Mua BHYT là một mục tiêu của nếp sống mới
Những năm 2010-2011, Sơn La là tỉnh “trắng” tỷ lệ mua BHYT cho hộ cận nghèo, nhưng tới thời điểm này, đã có hàng chục ngàn hộ tham gia. Đến với xã Chiềng Xôm, TP.Sơn La, ông Lù Văn Thiện – Chủ tịch UBND xã cho biết: Chiềng Xôm có hơn 1.300 hộ dân với trên 3.000 nhân khẩu. Ngoại trừ một số cán bộ công chức, hưu trí, đối tượng chính sách, trẻ em, thì hầu hết người dân đều nằm trong diện không có BHYT miễn phí.
“Thực hiện xây dựng nông thôn mới, chúng tôi đã gắn hoạt động tham gia mua BHYT tự nguyện vào nội dung bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hiện nay, gần 80% số dân trong xã đã mua BHYT. Nhưng cái quan trọng là người dân được giải thích để hiểu về quyền lợi và tự nguyện tham gia BHYT chứ xã, bản không ép buộc” – ông Thiện cho hay.
Bản Hụm là một trong những bản điểm xây dựng nông thôn mới của xã Chiềng Xôm. Từ khi xây dựng nông thôn mới, xã đã đề ra nhiều nhiệm vụ cụ thể, sát với điều kiện cuộc sống của bà con để tổ chức thực hiện. Một trong những nhiệm vụ ấy là vận động bà con tham gia mua BHYT tự nguyện. Ông Quàng Văn Phóng – Trưởng bản phấn khởi cho biết: “Hiện bản chúng tôi hầu như không còn hộ nghèo, bởi vậy, việc mỗi người bớt ra mấy chục ngàn đồng/tháng để mua BHYT cũng không có gì là khó khăn lắm. Hơn nữa, bây giờ hiểu biết nâng cao nên ai cũng lo cho sức khỏe, khi ốm đau là tìm đến y tế công lập nên cái bảo hiểm nó thiết thực lắm, chẳng ai tiếc tiền nữa đâu. Dân bản mua hết cả rồi”.
Anh Lò Văn Hội – Trưởng bản Sơn Pha, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tâm sự: “Về đây tái định cư, chúng tôi bị cắt đi nhiều khoản ưu đãi mà trước đây ở quê cũ (huyện Quỳnh Nhai – địa bàn đặc biệt khó khăn) vẫn được hưởng, trong đó có BHYT. Nhưng bây giờ có nhiều cái bệnh lạ, bệnh nguy hiểm, cũng chẳng ai biết mình sẽ mắc phải lúc nào, bởi thế chúng tôi động viên nhau cố gắng bớt chút tiền sinh hoạt hàng ngày để có tiền mua BHYT tự nguyện. Mỗi tháng mất mấy chục ngàn nhưng cũng yên tâm hơn khi không may bị ốm đau phải đi điều trị”.
Không còn phải tới thầy lang
Tại Thanh Hóa, tới thời điểm này cũng đã có tới gần 6.000 người cận nghèo mua thẻ BHYT. Đến Bệnh viện Đa khoa huyện Bá Thước, chúng tôi thấy hầu như toàn bộ bệnh nhân ở đây đều là các đối tượng được sử dụng thẻ BHYT của người nghèo, người cận nghèo. Nếu như trước đây, khi ốm đau, người dân thường tìm đến các thầy lang để cúng thì từ khi mua và được cấp thẻ BHYT, mỗi lần bị ốm đau họ đều đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị. Ông Hoàng Văn Đồng ở xã Điền Trung thuộc diện hộ cận nghèo cho biết: “Thẻ BHYT hộ cận nghèo được hỗ trợ tới 70%, tôi chỉ bỏ ra thêm 30% tiền đóng phí. Có cái thẻ BHYT mới yên tâm chữa bệnh”.
Ông Cao Minh Huấn- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Bá Thước cho biết: “Bá Thước là một trong 62 huyện nghèo của cả nước, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Nhờ chính sách BHYT và Dự án hỗ trợ y tế các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiều bệnh nhân nghèo và cận nghèo được mở rộng cơ hội điều trị bệnh tật”.
Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa cũng thống kê, đã có 5.973 người cận nghèo mua thẻ BHYT tự nguyện. Nhờ đó, khi có bệnh, họ tự tin đến các cơ sở y tế để khám và điều trị bệnh kịp thời…