Các DN mua bảo hiểm vẫn chủ yếu để đối phó với các cơ quan chức năng theo kiểu “mua cho có”.
Tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp, nhưng người dân và DN vẫn thờ ơ với sản phẩm bảo hiểm này
Vụ nổ kinh hoàng tại nhà hẻm số 384 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TP. HCM rạng sáng ngày 24/2 vừa qua khiến 11 người chết và nhiều người bị thương, thiệt hại về tài sản rất lớn khó có thể ước tính. Nhìn lại tình hình cháy nổ thời gian qua có thể thấy, tình hình an toàn cháy nổ đang ở mức báo động.
Số liệu từ Ban chỉ đạo Tuần lễ quốc gia an toàn vệ sinh lao động – phòng chống cháy nổ cho thấy, trong năm 2012, cả nước xảy ra 1.751 vụ cháy làm 73 người chết, 136 người bị thương, thiệt hại về tài sản trị giá 1.114 tỷ đồng; 29 vụ nổ, làm chết 11 người, bị thương 50 người, thiệt hại về tài sản ước tính 307 tỷ đồng…
Ngoài những nguyên nhân khách quan khiến tình trạng cháy nổ diễn biến phức tạp thì cần phải nhấn mạnh rằng, nguyên nhân chính phát xuất từ các yếu tố chủ quan. Các DN và người dân vẫn chưa có những quan tâm cũng như nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác phòng chống cháy nổ. Mặc dù ngay từ tháng 4/2007, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 28/2007/QĐ-BTC về việc ban hành cháy nổ bắt buộc, sau đó được điều chỉnh bổ sung bằng Thông tư 220/2010/TT-BTC, quy định sản phẩm bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc này áp dụng cho các DN, cơ quan, tổ chức, cá nhân có cơ sở nguy hiểm về cháy nổ theo Phụ lục 1 – Nghị định 35/2003/NĐ-CP, nhưng tình hình cháy nổ vẫn hết sức phức tạp. Mới đây nhất, Nghị định 52/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy đã có hiệu lực từ ngày 5/8/2012 cùng với những biện pháp tuyên truyền tích cực của các cơ quan chức năng, nhưng xem ra tình hình vẫn chưa được cải thiện.
Số vụ tổn thất tập trung vào các ngành có xác suất cháy nổ cao như chế biến gỗ, hóa chất, dệt may, da giầy…, nhưng công tác phòng chống cháy nổ vẫn thường bị các DN xem nhẹ.
Hiện nay, có khá nhiều công ty bảo hiểm cung cấp sản phẩm bảo hiểm cháy nổ. Tuy nhiên, theo các công ty bảo hiểm phi nhân thọ, các DN mua bảo hiểm chủ yếu để đối phó với các cơ quan chức năng theo kiểu “mua cho có”, chứ chưa xem đây là một phần của công tác quản trị DN. Còn đối với các cá nhân, sản phẩm bảo hiểm nhà tư nhân cũng là một điều gì đó xa lạ, mặc dù sản phẩm này đã có mặt trên thị trường khá lâu. Nhìn chung, người dân không quan tâm đến việc mua bảo hiểm cháy nổ trừ khi buộc phải mua, ví dụ như phải thế chấp khoản vay qua ngân hàng và được yêu cầu mua bảo hiểm.
Theo ông Trần Tam Phúc, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm AAA, phí cao không phải là nguyên nhân bảo hiểm bị thờ ơ, bởi phí bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo Thông tư 220/2010/TT-BTC về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc chỉ dao động từ khoảng 0,06 – 0,7% trên giá trị tham gia bảo hiểm và tỷ lệ phí phụ thuộc vào đặc điểm của từng đối tượng tham gia bảo hiểm cũng như các rủi ro có liên quan.
Trở lại với vụ việc đau lòng cách đây ít ngày. Sau khi vụ việc xảy ra, không chỉ các công ty bảo hiểm phi nhân thọ mà các công ty bảo hiểm nhân thọ đều rất tích cực tìm kiếm thông tin xem có khách hàng của mình không để kịp thời bù đắp một phần nỗi đau cho thân nhân của họ. Tuy nhiên, thông tin ban đầu từ các công ty bảo hiểm phi nhân thọ cho thấy, không có đơn bảo hiểm về cháy nổ nào được cấp cho sự vụ trên. Còn về phía các công ty bảo hiểm nhân thọ, cũng có ít nhất 6 công ty bảo hiểm xác nhận với Đầu tư Chứng khoán, họ không có khách hàng nào mua bảo hiểm trong sự kiện trên. CEO một công ty bảo hiểm nhân thọ nói rằng, được bảo vệ bởi bảo hiểm vẫn còn là khoảng trống quá mênh mông đối với người dân Việt Nam.
Thực tế, sau khi vụ việc trên xảy ra các cơ quan chức năng cũng “giật mình” nhận ra rằng, còn quá nhiều khoảng trống trong các quy định liên quan đến an toàn sinh mạng và tài sản của người dân. Theo quy định hiện nay, kinh doanh các mặt hàng có nguồn nguy hiểm cao độ là kinh doanh có điều kiện bắt buộc phải mua bảo hiểm cháy nổ, nhưng các hợp đồng nếu có cũng không đề cập đến thiệt hại của bên thứ ba bị liên đới vì các cơ quan chức năng cho rằng, có lẽ nên bổ sung thêm quy định mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp và bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc đối với bên thứ ba cho các loại hình kinh doanh có độ nguy hiểm cao. Các công ty bảo hiểm phi nhân thọ cho biết, thực tế, cả hai sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp và bảo hiểm trách nhiệm cộng đồng (dành cho bên thứ ba) đều đã được triển khai khá lâu ở thị trường Việt Nam, nhưng hầu như chỉ có các DN nước ngoài hoặc liên doanh mới hỏi đến những sản phẩm này, còn với DN Việt Nam vẫn còn rất mới mẻ.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo ĐTCK)