KTĐT – Ngày 18/9, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đã lấy ý kiến đóng góp của đại diện các ngành, đơn vị vào Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Đồng tình với việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc đối với nhóm đối tượng làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ một tháng đến dưới 3 tháng để tránh tình trạng lách luật và bảo vệ quyền lợi cho người lao động, nhưng nhiều ý kiến cho rằng phải tăng cường quản lý Quỹ BHXH, quy định rõ về trách nhiệm trong việc triển khai quy định mở rộng đối tượng tham gia. Theo Giám đốc BHXH quận Đống Đa Phạm Duy Đỉnh, những quy định trong Dự Luật chưa khả thi lắm vì vẫn chưa chỉ ra ai chịu trách nhiệm, cần làm rõ để tránh tình trạng trì trệ, khó khả thi khi mở rộng tiếp, đồng thời góp ý: Việc này nên giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND các cấp để có sự kiểm điểm, đánh giá trách nhiệm, mới tránh được tình trạng lách luật.
Xung quanh vấn đề về điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động, nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng độ tuổi được hưởng lên 5 năm là không hợp lý. Đồng thời, đề nghị giữ nguyên như luật hiện hành: Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi trở lên có thời gian đóng BHXH 20 năm nếu bị suy giảm khả năng lao động 61% trở lên có thể được về hưu trước. Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Tô Thị Thanh Hương lý giải: Thực tế mà bị giảm 61% sức lao động đã rất yếu rồi. Nên thay vì tăng tuổi đối với các đối tượng này khi được hưởng lương hưu, cần quy định chặt chẽ công tác giám định sức khỏe của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Chiều cùng ngày, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đã lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Trong đó, khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi luật, bởi thực tế đã có nhiều bất cập, khó thực hiện. Nhiều ý kiến đề nghị thay thế chế định bảo đảm bằng chế định khám xét, tịch thu tài sản; giảm bớt các khâu thi hành án và giữ nguyên thẩm quyền của cơ quan ra quyết định thi hành án là Toà án Nhân dân.
Với Dự án Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN, nhiều ý kiến đề nghị các cơ quan soạn thảo, Quốc hội cần xem xét kỹ các quy định về phạm vi đầu tư vốn, phân phối lợi nhuận sau thuế và tiền lương, thưởng của người lao động và người quản lý DN… để tránh tình trạng thất thoát.
Bảo Hiểm Bảo Việt