(PetroTimes) – Nếu như trước đây lưu máu cuống rốn (MCR) thường chỉ dành cho giới thượng lưu, những người thực sự có điều kiện kinh tế mới có thể bỏ ra một khoản tiền lớn để lưu giữ MCR như một bảo hiểm sinh học cho tương lai thì đến nay, người dân có mức sống trung bình vẫn có thể lưu giữ MCR qua hình thức cộng đồng. Nghĩa là thay vì phải chi trả một khoản tiền lớn để lưu giữ nguồn tế bào gốc có trong MCR thì giờ các tế bào gốc quý này sẽ được lưu giữ miễn phí.
Năng lượng Mới số 349
Cải lão hoàn đồng
Theo bác sĩ Mai Trọng Hưng, Trưởng khoa D3, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thì: Quá trình lưu giữ một mẫu MCR không đơn giản, các khâu xét nghiệm, lưu giữ phải đảm bảo chính xác. Vì vậy, ngay từ khi sản phụ chuẩn bị sinh là phải có người hướng dẫn tận nơi. Trước khi lấy được mẫu MCR thì bác sĩ phải tách em bé ra khỏi bánh rau bằng 2 phương pháp. Trong trường hợp bánh rau chưa xổ ra khỏi tử cung thì máu được lấy luôn từ dây rốn, trường hợp bánh rau đã xổ ra ngoài thì các y, bác sĩ sẽ treo bánh rau lên và lấy máu. Việc lấy máu cuốn rốn đảm bảo nhất là khoảng từ 2-5 phút sau sinh .
Tất cả lượng MCR được chuyển về lưu giữ ở Viện Huyết học truyền máu TƯ đều phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chí sau đó mới được đưa vào phòng lưu trữ máu và được nuôi trong môi trường khí nitơ lỏng đảm bảo đến khi “thân chủ” đủ 18 tuổi. Những mẫu máu này được xem là quà tặng vô giá ngay từ khi mới ra đời dành cho người được chọn, vì tế bào gốc có trong MCR sẽ là phương thuốc chữa bệnh hữu hiệu cho bản thân họ trong tương lai.
Mẫu MCR được lưu trữ tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương
Thực tế thì việc lấy và lưu trữ tế bào gốc vốn không hề đơn giản, thường được được lấy từ ngân hàng máu ngoại vi hay tủy xương. Việc lấy tế bào gốc từ máu ngoại vi và tủy xương thường khó khăn, tốn kém hơn việc lấy tế bào gốc từ MCR. Trong khi đó, MCR lại đang được coi là cuộc cách mạng khi chữa trị được hàng loạt các bệnh nan y nhờ ghép tế bào gốc. Theo các nghiên cứu hiện nay thì tế bào gốc từ MCR đã được dùng để điều trị khoảng trên 70 loại bệnh, bao gồm cả các bệnh lý từng là nỗi ác mộng của các bệnh nhân về hệ tạo máu, bệnh lý rối loạn miễn dịch di truyền như: ung thư máu, u tủy, suy tủy, u lympho, tan máu bẩm sinh (Thalassemia), bệnh tiểu cầu, li thượng bì… Thậm chí, tế bào gốc từ MCR còn đang được nghiên cứu và hy vọng có khả năng chữa được các bệnh khác như tự kỷ, tiểu đường, alzheimer, parkinson, bại não, đột quỵ… Vì vậy, tế bào gốc lấy từ MCR đang được kỳ vọng là phương pháp chữa bệnh hữu hiệu có khả năng “cải lão hoàn đồng” khi mở ra hướng điều trị mới cho những căn bệnh tưởng chừng đã vô phương cứu chữa.
Cần được quan tâm
Mặc dù, tế bào gốc được lấy từ MCR rất hữu hiệu nhưng việc lưu trữ lại vô cùng khó khăn, tốn kém nên mới có thực trạng dù người dân rất mặn mà nhưng cũng khó có thể tiếp cận với loại hình này. Với các nước phát triển trên thế giới thì tiếp cận lưu giữ MCR qua hai hình thức đó là lưu giữ MCR dịch vụ và lưu giữ MCR cộng đồng tồn tại song song. Tại Việt Nam, trước đây cả 5 ngân hàng MCR đều lưu trữ trên cơ sở dịch vụ. Nghĩa là thông thường, khi có nhu cầu thì người dân sẽ đến đăng ký với các bệnh viện có hệ thống lưu giữ MCR. Với dịch vụ này tùy từng nơi lưu trữ mà người lưu trữ phải trả một khoản tiền nhất định. Ðơn cử ở Viện Huyết học truyền máu TƯ lưu trữ một mẫu MCR thì người gửi sẽ phải chi trả 25 triệu đồng/năm lưu giữ đầu tiên. Duy trì đến khi chủ nhân của mẫu máu đủ 18 tuổi thì mỗi năm phí chi trả duy trì từ 2-3 triệu đồng/năm.
Hiện tại, lưu giữ theo hình thức dịch vụ vừa tốn kém mà xác suất sử dụng lại rất thấp. Bởi khi lưu giữ hình thức dịch vụ thì một mẫu MCR chỉ được dùng cho chính chủ nhân của mẫu máu đó. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng tế bào gốc từ MCR lại rất cao. Vì vậy, gần đây Viện Huyết học truyền máu TƯ đã chuyển hình thức dịch vụ sang hình thức lưu trữ cộng đồng. Dựa trên thực tế, các mẫu MCR không chỉ dùng chữa bệnh hiểm nghèo cho chủ nhân mẫu máu mà tế bào gốc từ MCR còn có thể sử dụng cho cả người thân trong gia đình, thậm chí là người trong cộng đồng nếu không may mắc bệnh, với điều kiện các chỉ số cho thấy tương đồng với mẫu tế bào gốc được lưu giữ. Ðối tượng được sử dụng rộng hơn nên mẫu MCR được lưu trữ dưới hình thức cộng đồng xác suất sử dụng sẽ cao hơn, bớt lãng phí. Vì thế, mới đây Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và Viện Huyết học truyền máu TƯ đã triển khai lấy máu cuống rốn tại khoa sinh sản. Quy trình này được thực hiện từ tháng 3-2014 đến nay đã lấy được khoảng 270 mẫu MCR đạt tiêu chuẩn, được đưa về Ngân hàng MCR tại Viện Huyết học truyền máu TƯ để xử lí, tách chiết và đưa vào lưu trữ miễn phí trong 18 năm.
Huyền Anh
Bảo Hiểm Bảo Việt