Trong đó, số tiền thu được qua hòa giải là 270 tỉ đồng, qua xét xử hơn 463 tỉ đồng” – TS Trần Văn Đạt (Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật – Bộ Tư pháp) cho biết tại hội thảo BHXH Việt Nam trong những năm đổi mới và định hướng phát triển do Ban Kinh tế Trung ương và BHXH Việt Nam tổ chức sáng 15-9.
Theo TS Đạt, số bản án được thi hành chỉ đạt 77%, số tiền thu được chỉ đạt 41% trong tổng nợ BHXH đề nghị thu hồi. “Thực tế còn một số lượng lớn các bản án, quyết định của tòa trong lĩnh vực BHXH không được thi hành, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính nghiêm minh của pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân” – ông Đạt nhấn mạnh.
Theo ông Đạt, sở dĩ công tác thi hành án (THA) trong lĩnh vực BHXH gặp khó là do việc xác minh điều kiện THA không hề dễ dàng. Theo quy định, cơ quan BHXH phải tự xác minh thông tin về điều kiện THA của đơn vị nợ BHXH. Trên thực tế, việc tìm kiếm, thu thập thông tin về tiền, tài sản của các doanh nghiệp nợ BHXH là vô cùng khó khăn, dẫn đến tình trạng không đủ điều kiện yêu cầu THA.
Hiện BHXH các địa phương đều gặp tình trạng các đơn vị nợ BHXH không hợp tác cung cấp số tài khoản, thông tin về tài sản hiện có theo yêu cầu hoặc cung cấp thông tin không chính xác. Một số đơn vị nợ BHXH bị cưỡng chế THA thì tài khoản đã bị cầm cố, thế chấp hoặc cố tình tẩu tán… Nhiều trường hợp thậm chí còn không có tài sản để cưỡng chế.
TS Đỗ Văn Sinh (Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam) cho biết thêm từ năm 2006 đến nay năm nào cũng có tình trạng nợ chậm đóng BHXH. Tính đến ngày 31-8-2014, tổng nợ BHXH, BHYT, BHTN là hơn 11.651 tỉ đồng, trong đó riêng nợ BHXH là gần 8.000 tỉ đồng.
Theo tính toán của BHXH Việt Nam, đến năm 2023 số thu BHXH bằng số chi. Từ năm 2024 trở đi để đảm bảo chi chế độ hưu trí, tử tuất, ngoài số thu trong năm phải trích sử dụng thêm kết dư của quỹ BHXH của các năm trước. “Dự kiến đến năm 2037, quỹ BHXH sẽ mất khả năng thanh toán nếu không có chính sách, giải pháp tăng thu hoặc giảm chi” – ông Sinh cảnh báo.
Bảo Hiểm Bảo Việt