Ngay sau khi Nghị định ban hành, được sự chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, Sở NN-PTNT đã hướng dẫn các đơn vị chức năng và các địa phương vùng biển tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến các cấp chính quyền, đơn vị liên quan, các tổ chức, cá nhân SXKD, khai thác hải sản xa bờ.
Đồng thời, khẩn trương thống kê, rà soát lập danh sách nhu cầu vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá vỏ thép, gỗ, composite, trên cơ sở đúng đối tượng, có hoạt động đánh bắt hiệu quả, được chính quyền địa phương xác nhận, giới thiệu để vay vốn, trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách cụ thể để sớm triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, việc triển khai Nghị định cần có sự thống nhất giữa các sở ngành nhằm tạo hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi nhất để ngư dân tiếp cận nguồn vốn một cách thuận lợi, sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả và khả năng thu hồi vốn của các tổ chức tín dụng cũng được đảm bảo.
Theo Sở NN-PTNT Quảng Ngãi, các nội dung cần thống nhất với các đơn vị gồm: Đối tượng được hưởng chính sách bảo hiểm chỉ cần xác nhận của UBND xã là phù hợp, không cần thẩm định của UBND huyện và phê duyệt của UBND tỉnh.
Điều kiện vay đối với đóng mới, nâng cấp tàu hải sản và tàu dịch vụ hầu cần nghề cá chỉ cần có phương án SXKD cụ thể, không cần UBND tỉnh phê duyệt phương án SXKD vì đã có phương án vay vốn được ngân hàng thương mại thẩm định…
Về phía địa phương, việc thẩm định cho vay và báo cáo danh sách về Sở NN-PTNT thực hiện theo từng tháng, không chờ đăng ký đủ số lượng được phân bổ mới tổng hợp.
Đối với tàu đóng mới không bắt buộc chủ tàu phải trang bị máy mới. Đối với tàu nâng cấp máy bắt buộc chủ tàu phải trang bị máy mới 100% và có công suất từ 400 CV trở lên. Trình tự thủ tục hồ sơ theo mẫu công văn của Sở NN-PTNT.
Để Nghị định 67 đi vào cuộc sống, các cơ quan chức năng ở Quảng Ngãi đã tập trung phối hợp giải quyết những vướng mắc, thống nhất những giải pháp nhằm sớm hoàn thiện các văn bản để có căn cứ thực hiện. Đây cũng là điều bà con ngư dân đang mong chờ.
Theo kế hoạch triển khai Nghị định 67 ở Quảng Ngãi, giai đoạn 2014 – 2020 thực hiện 10 – 12 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng nghề cá (khu neo trú tàu thuyền, cảng cá, khu dịch vụ hậu cần nghề cá, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung) có tính chất cấp bách, đột phá phát triển thủy sản theo hướng bền vững.
Từ 2014 – 2016, triển khai chính sách tín dụng, bảo hiểm và một số chính sách khác để hỗ trợ ngư dân đầu tư đóng tàu đánh bắt và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá nhằm từng bước hiện đại hóa đội tàu khai thác hải sản xa bờ, thúc đẩy hình thành phương thức đánh bắt theo hướng liên kết, hợp tác SX.
Dự kiến từ 2014 – 2016 Quảng Ngãi cho vay vốn đóng mới 72 tàu vỏ gỗ (gồm 3 tàu dịch vụ hậu cần và 69 tàu khai thác thủy sản), chi phí bình quân 3 tỷ đồng/chiếc; 117 tàu vỏ thép và vật liệu mới (gồm 12 tàu dịch vụ hậu cần và 105 tàu khai thác thủy sản), trong đó 49 chiếc có công suất từ 400 – 800 CV, giá bình quân 7 tỷ đồng/chiếc và 68 chiếc có công suất 800 CV trở lên, giá bình quân 8 tỷ đồng/chiếc…
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo nongnghiep.vn)