Trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội sẽ bị khởi tố hình sự

Tình trạng này hiện ngày càng gia tăng đáng báo động, không chỉ ảnh hưởng đến quỹ BHXH mà cả lợi ích hợp pháp của người lao động. Cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) đang đề xuất đưa vào khởi tố hình sự đối với những trường hợp trốn đóng, chiếm dụng, nợ bảo hiểm xã hội…

Trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội sẽ bị khởi tố hình sự

Cơ quan Bảo hiểm xã hội đang đề xuất đưa vào khởi tố hình sự đối với những trường hợp trốn đóng, chiếm dụng, nợ bảo hiểm xã hội… Nguồn: internet

Xử lý 33 tỷ đồng vào ngân sách nhà nướcTại hội thảo “Bảo hiểm xã hội ở Việt Nam trong những năm đổi mới và định hướng phát triển”, Phó Tổng giám đốc BHXH Đỗ Văn Sinh cho biết, tính đến hết tháng 8/2014, tổng nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm tự nguyện (BHTN) là trên 11.651 tỷ đồng, trong đó nợ BHXH là trên 7.957 tỷ đồng, nợ BHTN là trên 608 tỷ đồng.

Ông Sinh chỉ rõ, tình trạng lạm dụng để trục lợi quỹ BHXH (ốm đau, thai sản), BHTN còn diễn biến phức tạp và chưa được kiểm soát một cách hiệu quả.

Cũng theo ông Sinh, hiện vẫn chưa có văn bản hướng dẫn giải quyết quyền lợi về BHXH của người lao động trong các trường hợp chưa đóng, chậm đóng, ngừng hoạt động của chủ doanh nghiệp bỏ trốn không trả được nợ BHXH làm ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động.

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, qua xác minh các đơn vị đang tham gia BHXH-BHYT tại 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phát hiện người sử dụng lao động chưa đóng BHXH-BHYT cho 68.055 lao động với số tiền chưa đóng BHXH-BHYT là  trên 164 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm về thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội ngày càng tăng như giải quyết sai chế độ, chậm thời gian, sai lệch về hồ sơ, hay vi phạm về thực hiện các chế độ Bảo hiểm y tế.

Kết quả giám định, kiểm tra, thẩm định y tế của ngành BHXH tại 55 tỉnh, thành phố với tổng số gần145 triệu hồ sơ khám chữa bệnh (đạt 51,2%) đã phát hiện số tiền bệnh viện thống kê chi phí khám chữa bệnh không đúng với số tiền phải xử lý là trên 571tỷ đồng.

Kết quả kiểm tra hồ sơ bệnh án khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh ở 11 tỉnh phát hiện nhiều vi phạm như: cho mượn thẻ BHYT, bệnh nhân khám bệnh không có thẻ BHYT, lập hồ sơ khống điều trị nội trú…

Kiểm tra việc đấu thầu mua thuốc cho các cơ sở y tế công lập tại một số địa phương phát hiện các dạng vi phạm với tổng số tiền gần 22 tỷ đồng. Kết quả đấu thầu tại một số địa phương xây dựng giá mời thầu cao hơn giá trúng thầu từ 47% đến 357%, giá nhiều mặt hàng thuốc trúng thầu cao hơn giá dự thầu của các nhà thầu gây thiệt hại quỹ BHYT.

Qua kết quả thanh tra, Thanh tra Chính phủ và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã kiến nghị xử lý thu nộp vào ngân sách nhà nước trên 33 tỷ đồng.

Doanh nghiệp “mánh khóe”, người lao động mất quyền lợi

Mặc dù, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã khởi kiện gần 4000 vụ vi phạm BHXH lên tòa án dân sự, song các biện pháp chế tài xử phạt còn chưa đủ sức răn đe.

Chỉ ra nhiều “mánh khóe” của doanh nghiệp để “lách luật”, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho hay, hiện nay nhiều doanh nghiệp thường có hai bảng lương, một bảng để tính thuế cho người lao động, một bảng để đóng BHXH, mức chênh lệch giữa hai bảng lương trung bình khoảng 1 triệu đồng. Với mức chênh lệch này tương đương với 24 tỷ đồng/ năm.

Với mức đóng BHXH như trên gây thiệt hại cho cả người lao động và Quỹ BHXH. Như vậy, chỉ sau 20- 30 năm đóng BHXH, khi người lao động nghỉ hưu thì tiền lương hưu chỉ đạt dưới 75% lương tối thiểu vùng.

Theo lý giải của ông Chính, mức tiền lương làm cơ sở đóng BHXH được quy định trong Luật BHXH 2006 là mức lương ghi trên hợp đồng lao động. Hiện nay, đa số các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước chỉ ký hợp đồng lao động với mức lương bằng hoặc cao hơn một chút so với tiền lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định, thấp hơn rất nhiều so với thu nhập thực tế. Phần chênh lệch giữa thu nhập thực tế người lao động tách ra làm các khoản phụ cấp và trợ cấp bổ sung khác nhằm né tránh việc đóng BHXH.

Ngoài ra, với mức phạt lãi suất chậm đóng BHXH thấp hơn mức lãi xuất vay ngân hàng, nên nhiều doanh nghiệp chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng quỹ BHXH.

“Thực tế cho thấy, việc quản lý doanh nghiệp thuộc đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc là vô cùng bất cập, nếu không nói là không quản lý được”, ông Chính bức xúc nói.

Theo phản ánh thì hiện nay, cơ quan BHXH không xác định được chính xác số lượng đơn vị, doanh nghiệp có sử dụng lao động cũng như số lượng người lao động thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc.

Vì vậy, cơ quan BHXH chủ yếu chỉ thu được tiền BHXH từ số lao động mà các đơn vị, doanh nghiệp tự đăng ký. Do đó, cùng với việc các doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng và chiếm đoạt tiền đóng BHXH của người lao động mà không tham gia BHXH thì hậu quả là hàng trăm nghìn người lao động bị “mất trắng” quyền lợi BHXH.

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo thoibaotaichinhvietnam.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.