(HQ Online)- Đây là tổng số tiền mà các doanh nghiệp giải thể, phá sản; doanh nghiệp nước ngoài bỏ trốn nợ cơ quan Bảo hiểm xã hội. Điều này đồng nghĩa với quyền lợi của 26.665 lao động chưa biết sẽ giải quyết ra sao.
Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đỗ Văn Sinh cho phóng viên Báo Hải quan biết ngày 12-9, trong số này nhóm doanh nghiệp giải thể, phá sản là 849 doanh nghiệp, với 20.146 lao động, số tiền nợ bảo hiểm là 63,2 tỷ đồng; Số doanh nghiệp không còn giao dịch là 6.773 doanh nghiệp, với 18.392 lao động, với số tiền nợ bảo hiểm là 495 tỷ đồng; Số doanh nghiệp có chủ nước ngoài bỏ trốn là 179 doanh nghiệp, với 6.127 người lao động, với số tiền nợ cũng gần 55 tỷ đồng.
“Cái khó hiện nay là các doanh nghiệp này làm gì có tiền, tài sản để mà xử lý nợ. Ngoài ra, phương án để giải quyết cho người lao động như thế nào vừa hợp tình, hợp lý, tránh thiệt thòi cho hơn 26 nghìn người lao động đang làm đau đầu cơ quan Bảo hiểm xã hội”- ông Đỗ Văn Sinh phân trần.
Quan điểm của Bảo hiểm xã hội Việt Nam là người lao động đóng đến đâu chốt sổ đến đấy. Nếu doanh nghiệp bỏ trốn vào năm 2010 thì thực hiện chốt sổ thời điểm năm 2010. Nhưng quan điểm của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng, trong trường hợp chủ sử dụng lao động đã thu tiền hoặc khấu trừ tiền lương của người lao động thì phải tính cho người lao động.
Nhưng “thực tế, để chứng minh việc chủ lao động đã thu tiền của người làm thuê nhưng không đóng cho cơ quan Bảo hiểm là rất khó khăn, mất nhiều thời gian vì chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn hoặc doanh nghiệp giải thể, phá sản. Do vậy, nếu theo phương án của Tổng Liên đoàn lao động thì cơ quan Bảo hiểm xã hội lấy đâu ra kinh phí để bù đắp khoản nợ 613 tỷ đồng này”- ông Đỗ Văn Sinh nói.
Do vậy, theo ông Đỗ Văn Sinh nếu thực hiện theo phương án đóng đến đâu chốt sổ đến đấy thì khoản tiền 613 tỷ đồng được xếp vào diện khoanh nợ vì theo Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành chưa có quy định cho xoá nợ tiền bảo hiểm mà chỉ cho phép khoanh nợ và vẫn phải trả lãi.
Trong khi cơ quan Bảo hiểm đang xin ý kiến các cơ quan ban, ngành về phương án giải quyết 613 tỷ đồng nợ bảo hiểm, cũng như giải quyết quyền lợi của 26.665 người lao động để trình Thủ tướng Chính phủ “gút” lại, thì đã đến lúc Việt Nam cần có những quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm của người đại diện pháp luật cũng như quy định về việc triệu tập, dẫn độ chủ doanh nghiệp là người nước ngoài bỏ trốn, để giải quyết quyền lợi cho người lao động. Mặt khác, cần có quy định bắt buộc các doanh nghiệp thực hiện việc ký quỹ an toàn, để trong trường hợp chủ doanh nghiệp bỏ trốn thì sẽ lấy số tiền đó giải quyết quyền lợi cho người lao động và các đối tác liên quan.
Về phía cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đề xuất phải đưa nhóm hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) như: Người sử dụng lao động không tham gia BHXH, BHYT cho người lao động; không đóng đủ số lao động và số tiền phải tham gia BHXH, BHYT; Người sử dụng lao động đã khấu trừ tiền đóng BHXH, BHYT vào lương của người lao động nhưng chiếm dụng và không nộp cho cơ quan BHXH… quy định trong Bộ Luật Hình sự (sửa đổi).
Bảo Hiểm Bảo Việt