Để bảo vệ quyền lợi người lao động, các ĐBQH đề nghị, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi nên trao quyền thanh tra cho BHXH…
Có thể thanh tra và khởi kiện
Mặc dù vẫn có ý kiến cho rằng không nên trao quyền thanh tra cho BHXH bởi việc này có thể phá vỡ pháp luật Thanh tra, tuy nhiên, đa số các ĐBQH đều đồng ý với việc sẽ cho cơ quan BHXH thẩm quyền thanh tra doanh nghiệp.
Bức xúc thay cho người lao động tại các doanh nghiệp “quỵt” tiền bảo hiểm xã hội, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nêu hiện trạng người lao động vẫn bị trích lương với lý do đóng bảo hiểm nhưng đến khi về hưu họ lại không được nhận lương hưu chỉ vì doanh nghiệp thu tiền nhưng không đóng. Ông đề nghị ban soạn thảo luật phải nghiên cứu chế tài để BHXH xử lý các doanh nghiệp vi phạm thì mới hy vọng có thể thu được tiền.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) bày tỏ quan điểm quyết liệt hơn khi đề nghị quy định trong luật về thẩm quyền thanh tra của cơ quan bảo hiểm xã hội. Theo ông, đây là lĩnh vực liên quan quyền lợi của hàng chục triệu lao động mà BHXH là cơ quan chịu trách nhiệm.
Vậy nhưng, khi các doanh nghiệp không chịu đóng bảo hiểm mà cơ quan BHXH lại phải đề nghị cơ quan thanh tra chuyên ngành của Sở LĐ-TB&XH thì rất khó thực hiện vì công việc của Sở LĐ-TB&XH đã quá nhiều. Để đảm bảo thu được quỹ từ doanh nghiệp thì cần phải trao quyền cho BHXH.
ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) đề nghị luật nên quy định về việc quản lý lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của BHXH, lợi nhuận có thể cho vào một quỹ do nhà nước quản lý và BHXH phải báo cáo hoạt động trước QH hàng năm, “thậm chí còn phải tiến hành kiểm toán hàng năm vì đây là quỹ rất lớn, liên quan đến quyền lợi của nhiều người”, ông Khanh nói. |
Bổ sung nội dung này, ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) đề nghị ngoài việc trao quyền thanh tra cho bảo hiểm thì dự thảo luật cần phải quy định về quyền khởi kiện doanh nghiệp cho các tổ chức công đoàn và quyền khởi kiện trực tiếp của người lao động để trong trường hợp tổ chức công đoàn cơ sở hoạt động không tốt thì người lao động có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình.
Phải báo cáo Quốc hội hàng năm
Trước quy định bảo hiểm xã hội báo cáo định kì 3 năm một lần tại dự thảo luật, nhiều ĐBQH không đồng tình và yêu cầu BHXH báo cáo mỗi năm một lần trước QH và phải thực hiện kiểm toán 3 năm một lần.
Phát biểu ở nội dung này, ĐB Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) phân tích: “Quy định báo cáo 3 năm một lần quá dài, phải đến giữa nhiệm kì của Thường vụ QH thì mới báo cáo, vậy đến nhiệm kì kế tiếp Thường vụ QH sẽ tiếp cận, xử lý vấn đề như thế nào?”.
Bàn thêm về chi phí của BHXH, ĐB Chi cho rằng các cán bộ BHXH hoạt động nhàn hạ hơn các cán bộ trong lĩnh vực khác nhưng lại được thụ hưởng nhiều hơn. Chế độ lương cao hơn, môi trường làm việc tiện nghi hơn… Do đó cần phải kiểm tra thường xuyên và phải xem xét lại chế độ thụ hưởng và mức chi phí của BHXH đã hợp lý hay chưa.
Quan điểm trên nhận được sự đồng tình của hầu hết các ĐBQH. ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) khẳng định mức hưởng lương 1,8 của cán bộ BHXH là quá cao so với mức trung bình nên gây dư luận không tốt. Bởi lẽ tiền nộp vào bảo hiểm là tiền của người lao động nên chi phí quản lý của BHXH phải thật thấp.