(TBKTSG Online) – Theo tính toán của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH), mỗi người lao động nghỉ hưu sớm quỹ BHXH sẽ “mất” 192 triệu đồng do tăng chi giảm thu. Vì vậy, theo ông Đỗ Văn Sinh – Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam, trước mắt nếu chưa tăng được tuổi nghỉ hưu thì phải có quy định khắt khe hơn đối với việc người lao động nghỉ hưu trước tuổi.
Trao đổi với báo chí bên lề một hội nghị về BHXH diễn ra sáng nay 15-9 tại Hà Nội, ông Sinh cho hay, hiện nay tính trung bình người lao động tham gia BHXH nghỉ hưu sớm hơn tuổi quy định 3 năm rưỡi.
Ông Sinh đưa ra một phép tính đơn giản: với mức lương hưu bình quân 3,4 triệu đồng/tháng thì mỗi năm mỗi người lao động nghỉ hưu sớm, quỹ BHXH sẽ thất thu 14 triệu đồng tiền thu do người lao động và chủ sử dụng lao động đóng; đồng thời quỹ này cũng sẽ phải chi 40 triệu đồng lương hưu và 1,8 triệu đồng bảo hiểm y tế cho người lao động ấy. Chính vì vậy, mỗi năm người lao động nghỉ hưu sớm, quỹ BHXH sẽ mất 55 triệu đồng và trong 3 năm rưỡi là 192 triệu đồng.
“Hiện chúng ta có khoảng 1,1 triệu người lao động đang hưởng lương hưu, con số thất thoát của quỹ BHXH là vô cùng khủng khiếp” – ông Sinh nói.
Đồng tính với quan điểm này, ông Phạm Đình Thành, Viện trưởng Viện Khoa học BHXH cho hay, quỹ BHXH đang có nguy cơ mất cân đối nghiêm trọng. Theo tính toán, đến năm 2023, số thu BHXH bằng số chi. Từ năm 2024 trở đi, để đảm bảo chi chế độ hưu trí, tử tuất, ngoài số thu trong năm phải trích sử dụng thêm kết dư của quỹ BHXH của các năm trước. Dự kiến đến năm 2037 thì quỹ BHXH mất khả năng thanh toán nếu không có chính sách và các giải pháp tăng thu hoặc giảm chi quỹ BHXH.
Một trong những nguyên nhân, theo ông Thành là do số người nghỉ hưu trước tuổi ngày càng lớn. Tỷ lệ giảm trừ rất thấp, mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi thì giảm trừ 1% trên số lương hưu. Trong khi đó các nước khác như Đức mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi giảm tới 3,6%.
Ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác như hiệu quả đầu tư thấp, mức hưởng cao, thời gian hưởng lương hưu ở Việt Nam khá dài…
“Trước mắt khi chưa tăng được tuổi nghỉ hưu, bằng một giải pháp nào đó kiên quyết không để người lao động nghỉ hưu trước tuổi” – ông Sinh nói.
Kiện 4.000 doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm, số tiền thu hồi chỉ 733 tỉ đồng
Cũng tại Hội nghị này, tình trạng trốn đóng, nợ BHXH cũng được nhiều đại biểu đề cập đến. Theo ông Sinh, từ năm 2006 đến nay hầu như năm nào cũng có tình trạng nợ, chậm đóng BHXH. Tính đến ngày 31-8-2014, tổng nợ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là gần 12.000 tỉ đồng; trong đó riêng nợ BHXH gần 8.000 tỉ đồng.
Một trong những biện pháp mà phía BHXH đã làm là kiện gần 4.000 doanh nghiệp trong 5 năm qua. Tuy nhiên, ông Sinh cho hay, đây chỉ là giải pháp cuối cùng và kết quả không cao vì khi toà mới chỉ xử được khoảng 20% số vụ. Trong 20% số vụ này mới chỉ thu hồi được 30-35% số tiền phải thu hồi.
Lý do, theo ông Trần Văn Đạt – Phó vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp là phần lớn các doanh nghiệp nợ BHXH đều là những doanh nghiệp làm ăn khó khăn, số dư trong tài khoản gần như bằng không và một số doanh nghiệp không có trụ sở như đăng ký, hay còn gọi là trụ sở ma nên việc thi hành án rất khó.
Hơn nữa, việc cưỡng chế thi hành án cũng ảnh hưởng rất lớn tới công việc của người lao động tại chính doanh nghiệp đó nếu doanh nghiệp phá sản. Ngoài ra, thời gian thi hành án quá lâu cũng là một nguyên nhân.
Chính vì vậy, sau 5 năm thực hiện, tổng số tiền nợ BHXH thu được chỉ trên 733 tỉ đồng; trong đó số tiền thu được qua hòa giải là 270 tỉ đồng và qua xét xử hơn 463 tỉ đồng.
Bảo Hiểm Bảo Việt