Quản lý và chăm sóc sức khỏe học sinh tại nhiều trường học còn bất cập, thiếu cán bộ y tế học đường và ngay cả ánh sáng lớp học cũng thiếu, chưa kể an toàn môi trường các bếp ăn bán trú. Khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT gặp khó khăn… Nếu không khắc phục những vấn nạn này, chủ trương 100% HS, SV tham gia BHYT sẽ còn loay hoay dài.
|
BHYT bắt buộc với HS, SV là một chủ trương hay
Tháng 9 này là thời điểm nhiều trường ĐH chốt hạn cuối sinh viên đóng phí Bảo hiểm y tế (BHYT) năm học mới 2014-2015, như Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP. HCM), Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia HN), Trường ĐH Thủy lợi, Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải…, bởi giá trị sử dụng thẻ từ 1-10-2014 đến 30-9-2015.
Mức thu BHYT với HS&SV là 289.800 đ/người/12 tháng. Nhiều trường khá rốt ráo, nhưng thực tế đạt được mục tiêu 100% HS, SV tham gia BHYT không dễ. Năm học trước cũng vậy và đến 2015 cũng khó. BHYT bắt buộc với HS, SV là một chủ trương hay, vì sao loay hoay lâu nay chưa đạt mục tiêu mong muốn?
Bắt buộc nhưng…
Một số trường ĐH khi thông báo đến SV nộp tiền BHYT dịp này không quên lưu ý, hình thức kỷ luật nếu SV không tham gia BHYT là bị hạ điểm rèn luyện, không xét khen thưởng. Nếu hết hạn SV cố tình không tham gia, trường sẽ hủy kết quả thi môn học gần nhất với thời gian đóng bảo hiểm… Đó là những giải pháp tình thế “cực chẳng đã”.
Theo Luật BHYT và theo Công văn số 2457 năm 2009 của BHXH VN, Công văn số 6974 năm 2010 của Bộ GD&ĐT, tất cả HS, SV bắt buộc phải tham gia BHYT để được chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại y tế nhà trường. Luật nói là đối tượng bắt buộc nhưng thực tế lại ít nơi áp dụng theo Nghị định 92/2011/NĐCP, vì thế vẫn chỉ là tự nguyện tham gia trên tinh thần vận động là chủ yếu. Ngay tại Hà Nội năm học qua, khối trường THPT có tỷ lệ tham gia BHYT cao nhất cũng chỉ đạt 89,8%, tiếp đến là khối tiểu học 85%, khối THCS 84,7%. Còn khối các trường ĐH, CĐ, trung cấp mới chỉ đạt 76,8%, thấp nhất.
Đối với những người “trong cuộc”, tình trạng HS, SV không mặn mà gì với BHYT có lẽ chẳng có gì mới. Cơ sở vật chất khám chữa bệnh ban đầu tại nhiều trường khá lạc hậu, sơ sài, kể cả tại HN. Hiện lại có nhiều hình thức bảo hiểm thương mại cạnh tranh, không chỉ bảo hiểm thân thể mà cả khám chữa bệnh cũng dành chi phí hoa hồng cao hơn so với BHYT trích lại, nên nhà trường có lý do quan tâm bảo hiểm thương mại hơn. Đó là chưa kể nạn trục lợi Quỹ BHYT diễn ra ở nhiều nơi đáng báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người tham gia, làm nản lòng xã hội.
Ai lo sức khỏe HS, SV?
Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HS là bằng chứng thực tế nhất để phụ huynh và HS thấy được lợi ích của BHYT. Bộ GD&ĐT từ 2006 đã có Thông tư cho phép mỗi trường học biên chế một cán bộ chuyên trách y tế, nhưng y tế học đường tại các trường đến nay đều yếu và thiếu. Ở vùng cao bất cập càng rõ. Năm học qua, ở huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) có 26 trường học, có đến 60 điểm trường lẻ, nhưng tất cả các trường kể cả trường đạt chuẩn quốc gia, cũng không có nhân viên y tế chuyên trách.
Còn tại TP. HCM, tháng 5 vừa qua, một học sinh có thẻ BHYT đến trình thẻ để khám tại 1 BV quận của TP vào ngày nghỉ, BV này bắt đóng tiền khám dịch vụ với lý do BV quận thuộc diện được nghỉ lễ theo quy định của Chính phủ, cho nên nếu HS ốm đau vào ngày lễ, phải chấp nhận khám dịch vụ!
Dù muốn dù không, vẫn quá nhiều bất cập làm giảm tỷ lệ tham gia BHYT trong HS, SV. Báo động còn là tình trạng 30% học sinh cả nước bị tật khúc xạ, cá biệt tại trường chuyên lớp chọn, có lớp 100% học sinh cận cả, cho thấy HS không được phát hiện sớm tật này. Ngay giữa Thủ đô, các phòng học ở HN còn thiếu độ chiếu sáng nhân tạo cần thiết, nhất là vào mùa Đông. Thực tế quyền lợi, trách nhiệm, ý nghĩa nhân văn của chính sách BHYT đều chưa rõ, dù nhìn vào góc cạnh nào của y tế học đường cũng vậy.
Một số trường ở TP. HCM có trang bị điều hòa cho các lớp học cũng không hẳn đã tốt, bởi theo kết quả kiểm tra mới đây, lượng khí CO2 trong tất cả các phòng học có điều hòa cao gấp 2- 3 lần quy định có thể ảnh hưởng tới sức khỏe học sinh – ông Huỳnh Tấn Tiến, GĐ Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường TPHCM (Sở y tế TP) cho biết tháng 6 năm nay.
Nâng cao chất lượng hoạt động y tế trường học bền vững, cải cách thủ tục để HS, SV có thẻ BHYT được tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận nơi khám chữa bệnh hiện đại – mới có thể hy vọng tăng tỷ lệ HS, SV tham gia BHYT, “lấy số đông bù số ít” tránh nguy cơ vỡ quỹ. Một khi bắt buộc mà thực hiện BHYT thiếu lý thiếu tình, HS, SV thạm gia sẽ không được hưởng lợi như đáng được mà nguy hiểm hơn, còn thất vọng về một chủ trương xã hội nhân văn.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo daidoanket.vn)
|