Việc tiếp tục duy trì, nhân rộng chương trình bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) cùng với việc sửa đổi Nghị định 41/2010/NĐ-CP nếu được triển khai nhanh chóng chừng nào thì mức tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn sẽ càng có cơ hội để đẩy mạnh chừng đó.
Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản 6828/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh về việc giao Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT nghiên cứu, đề xuất các biện pháp để tiếp tục triển khai Chương trình BHNN nhằm đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người dân và doanh nghiệp ở các địa phương.
Ảnh minh họa
Có thể nói việc làm này của Chính phủ thể hiện quan điểm nhất quán trong việc tiếp tục tăng cường các biện pháp hỗ trợ, ưu tiên dành vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Bởi thực tế cho thấy, sau 3 năm triển khai hoạt động thí điểm BHNN, chính sách hỗ trợ tài chính này thực sự đã tạo thêm điểm tựa cho hàng ngàn hộ nông dân, hỗ trợ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp.
Tổng kết của Bộ Tài chính cho thấy, sau ba năm thực hiện Quyết định 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (2011-2013), đã có hơn 304.000 hộ nông dân, tổ chức sản xuất nông nghiệp ở 21 tỉnh, thành phố tham gia BHNN. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ từ 60-100% chi phí mua bảo hiểm chiếm tới 92%. Nhiều địa phương ở khu vực miền Trung và Đồng bằng Sông Cửu Long nhờ được tham gia BHNN, người dân yên tâm đầu tư sản xuất, mạnh dạn vay vốn từ các TCTD để mở rộng quy mô trồng trọt, chăn nuôi.
Thực tế cho thấy, từ khi có chính sách BHNN, nguồn vốn người dân vay từ các TCTD để phát triển các ngành nghề nông nghiệp, nông thôn liên tục tăng trưởng cao. Tại các địa phương có tỷ lệ tham gia BHNN lớn như Nghệ An, Thái Bình, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang… người dân trồng lúa và nuôi tôm đã tăng cường các hoạt động vay vốn mở rộng sản xuất.
Chẳng hạn, trong giai đoạn 2011-2013 tỷ lệ cho vay nông nghiệp, nông thôn tại Nghệ An tăng 35,7%, trong khi đó tại Sóc Trăng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn tính đến cuối 2013 đạt hơn 6.200 tỷ đồng, tăng gần 2 lần so với thời điểm 2011. Báo cáo của Sở NN&PTNN tỉnh Hậu Giang cũng cho thấy rằng, trong giai đoạn 2010-2013 đã có 48.500 hộ nông dân thực hiện vay vốn từ các TCTD để phát triển nông nghiệp, nông thôn. Doanh số cho vay lũy kế đến cuối 2013 đạt trên 14.000 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần so với thời điểm đầu 2010.
Ghi nhận từ đầu năm 2014 đến nay, mặc dù NHNN đã chỉ đạo hệ thống các TCTD đưa ra nhiều sản phẩm tín dụng phù hợp hoạt động sản xuất, kinh doanh các ngành nghề nông nghiệp, nông thôn như cho vay lưu vụ đối với sản xuất lúa gạo, cho vay thông qua chuỗi liên kết, tạo thêm thuận lợi thủ tục thế chấp vay vốn… Nhưng do hầu hết người dân ở các địa phương, đặc biệt là các tỉnh nuôi trồng thủy sản trọng điểm ở phía Nam, đã cạn vốn sau các đợt dịch bệnh diễn ra liên tiếp vào các năm 2011, 2012 nên việc tái sản xuất gặp khó khăn.
Nếu không được hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm thì khoảng 40% hộ nuôi tôm ở các tỉnh Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng sẽ e ngại khi tái đầu tư ao nuôi vì lo sợ dịch bệnh. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc tăng trưởng tín dụng quy mô nông hộ ở các TCTD khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và ảnh hưởng chung đến hiệu quả chính sách dồn vốn cho tam nông mà Chính phủ và các bộ, ngành đang nỗ lực thực hiện.
Chính vì vậy, việc tiếp tục duy trì, nhân rộng chương trình thí điểm BHNN cùng với việc sửa đổi Nghị định 41/2010/NĐ-CP nếu được triển khai nhanh chóng chừng nào thì mức tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn sẽ càng có cơ hội để đẩy mạnh chừng đó.
Bởi xét đến cùng, mặc dù Việt Nam đang trong quá trình tái cơ cấu toàn diện ngành kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, nhưng thực tế hiện nay, kinh tế nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo. Mối lo ngại từ thiên tai, dịch bệnh vẫn là ám ảnh lớn nhất mà người nông dân chăn nuôi, trồng trọt nhỏ lẻ ở các địa phương phải đối mặt hàng ngày. Người dân có thể vay vốn hàng chục, hàng trăm tỷ đồng để nuôi cá, nuôi tôm và phát triển các trang trại. Tuy nhiên, họ cần có “tay vịn” để chia sẻ bớt phần nào nỗi lo trước mỗi quyết định đầu tư.
Bảo Hiểm Bảo Việt