham gia BHXH, và có tính chia sẻ giữa các thế hệ; hỗ trợ về tài chính cho NLĐ tham gia BHXH tự nguyện, ưu tiên NLĐ khu vực nông thôn, lao động làm việc phi chính thức…
Bên cạnh đó, liên quan đến việc trốn đóng BHXH, cần có những quy định chặt chẽ về trách nhiệm của người đại diện pháp luật cũng như quy định về việc triệu tập, dẫn độ chủ doanh nghiệp là người nước ngoài bỏ trốn, để giải quyết quyền lợi cho NLĐ. Mặt khác, cần có quy định bắt buộc các doanh nghiệp thực hiện ký quỹ an toàn, để trong trường hợp chủ doanh nghiệp bỏ trốn thì sẽ lấy số tiền đó giải quyết quyền lợi cho NLĐ và các đối tác liên quan…
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo baocongthuong.com.vn)