Khốn đốn khi qua “cửa ải” bảo hiểm xã hội

GiadinhNet – Thông tin lương cán bộ ngành bảo hiểm xã hội cao hơn 180% so với lương công chức đang hâm nóng dư luận. Thực trạng này đã khiến nhiều đại biểu Quốc hội lên tiếng. Còn người dân, khi nghe nhắc tới các thủ tục liên quan đến bảo hiểm xã hội (BHXH) lại thêm một lần bất bình.

Khốn đốn khi qua “cửa ải” bảo hiểm xã hội 1

Bà Hà Thị Giáp “dở khóc, dở mếu” vì một con dấu BHXH. ảnh: M.A

 
“Nổi da gà” khi qua… bảo hiểm
Hàng loạt các ý kiến, dẫn chứng đã được nhiều đại biểu Quốc hội đưa ra để phản đối mức lương được cho là chưa hợp lý nêu trên. Số liệu của Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội giai đoạn 2007-2012, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc tăng bình quân 5,4%/năm nhưng nợ bảo hiểm bắt buộc tăng từ 1.734 tỷ đồng năm 2007 lên 4.274 tỷ đồng vào cuối năm 2012.
Ngoài nợ đọng tăng cao thì việc đầu tư của BHXH cũng “có vấn đề”. Đại biểu Quốc hội đưa ra dẫn chứng, năm 2008, BHXH dùng 83.973 tỷ đồng đầu tư thu được 11,76% lợi nhuận, đến năm 2012 đầu tư 218.742 tỷ đồng chỉ đem lại 10% lợi nhuận. Như vậy, lợi nhuận mà BHXH đem lại khi đầu tư hàng trăm ngàn tỷ đồng quãng thời gian trên chỉ đạt 9,5%/năm, nhưng thực tế tốc độ lạm phát bình quân giai đoạn này là 12,5%/năm. Tính ra, hoạt động đầu tư của BHXH đã bị “thâm” vào vốn. Trong khi khi đó, lương của cán bộ bảo hiểm lại cao gấp 1,8 lần lương công chức bình thường là điều… bất thường.
Con số nêu trên được công bố đã ngay lập tức gây bất bình dư luận. Người dân bức xúc bởi khi có vấn đề liên quan đến bảo hiểm họ lại… được những “công bộc” lương cao chăm sóc theo kiểu “củ hành”.  Ông Trần Ngọc (trú tại phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cho biết, cần cải cách thủ tục hành chính liên quan đến bảo hiểm do thời gian chờ quá lâu và quá nhiều khâu rườm rà.
Nhắc đến thủ tục bảo hiểm, bà Hà Thị Giáp (thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) vẫn bức xúc dù sự việc đã xảy ra khá lâu. Bà Giáp cho biết, chỉ vì một con dấu “đã thu tiền” của cán bộ bảo hiểm đóng “chệch” mà bà đã phải chịu cảnh khổ sở cả ngày tại một bệnh viện ở Hà Nội. Theo tài liệu bà Giáp cung cấp cho thấy, sau khi nhận được phiếu chụp CT có dấu của BHXH, bà đã cầm tờ giấy này tới phòng khám. Tuy nhiên, cán bộ tại đây đã yêu cầu bà Giáp phải ra điểm giao dịch của BHXH để “Đề nghị xem lại dấu…”. Con trai bà Giáp đã năm lần bảy lượt đề nghị cán bộ BHXH xem lại dấu theo yêu cầu của cán bộ tại phòng khám thì cán bộ BHXH không chấp thuận. Sau đó con dấu đã đóng này bị gạch bỏ và bà Giáp không được hướng dẫn để xử lý sự cố nêu trên.
 
Tiết kiệm được 10.000 tỷ đồng/năm
Những phản ánh của người dân về những khó khăn, mất nhiều thời gian  liên quan đến BHXH, không phải không có căn cứ. Những con số mới được công bố vào cuối tháng 8 vừa qua trong hội thảo triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ về giảm thủ tục hành chính, thời gian, chi phí nộp thuế và BHXH cho doanh nghiệp do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cùng Hội Tư vấn thuế Việt Nam tổ chức đã chứng minh cho cái sự khổ của người dân khi đi làm bảo hiểm. Theo đó, thời gian nộp thuế, BHXH tại Việt Nam được Ngân hàng Thế giới công bố mới đây là vào khoảng 872 giờ/năm. Hội nghị này cũng đã dẫn chứng tính toán của chuyên gia quốc tế về phát triển môi trường kinh doanh của tổ chức USAID, việc giảm thời gian làm thủ tục thuế, hải quan, BHXH ở Việt Nam từ 1.000 giờ/năm xuống còn 872 giờ/năm giờ đã giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được gần 10.000 tỷ đồng/năm. Theo Tổng cục Thuế, trong 872 giờ nêu trên thì thời gian đóng BHXH đã chiếm đến 416 giờ. Như vậy, công đoạn đóng, giải quyết các vấn đề liên quan đến BHXH chiếm thời gian không nhỏ trong các thủ tục hành chính mà người dân phải đối mặt.
Về vấn đề tiêu tốn thời gian của người dân và doanh nghiệp liên quan đến BHXH, bà Nguyễn Thị Hằng Nga, đại diện BHXH Việt Nam đưa ra lập luận cho rằng, cơ quan bảo hiểm vừa tổ chức thu, vừa tổ chức chi nên số giờ thực hiện lớn. Ngoài ra, do năng lực vận dụng và giải quyết của cán bộ BHXH yếu kém, thiếu linh hoạt. Theo bà Nga, để giảm số giờ nộp BHXH, ngành BHXH sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Năm 2015 triển khai trong toàn ngành phần mềm nghiệp vụ liên thông giữa các bộ phận, cấp mã cá nhân, xây dựng quy trình nghiệp vụ liên thông; đẩy mạnh giao dịch hồ sơ điện tử. Trước đây, ngày 16/5, trong cuộc họp báo về công bố các điểm mới, tính cấp thiết cần sửa đổi, bổ sung trong Luật BHXH, bà Đỗ Thị Xuân Phương, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cũng cho rằng, đơn vị này cần và sẽ thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhằm sắp xếp lại đội ngũ để có số biên chế hợp lý.
Về thực trạng mất cân đối thu – chi BHXH, Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển cho rằng, nguyên nhân là do công tác quản lý “chưa ổn” và bộ máy BHXH cồng kềnh. Về nhận định này, bà Đỗ Thị Xuân Phương, Phó Tổng giám đốc BHXHVN cho rằng, tổ chức bộ máy của BHXHVN thực hiện theo quy định của Chính phủ.
 
Bảo Hiểm Bảo Việt
Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.