Dẫu nền kinh tế còn khó khăn nhưng thị trường bảo hiểm (BH) những tháng đầu năm vẫn đạt kết quả tích cực. Tổng doanh thu phí BH toàn thị trường ước đạt 24.129 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước.
Bảo hiểm xe cơ giới là lĩnh vực bị trục lợi bảo hiểm nhiều nhất.
Song, thống kê của Cục Quản lý giám sát BH (Bộ Tài chính) cho thấy, trung bình hằng năm, có khoảng 9.000 trường hợp gian lận BH được phát hiện, gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng của các doanh nghiệp BH (DNBH) và làm ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của thị trường.
Gần đây, các DNBH liên tiếp công bố những thông tin khả quan về tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm. Báo cáo của Tập đoàn Bảo Việt về kết quả kinh doanh quý II-2014 cho thấy, lũy kế 6 tháng, Bảo Việt có tổng doanh thu hợp nhất đạt 9.133 tỷ đồng, tăng trưởng 14,3%, lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng trưởng 19,7%, hoàn thành 55,9% kế hoạch năm 2014. Ông Hoàng Việt Hà, Giám đốc Hoạt động, Tập đoàn Bảo Việt cho biết, tập đoàn đã nỗ lực duy trì tăng trưởng ổn định về doanh thu và lợi nhuận. Các lĩnh vực kinh doanh nòng cốt đều khả quan.
Mặc dù mới tham gia thị trường, song doanh thu của Công ty BH Generali Việt Nam những tháng đầu năm 2014 vẫn tăng gần 200%. Generali Việt Nam tiếp tục dẫn đầu thị trường về BH nhóm cung cấp các gói sản phẩm về chăm sóc sức khỏe và tài chính cho các thành viên của các DN. Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) cho biết, 6 tháng, doanh thu phí BH gốc hợp nhất của DN đạt 583,4 tỷ đồng. Riêng Công ty mẹ BIC, doanh thu gốc tăng trưởng 18,2% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng trưởng 25,7%, hoàn thành 52% kế hoạch cả năm.
Doanh thu khá ấn tượng song DNBH cũng phải đối mặt với tình trạng gian lận BH. Trong giai đoạn từ năm 2007 đến 2013, toàn thị trường BH nhân thọ đã phát hiện khoảng 52.860 vụ trục lợi. Tổng số tiền bị trục lợi ước khoảng 530 tỷ đồng.
Bình quân mỗi năm có khoảng 9.000 trường hợp gian lận BH, gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng cho DNBH. Trên thực tế, nạn trục lợi BH diễn ra từ khâu khai báo hồ sơ mua BH cho đến khai báo bồi thường. Hành vi này xảy ra nhiều ở nghiệp vụ BH sức khỏe, BH hỗn hợp và BH trọn đời. Tại hội thảo Phòng chống gian lận trong lĩnh vực BH nhân thọ diễn ra mới đây, Đại tá Bùi Minh Thanh, Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) cho biết, trục lợi BH điển hình là việc lập hồ sơ sự kiện BH xảy ra khi hợp đồng đã hết hiệu lực. Khách hàng mua BH đã thông đồng với các bên liên quan chứng nhận lùi sự kiện BH để trùng với thời điểm hợp đồng còn hiệu lực.
Thế nhưng, khi yêu cầu cung cấp thông tin để xử lý trục lợi BH, các cơ quan chức năng liên quan đều cho rằng, đây là việc dân sự giữa DNBH và khách hàng, không liên quan đến cơ quan nhà nước nên không cung cấp thông tin, gây khó khăn cho việc xử lý trục lợi BH.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực BH cho rằng, trục lợi BH có cơ hội phát triển mạnh là do DNBH ít trao đổi thông tin với nhau. Trên thực tế, thị trường BH luôn sôi động, phức tạp, cạnh tranh ngày càng khốc liệt nên các DNBH đều cố gắng bảo mật thông tin. Vì vậy, có một số hình thức trục lợi xuất hiện ở DNBH này nhưng DNBH khác không nắm kịp thời để tránh các hành vi trục lợi.
Trong khi đó, chế tài xử lý vi phạm trong kinh doanh BH còn quá nương nhẹ, chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn. Các chuyên gia cho rằng, khi các đối tượng gian lận tạo dựng hiện trường giả, lập hồ sơ khống, không trung thực thì phải chịu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, cần hình sự hóa một số hành vi trục lợi BH gây nguy hiểm cho xã hội để giúp thị trường phát triển an toàn, lành mạnh.
Theo Cục Quản lý giám sát BH, 6 tháng đầu năm, thị trường BH gặp nhiều khó khăn do tình hình vĩ mô chưa thuận lợi cho hoạt động kinh doanh BH. Tăng trưởng kinh tế phục hồi còn chậm, thu nhập của người dân chưa được cải thiện làm ảnh hưởng tới hoạt động của các DNBH trên nhiều phương diện. Tuy nhiên, thị trường vẫn đạt được những kết quả tích cực. Tổng doanh thu phí BH toàn thị trường ước đạt 24.129 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, doanh thu phí BH phi nhân thọ tăng 7,3%, doanh thu phí BH nhân thọ tăng 19,5%. Tổng số tiền thực bồi thường và chi trả BH của các DNBH ước đạt 9.806 tỷ đồng. Các DN cũng đầu tư trở lại nền kinh tế 116.318 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ.
Bảo Hiểm Bảo Việt Theo (Hà Nội Mới)