Năm 2012, tình hình kinh tế – xã hội nước ta diễn ra trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, diễn biến kinh tế phức tạp. Những yếu tố bất lợi trên đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh và gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm xe cơ giới.
Kết thúc năm 2012, tăng trưởng nông nghiệp đạt 3,4%, công nghiệp và xây dựng tăng 4,8%, dịch vụ tăng 16%, tổng sản phẩm trong nước tăng 5,03% so với 2011, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 9,21% so với năm 2011.
Về tình hình tai nạn giao thông: tai nạn giao thông năm 2012 đã giảm trên cả ba tiêu chí, cụ thể: số vụ tai nạn 36.376, số người chết 9.838, giảm 14% so với 2011; số người bị thương 38.060, giảm 20% so với 2011
Các sự kiện tác động đến thị trường tiêu thụ ô tô và thị trường bảo hiểm xe cơ giới trong năm 2012:
– Tăng phí trước bạ vào cuối năm 2011, người dân quay lưng với ô tô: Nghị định 45/2011/NĐ-CP ngày 17/6/2011 có hiệu lực từ 1/9/2011, quy định tăng khung lệ phí trước bạ ô tô từ 10-15% lên 10-20%, mức thu cụ thể sẽ do các tỷnh, thành tự quyết tùy điều kiện địa phương. Với chính sách này, Hà Nội và TP HCM nâng lệ phí trước bạ lên lần lượt 20% và 15% với ô tô bắt đầu từ 01/01/2012 và nâng phí cấp biển xe ôtô lên 20 triệu đồng. Thị trường ôtô thực sự đóng băng bắt đầu từ 01/01/2012. Tiêu thụ ôtô giảm mạnh.
– Thông tư 151/2012/TT-BTC về sửa đổi bổ sung Thông tư 126/2008/TT-BTC chính thức có hiệu lực từ ngày 01/11/2012 đã tháo gỡ một số khúc mắc và tăng tính chủ động cho doanh nghiệp bảo hiểm, đặc biệt là quy định nâng mức trách nhiệm bảo hiểm đồng thời tăng phí bảo hiểm.
– Câu chuyện xe chính chủ: Nghị định 71/2012/NĐ-CP đã chính thức có hiệu lực từ ngày 10/11/2012 với nội dung chính liên quan đến việc nâng mức xử phạt vi phạm hành chính giao thông đường bộ và xử phạt đối với chủ xe ô tô, mô tô không sang tên đổi chủ. Bên cạnh những ảnh hưởng xấu tới nhu cầu sở hữu cá nhân các phương tiện ô tô, Nghị định này cũng có một phần tác động tích cực đến ý thức của chủ xe đối với loại hình bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới.
– Thu phí đường bộ với phương tiện cá nhân làm cho thị trường tiêu thụ ô tô thêm trầm lắng: theo quy định tại Thông tư số 197/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012, việc thu phí đường bộ đối với các phương tiện giao thông có hiệu lực từ ngày 01/01/2013. Bộ Tài chính quy định, chủ phương tiện xe máy, ôtô đều phải nộp loại phí này, trừ các loại xe cứu thương, cứu hỏa, xe chuyên dùng, xe phục vụ an ninh, xe máy của hộ nghèo.
Dưới tác động của suy thoái kinh tế kéo dài, đồng thời chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi các chính sách kể trên, thị trường ô tô có một năm giảm kỷ lục. Lượng xe ô tô tiêu thụ trên thị trường năm 2012 ước đạt 95.000 xe, giảm hơn 30% so với năm 2011 (165.000 xe).
Tăng trưởng bảo hiểm xe cơ giới năm 2012 – lạc bước thị trường
Theo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ năm 2012 ước đạt 22.675 tỷ đồng, tăng trưởng 10,2% so với năm 2011. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới toàn thị trường ước đạt 6.200 tỷ đồng tăng trưởng -0,5% so với 2011; bồi thường ước 3.300 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường khoảng 53% – tăng xấp xỉ 2% so với 2011.
Như vậy, đây là năm thứ 2 liên tiếp, bảo hiểm xe cơ giới có tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với mức trung bình thị trường và là năm đầu tiên có tăng trưởng âm. So với năm 2011, bảo hiểm xe cơ giới đã giảm tỷ trọng trong cơ cấu doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ từ 30% năm 2011 xuống 27.8% năm 2012.
Ước doanh thu, dẫn đầu là Bảo hiểm Bảo Việt với khoảng 1.600 tỷ đồng, tăng trưởng 6,5% so với 2011, tiếp đến là PJICO khoảng 980 tỷ đồng, tăng trưởng 7%, PTI khoảng 700 tỷ đồng, tăng trưởng trên 30%, Bảo Minh 560 tỷ đồng, tăng trưởng -1%, PVI 500 tỷ đồng, tăng trưởng -10%, Liberty 350 tỷ, AAA 260 tỷ…
Biều đồ thị phần Bảo hiểm Xe cơ giới các năm 2012 và 2011
Nguồn: ước theo kết quả 9 tháng đầu năm 2012 của Cục QL&GSBH
Như vậy, tốp 5 doanh nghiệp dẫn đầu gồm Bảo Việt, PJICO, PTI, Bảo Minh vẫn có sự tăng trưởng ấn tượng so với thị trường – đặc biệt là PTI, ngoại trừ PVI có sự suy giảm so với 2011. Tốp các doanh nghiệp nước ngoài, dẫn đầu là Liberty cũng đã giảm đà tăng trưởng và vẫn chiếm tỷ trọng nhẹ trong cơ cấu doanh thu. Các doanh nghiệp trong nước khác hầu hết đều không có tăng trưởng và đã giảm tỷ trọng doanh thu từ 28% xuống 24%. Sự phân hóa về doanh thu ngày càng rõ giữa tốp đầu và các doanh nghiệp còn lại đồng thời sẽ khó có sự thay đổi lớn trong ngắn hạn.
Dự báo thị trường năm 2013
Ngày 08/11/2012, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013 với mức tăng trưởng GDP 5,5%, đầu tư công chiếm 30% GDP, CPI tăng 8% – điều này cho thấy dự kiến nền kinh tế chưa thể khởi sắc. Còn theo dự đoán của các chuyên gia kinh tế, trong năm 2013, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng sâu rộng của khủng hoảng, môi trường kinh doanh thậm chí còn khó khăn hơn so với năm 2011. Vì vậy, thị trường bảo hiểm năm 2013 chắc chắn sẽ còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn không kém năm 2012.
Tăng trưởng doanh thu của ngành bảo hiểm trong năm 2013 dự kiến chỉ dao động quanh mức 10% so với năm 2012. Trong đó bảo hiểm xe cơ giới ước tăng trưởng khoảng 5% – đánh dấu năm thứ ba liên tiếp nghiệp vụ này tăng trưởng thấp hơn mức bình quân chung của toàn thị trường.
Cường Nguyễn
(Bảo hiểm Bảo Việt)